Lạm phát Mỹ thấp nhất trong 2 năm, Fed sắp kết thúc chiến dịch nâng lãi suất?
VietTimes – Mặc dù lạm phát hạ nhiệt nhưng giới chức Fed gần như chắc chắn sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp tổ chức vào cuối tháng này.
Lạm phát tháng 6 của Mỹ thấp nhất trong 2 năm
Lạm phát trong tháng trước đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, làm tăng khả năng Fed ngừng nâng lãi suất trong tương lai.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tăng chỉ 3% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này đã chậm lại tháng thứ 12 liên tiếp. Nên nhớ, lạm phát Mỹ lập đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022 - cao nhất kể từ năm 1981.
Lạm phát cơ bản (không tính giá nhiên liệu và lương thực thường xuyên biến động) tăng 4,8% - chậm nhất kể từ cuối năm 2021. Nhưng tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của Fed là 2%.
“Sau một giai đoạn lạm phát cao 'đau đớn', làm giảm sức mua của người tiêu dùng, con số này đã bắt đầu qua đi”, Bill Adams, kinh tế trưởng đến từ Comerica nhận định.
Trong tháng trước, người tiêu dùng Mỹ đã phải chi tiền ít hơn khi mua xe ô tô đã qua sử dụng, vé máy bay, và tiền thuê nhà cũng tăng với nhịp độ chậm nhất kể từ đầu năm 2022. Giá bảo hiểm xe ô tô và các dịch vụ giải trí tăng.
Các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan trước dữ liệu mới, bởi điều này cho thấy Fed đã đạt được tiến triển trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Cổ phiếu đã tăng, và lợi suất trái phiếu đã giảm.
Giá ô tô góp phần làm tăng lạm phát cơ bản ở Mỹ (Ảnh: WSJ)
Fed có tiếp tục nâng lãi suất hay không?
Giới chức Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm tại cuộc họp tổ chức vào ngày 25 và 26/7 do các hoạt động của nền kinh tế chưa "hạ nhiệt" như dự kiến. Nhưng báo cáo mới về lạm phát đã làm giới đầu tư đặt ra câu hỏi về việc Fed có tiếp tục nâng lãi suất sau cuộc họp đó, như hầu hết quan chức dự báo trong tháng trước, hay không?
"Theo dự báo của tôi, họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7", nhà kinh tế kỳ cựu David Wilcox từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đại diện cho Bloomberg Economics, cho hay. “Hiệu ứng chính sẽ là củng cố luận điểm cho rằng đợt nâng lãi suất tháng 7 sẽ là đợt cuối cùng”.
Sự thay đổi của CPI so với năm trước (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)
Nền kinh tế Mỹ vẫn tỏ ra " bền bỉ" trong năm nay bất chấp các đợt nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ và nhiều dự báo về suy thoái. Tuyển mộ lao động đã chậm lại trong tháng 6 nhưng vẫn "khoẻ mạnh" và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp lịch sử. Sản lượng kinh tế Mỹ tăng 2,3% trong quý thứ hai, theo ước tính mà Fed Atlanta đưa ra mới đây.
Giới chức Fed nói rằng họ không muốn phản ứng thái quá trước dữ liệu lạm phát tích cực của một tháng duy nhất, mà muốn đảm bảo rằng xu hướng này mới chỉ bắt đầu. Lạm phát có tiếp tục giảm hay không sẽ còn tuỳ thuộc vào sự giảm tốc của nền kinh tế và sức ép giá cả trong những tháng tới.
Fed đang nỗ lực để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, theo thước đo mà họ tin dùng là chỉ số giá chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE).
Các nhà hoạch định chính sách của Fed hoàn toàn có thể hài lòng về dữ liệu trong tháng 6 bởi giá cơ bản – đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng – có mức tăng ít nhất trong vòng 2 năm.
CPI cơ bản tăng 4,8% trong tháng 6, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021, và giảm từ mức 5,2% trong tháng 5.
