Lạm phát ở Hàn Quốc cao kỷ lục trong vòng 14 năm

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 09:40:59

Hàn Quốc đang chứng kiến một đợt giá cả rất nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.


Một trong các loại hàng hóa đang được thị trường chú ý nhất lúc này chính là lúa mì. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã kêu gọi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu lúa mì trở lại để tránh giá mặt hàng này leo thang. Ngày 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã để ngỏ khả năng sẽ tạo điều kiện để Ucraina có thể xuất khẩu lượng lúa mì đang bị mắc kẹt tại các cảng do chiến sự.

Những tin tốt này đều đang rất được thị trường trông đợi vì giá lúa mì tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung đang khiến giá cả một loạt thực phẩm thiết yếu ở nhiều quốc gia tăng theo. Không chỉ những nước châu Âu vốn tiêu thụ nhiều bánh mì, mà cả ở các nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc.

Hàn Quốc nhập khẩu đến 80% các loại ngũ cốc tiêu thụ trên thị trường. Kể từ cuối tháng 3, các loại mặt hàng liên quan hoặc làm từ bột mì tại quốc gia này liên tục tăng giá, góp phần không nhỏ vào việc đẩy chi phí sinh hoạt trung bình lên cao.

Theo Cơ quan tiêu dùng Hàn Quốc, một túi bột mì loại 1 kg các hộ gia đình Hàn Quốc hay dùng đã tăng gần 20% so với năm ngoái. Trong ẩm thực của Hàn Quốc, bột mì là nguyên liệu không thể thiếu để làm các món bánh áp chảo, đồ chiên rán và bánh mì.

Khá nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc đã bắt đầu tích trữ các mặt hàng này khi giá cả chưa kịp leo thang tiếp.

Người dân mua sắm tại một cửa hàng giảm giá ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 23/5/2022, trong bối cảnh lạm phát gia tăng. (Ảnh: koreaherald.com).


Một người tiêu dùng Hàn Quốc cho biết: "Tôi thường ăn mỳ ăn liền hoặc bánh mì cho bữa sáng. Ăn trưa thì lại bánh quy. Tất cả những thực phẩm tôi hay dùng thường ngày đều đã tăng giá vì giá bột mì tăng".

Những nhà hàng tại Hàn Quốc cũng cho biết chi phí vận hành của họ tăng lên đáng kể và nhiều chủ cửa hàng phải đắn đo giữa việc gồng gánh chi phí hoạt động hay tăng giá các món ăn.

Anh Lee Jae-Won, Chủ cửa hàng ăn, Hàn Quốc, nói: "Những món ăn chúng tôi bán hầu như không thể thiếu bột mỳ, ví dụ như món mỳ thái sợi hay canh bánh gạo mà giá bột mì thì đã tăng 15 đến 20%. Chúng tôi cũng chưa dám nâng giá các món ăn vì sẽ không muốn những khách quen của quán phải chịu mức giá mới".

Để ứng phó với lạm phát, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách cuối tuần trước thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 1,75%. Thậm chí, nhiều nhà phân tích không loại trừ khả năng BoK sẽ còn nâng lãi suất tiếp lên 2,25% từ giờ cho tới cuối năm. Lạm phát là một trong số các nguyên nhân khiến BOK phải hạ dự báo tăng trưởng GDP cho năm nay xuống mức 2,7% so với mức dự báo 3% trước đó.

Chia sẻ Facebook