Lạm phát ở châu Âu tăng nóng, tiếp tục chạm mức kỷ lục
Theo số liệu sơ bộ từ văn phòng thống kê Eurostat mới công bố, lạm phát của khu vực này đạt mức 7,5% trong tháng 3.
Chi phí sinh hoạt tại eurozone tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới vào tháng trước. Điều này đặt ra câu hỏi về việc NHTW châu Âu (ECB) sẽ thực hiện những biện pháp gì để ổn định giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay.
Dữ liệu sơ bộ của Eurostat cho thấy giá cả tăng mạnh chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tăng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giá năng lượng đã tăng lên 44,7% từ 32,0% trong tháng 2.
Lạm phát lõi, không bao gồm các giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng lên 3,2% trong tháng 3 từ 2,8% trong tháng trước. Chỉ số cốt lõi này được theo dõi chặt chẽ như thước đo của ECB về sự ổn định giá trong trung hạn.
Trong khi đó, lạm phát đặc biệt nghiêm trọng, chạm mức 2 con số, ở 4 quốc gia thành viên, trong đó Lithuania dẫn đầu với 15,6%. Tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận ở Malta, nơi lạm phát tăng 4,6%, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu của ECB.
Những con số này được công bố ở thời điểm mâu thuẫn Nga - Ukraine đã khiến nền kinh tế châu Âu trở nên bất ổn. Theo đó, một số nhà kinh tế đưa ra câu hỏi rằng liệu eurozone có rơi vào suy thoái trong năm nay hay không - điều mà các quan chức châu Âu cho đến nay vẫn phủ nhận.
Chẳng hạn, vào tuần trước, Thủ tướng Ý Mario Draghi, nói rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ gây thiệt hại về kinh tế chứ không phải suy thoái.
Khu vực đồng tiền chung euro đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để trừng phạt Nga khi nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Do đó, các biện pháp trừng phạt này đang gây ra tác động lên chính nền kinh tế của eurozone. Ngoài ra, cuộc xung đột còn gây ra những vấn đề đáng ngại khác, đáng chú ý là giá năng lượng tăng vọt và là yếu tố đẩy lạm phát gia tăng trong toàn khu vực.