Lạm phát nóng trên toàn cầu, cả thế giới khẩn cấp thắt chặt tiền tệ
Các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi dữ liệu về lạm phát của Mỹ, với hy vọng lạm phát sẽ dịu đi để cho phép Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Họ ít quan tâm đến lạm phát của Trung Quốc, mà thay vào đó là tập trung vào những dữ liệu sắp công bố về thương mại để biết về tình hình kinh tế của nước này. Tuy nhiên, giá dầu tăng do nguồn cung bị thắt chặt sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải “bó tay”, khi các ngân hàng trung ương của khu vực động euro và một loạt các thị trường mới nổi họp trong tuần này.
Dưới đây là 5 biểu đồ sẽ cho thấy những gì các nhà đầu tư quan tâm theo dõi trong tuần tới.
Tiêu dùng ở Mỹ
Hiện tại, rất ít dữ liệu kinh tế của Mỹ thực sự quan trọng hơn giá tiêu dùng, đến nỗi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, và Bộ trưởng Tài chính, Janet Yellen, đều đã đến Nhà Trắng trong những ngày gần đây để thảo luận về vấn đề lạm phát.
Vì vậy, số liệu hàng tháng mới nhất đến ngày 10 tháng 6 sẽ cho thấy liệu việc thắt chặt chính sách của Fed có bắt đầu kiềm chế được lạm phát – đang tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ - hay không.
Kết quả thăm dò của hãng tin Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo dữ liệu giá tiêu dùng trong tháng 5 sẽ cho thấy mức tăng 0,7%. Trong tháng 4, giá cả ở Mỹ đã tăng 0,3% so với tháng liền trước, nhưng mức đó đã thấp hơn tháng trước đó nhờ giá xăng dầu hạ nhiệt sau đợt tăng đột biến hồi tháng 3. Tuy nhiên, vào lúc này, giá xăng dầu đang tăng phi mã trở lại.
Thị trường đang căng thẳng bởi những lo lắng về việc Fed thắt chặt chính sách một cách mạnh mẽ, do đó các nhà đầu tư hy vọng các dữ liệu của tháng 5 sẽ "lành mạnh" để họ có thể hy vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào cuối năm nay.
CPI của Mỹ (dữ liệu và dự đoán).
ECB cũng chịu áp lực giá tăng
Ngày 9 tháng 6 có thể sẽ đánh dấu cuộc họp cuối cùng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trước khi bắt đầu tăng lãi suất - lần đầu tiên sau 11 năm.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB đang chịu áp lực phải chứng minh rằng kế hoạch tăng lãi suất dần dần của họ bắt đầu từ tháng 7 sẽ đủ để kiềm chế lạm phát, vốn đã đạt mức kỷ lục cao, 8,1% vào tháng trước.
Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng như thị trường đều nhận định mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7 và tháng 9 là phù hợp, nhưng một số nhà hoạch định chính sách cho rằng nên tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7.
Các nước Nam Âu, đặc biệt là Italy, sẽ phản đối việc tăng lãi suất mạnh, nhưng những người tham gia thị trường sẽ lắng nghe những dấu hiệu cho thấy chính sách của ECB có thể được thắt chặt nhanh hơn dự kiến.
Thị trường nhận định ECB sẽ tăng lãi suất thêm hơn 100 điểm cơ bản trong năm 2022.
Khan hiếm dầu mỏ
Việc Trung Quốc kết thúc những ngày phong tỏa chống Covid-19, mọi người trở lại các hoạt động bình thường sẽ tạo động lực mới cho giá dầu – vốn đã tăng 50% trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư quốc tế thì vấn đề đó không thấm vào đâu so với dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang bắt đầu đi xuống.
Các nhà phân tích của ANZ ước tính kế hoạch cắt giảm nhập khẩu dầu Nga của châu Âu sẽ gây ra sự thiếu hụt nguồn cung lên tới 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022. Vì vậy, thông tin các nhà sản xuất OPEC + quyết định tăng sản lượng thêm 216.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 đã khiến các thị trường cũng không mấy ấn tượng.
OPEC + đã gần hết công suất dự phòng, thậm chí nhóm này còn đang chật vật để đạt mức tăng sản lượng ít ỏi đó.
Giá dầu Brent hiện ở mức khoảng 115 USD/thùng, và các nhà phân tích hiện dự đoán giá trung bình năm 2022 sẽ đạt 101 USD, tăng gần 2 USD so với dự báo hồi tháng 4.
Giai đoạn khan hiếm dầu mỏ đỉnh điểm có thể sắp xảy ra.
IEA hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu trong quý 2/2022.
Kinh tế Trung Quốc khó vì phong tỏa chống dịch bệnh
Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã kết thúc giai đoạn phong tỏa, nhưng cảm giác sợ hãi vẫn còn đó, bởi 25 triệu cư dân của thành phố đã bị phong tỏa trong suốt 2 tháng, và không loại trừ khả năng ở những nơi khác của Trung Quốc sẽ lặp lại hoàn cảnh như Thượng Hải nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Thiệt hại về kinh tế ở các khu vực của Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Các số liệu thương mại công bố vào ngày 9 tháng 6 sẽ xác định mức độ ảnh hưởng đến nhu cầu ở nước này, và "đám mây đen" từ đó vẫn treo lơ lửng trên "bầu trời" tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như thế giới.
Dữ liệu lạm phát của Trung Quốc sẽ công bố một ngày sau đó có thể là một ngoại lệ, với dự đoán lạm phát ở Trung Quốc sẽ tăng chậm – điều mà các nước khác trên thế giới đang mong muốn. Tuy nhiên, lạm phát của Trung Quốc tăng chậm không phải là dấu hiệu cho thấy Chính phủ nước này sẽ tập trung nhiều hơn cho việc kích thích tiêu dùng.
Số liệu cập nhật về tăng trưởng cho vay ở Trung Quốc sẽ được công bố vào giữa tháng. Giống như chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc, niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc đang bị giảm sút.
Thành phố Thượng Hải đã dỡ bỏ phong tỏa nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn đang yếu đi.
Cả thế giới khẩn cấp thắt chặt tiền tệ
Viện Tài chính Quốc tế nhận định các vấn đề lạm phát quá nóng, kinh tế Trung Quốc suy yếu, USD mạnh lên, gánh nặng nợ nần của Nga và lãi suất tăng trên toàn cầu sẽ khiến cascx nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ đầu tư và tăng trưởng GDP suy giảm mạnh trong năm nay.
Nhưng bất chấp điều đó, các chiến dịch tăng lãi suất không có dấu hiệu chậm lại, với Chile, Peru và Ba Lan đều dự kiến sẽ tăng lãi suất trong những ngày tới, với mức tăng từ 25 đến 75 điểm phần trăm.
Ấn Độ, sau một đợt tăng lãi suất bất ngờ vào tháng 5, gần như chắc chắn sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ hơn nữa vào ngày 8 tháng 6, với một số nhà hoạch định chính sách thúc giục việc tăng lãi suất mạnh mẽ.
Ukraine, bị tàn phá bởi chiến tranh, đã tăng lãi suất lên 25% để giải quyết vấn đề lạm phát, hiện đang ở mức hai con số. Nhưng Nga, đang đứng trước nguy cơ suy thoái và vỡ nợ, có vẻ sẽ cắt giảm lãi suất hơn nữa sau khi giảm xuống 11% vào tháng trước.
Vốn vào các thị trường mới nổi năm 2021 và dự báo 2022.
Tham khảo: Refinitiv
Vân Chi
Nhịp sống kinh tế