Lạm phát ở nhiều nước tăng kỷ lục
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao, tỷ lệ lạm phát đang tăng mạnh ở nhiều nước khắp thế giới; tỷ lệ ở Mỹ cao nhất trong 40 năm qua. Tháng 4/2022, tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới (222,3%) được ghi nhận ở Venezuela.
Theo phân tích của Deutsche Bank (Đức) về lạm phát ở 111 nước, tỷ lệ lạm phát trung bình trong 12 tháng qua (từ tháng 6/2021 - 5/2022) là 7,8%, tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó (3%), chủ yếu do giá nhiên liệu và lương thực, thực phẩm tăng vọt.
Tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát ở các nước Tây Âu và Mỹ là gần như tương đương (8,8% ở Hà Lan, 7,9% ở Đức, 8,6% ở Mỹ…). Lạm phát thấp hơn ở Pháp (5,8%), nhưng cao tới 20% ở các nước vùng Baltic, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Giá năng lượng cao ngất do chiến sự Nga-Ukraine là nguyên nhân chính gây lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu. Giá năng lượng ở Mỹ hiện nay tăng 35% so với năm ngoái, theo Cục Thống kê Lao động. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ trong tháng 5/2022 là 8,6%, mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.
Trong khi nhiều nước trên thế giới đối mặt tỷ lệ lạm phát cao, các nền kinh tế lớn ở châu Á ghi nhận tỷ lệ thấp hơn nhiều (2,1% ở Trung Quốc, 2,5% ở Nhật Bản…). Theo Wall Street Journal , lạm phát thấp ở Trung Quốc một phần là do Bắc Kinh chỉ đưa ra các gói kích thích kinh tế tương đối nhỏ trong đại dịch COVID-19, kiểm soát giá chặt và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Trong khi đó, Hàn Quốc đối diện mức tăng lạm phát cao nhất trong 14 năm qua - lên 5,4% trong tháng 5/2022, Financial Times đưa tin. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cuối tuần qua cảnh báo rằng, kinh tế nước này phải đối mặt một “cơn bão nhiệt đới” đang tới gần.
Trong khi nhiều nước, bao gồm Hàn Quốc, nâng lãi suất huy động để kiềm chế lạm phát, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kiên quyết cắt giảm lãi suất. Tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức 74%, cao nhất trong số các nước G20. Mức cao tiếp theo (58%) được ghi nhận ở Argentina - nước đang phải in thêm tiền để giúp chống thâm hụt ngân sách, theo Axios.
Một số nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latin và châu Phi cũng đang có mức lạm phát hai con số, trong khi một số nước đối mặt mức lạm phát ba con số. Tháng 4/2022, lạm phát lên tới 222,3% ở Venezuela, 220,7% ở Sudan…, CNBCTV18 đưa tin.
Theo Ngân hàng Thế giới, giá lương thực, thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, tăng mạnh từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Giá năng lượng và lương thực, thực phẩm tăng cùng lúc khiến nhiều nước đang phát triển “dính đòn hiểm”.
Theo Thái An
Tiền Phong