Sự thay đổi về CPI so với tháng trước đó (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)
Giới chức Fed đang tập trung vào lạm phát cơ bản bởi họ coi nó là chỉ số tốt hơn của lạm phát tương lai so với lạm phát tổng.
Tháng trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong khoảng 5%-5,25%. Đây là lần tạm ngừng nâng lãi suất đầu tiên sau 10 lần nâng liên tiếp kể từ tháng 3/2022.
Lạm phát thấp nhưng vẫn gây tác động lớn tới người tiêu dùng
Số liệu mới công bố về lạm phát cho thấy chi phí nhà ở đã chiếm 70% của mức tăng trong tháng 6. So với tháng trước, mức tăng này chỉ là 0,2%. Một chỉ số theo dõi giá thuê nhà cũng ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Tuy nhiên, giá năng lượng lại tăng, chủ yếu do giá xăng và điện.
“Giá cả đang tăng chậm lại, bởi vậy tin tốt lành là mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn với người tiêu dùng Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện đều tốt”, Leo Feler, kinh tế trưởng đến từ công ty nghiên cứu Numerator, nói.
Mặc dù lạm phát thấp hơn nhiều so với trước đó 1 năm, nhưng nó vẫn gây tác động lớn đối với nhiều người tiêu dùng.
Ali Salim, 34 tuổi, cho hay giá thuê nhà và xăng leo thang đã vắt kiệt ngân sách của ông. Chủ nhà đã tăng giá thuê 24% trong năm ngoái đối với căn hộ một phòng ngủ của ông ở vùng ngoại ô Seatle, sau đó lại tăng 10% trong năm nay.
Salim quyết định chuyển tới một căn hộ mới nhỏ hơn, ít tiện nghi hơn và nằm cách văn phòng làm việc của ông xa hơn.
“Tôi phải lái xe đi xa hơn và bỏ thêm tiền mua xăng, càng thêm khó khăn hơn”, ông nói. Bang Washington hiện đang có giá xăng cao nhất nước mỹ, trung bình 4,96 USD/gallon xăng không chì, theo công ty dữ liệu OPIS, cao hơn mức trung bình toàn quốc là 3,54 USD/gallon.
Giá cả tăng chậm hơn kể từ cuối tháng 5 trong khi lạm phát có dấu hiệu giảm, theo nghiên cứu của Fed về kinh tế Mỹ. Một số doanh nghiệp không muốn tăng giá bởi người tiêu dùng bắt đầu nhạy cảm với lạm phát, trong khi nhiều doanh nghiệp khác nhận thấy nhu cầu ổn định cho phép họ duy trì biên lợi nhuận. Kỳ vọng về tăng giá trong tương lai nhìn chung là ổn định hoặc thấp hơn, theo báo cáo của Fed.
Lạm phát có tiếp tục giảm hay không còn tuỳ thuộc vào những điểm bất thường gây ra do đại dịch COVID-19. Ví dụ, giá xe ô tô tăng mạnh trong năm 2021 và 2022 nhưng giờ đang giảm. Giá ô tô cao hơn, ngược lại, làm tăng chi phí bảo hiểm ô tô, và có thể tiếp tục tăng vào đầu năm tới.
Một số nhà kinh tế học vẫn quan ngại rằng thị trường lao động "khoẻ mạnh" sẽ tiếp tục làm tăng lạm phát, kể cả khi các hiệu ứng do đại dịch có biến mất hoàn toàn. Nếu không có sự suy yếu, lương có thể tiếp tục tăng nhanh, từ đó làm tăng nhu cầu hàng hoá và dịch vụ, và quay lại làm thị trường lao động mạnh mẽ hơn. Nếu người tiêu dùng cảm thấy an tâm về việc làm, họ sẽ tiếp tục chi tiêu, điều này khó cho Fed trong việc giảm lạm phát./.
Theo Wall Street Journal