Lạm phát Mỹ đạt đỉnh, rồi sao nữa?

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 10:06:10

Tín hiệu lạm phát đạt đỉnh của Mỹ có tác động tâm lý tích cực đến toàn cầu, cho thấy những dự báo tiêu cực về siêu lạm phát đã quá bi quan. Lạm phát đạt đỉnh là một trong những tín hiệu được thị trường tài chính và những nhà phân tích kinh tế chờ đợi từ lâu. Với Việt Nam, những lo ngại về nhập khẩu lạm phát cao có thể là đã đi quá xa.

Lạm phát Mỹ đạt đỉnh, rồi sao nữa?

Lạm phát tại Mỹ vẫn còn cao sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng.

Số liệu lạm phát Mỹ phát tín hiệu đạt đỉnh

Số liệu lạm phát vừa công bố tháng 7 của Mỹ giảm nhanh hơn dự đoán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung giảm từ mức 9,1% xuống 8,5%, thấp hơn cả dự báo 8,7%.

Chỉ số lạm phát lõi, thang đo ổn định hơn và được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) theo dõi sát, cũng tốt hơn dự đoán, hầu như không thay đổi đáng kể, trong khi theo dự đoán là tăng từ 5,9% lên 6,1% trong tháng 7. Số liệu chỉ số giá sản xuất công bố sau đó cũng cho thấy thêm tín hiệu hạ nhiệt của giá cả, khi mà chỉ số PPI giảm từ 11,3% xuống 9,8%.

Tuy nhiên, số liệu lạm phát lần này đã cho thấy những nguồn gây biến động lạm phát cao như năng lượng và lương thực đều giảm, đặc biệt năng lượng giảm gần 5%. Đây là những tín hiệu đáng khích lệ cho thị trường tài chính nói chung và nền kinh tế toàn cầu nói riêng, vì nó phát tín hiệu rằng những con số lạm phát tệ nhất có lẽ đã ở phía sau chúng ta.

Nhưng liệu đã nên vui mừng?

Thị trường tài chính tất nhiên là vui mừng với tin này, vì nhà đầu tư hy vọng rằng số liệu lạm phát tốt hơn dự đoán sẽ khiến Fed không phải gấp rút tăng lãi suất thêm nữa. Tuy nhiên, nhiều thành viên của Fed đã nhanh chóng phát ra tín hiệu rằng con đường tăng lãi suất vẫn còn phải tiếp tục.

Chẳng hạn, phát biểu ngày 10-8, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans, nói rằng lạm phát vẫn cao là “không thể chấp nhận được”, và Fed cần tiếp tục tăng lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari nói số liệu lạm phát mới nhất là tin tốt, nhưng Fed “còn rất, rất xa đến chỗ có thể tuyên bố chiến thắng”.

Thông điệp này cũng tương đồng với quan điểm của Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly, dù bà tỏ ra ôn hòa hơn và cho rằng mức tăng lãi suất 0,5% trong tháng 9 là “phù hợp”. Với những thông điệp này, mức lãi suất 3,4-3,8% được các quan chức FOMC đưa ra cho giai đoạn cuối năm 2022 xem ra vẫn là mục tiêu mà họ hướng tới.

Vì vậy, sự lạc quan của thị trường cổ phiếu trong tuần qua chủ yếu đến từ yếu tố đạt đỉnh của lạm phát, và nhiều quỹ đầu tư cảm thấy giai đoạn khó khăn nhất của thị trường, khi phải chuyển từ mặt bằng lãi suất thấp sang mặt bằng lãi suất không còn rẻ khá nhanh với 2 đợt tăng lãi suất 0,75%. Tuy nhiên, ở phía trước vẫn sẽ còn nhiều trở ngại.

Trước tiên, đã có những tín hiệu cho thấy việc tăng lãi suất của Fed ít nhiều tác động đến thị trường nhà của Mỹ, số liệu thống kê tuần tới nhiều khả năng sẽ thể hiện sự nguội đi của thị trường địa ốc Mỹ.

Ngoài ra, với lạm phát vẫn ở mức khá cao trên 8%, tác động tiêu cực lên chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ sẽ sớm thể hiện qua số liệu thống kê. Kinh tế Mỹ có thể thoát khỏi một đợt suy thoái, nhưng kinh tế vẫn sẽ giảm tốc.

Ngoài ra, sau khi lạm phát đạt đỉnh, thì giá cả có thể không giảm nhanh mà giảm từ từ. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nói đến tình trạng lạm phát ít co giãn (sticky inflation), mỗi tháng có thể chỉ giảm 0,1-0,2%, và do đó sẽ cần nhiều tháng để lạm phát từ trên 8% về mức mục tiêu 2% của Fed.

Lạm phát giảm chậm sẽ trở thành một tín hiệu gây thất vọng cho những nhà đầu tư đang lạc quan sau dấu hiệu lạm phát đạt đỉnh lần này.

Tác động đến Việt Nam ra sao?

Ngoài ra, kỳ vọng lãi suất Mỹ sẽ sớm đạt đỉnh không lâu sau khi lạm phát Mỹ đạt đỉnh, khiến đồng USD yếu lại so với nhiều đồng tiền chính khác, giảm bớt sức ép tăng lên cho tỷ giá USD/VNĐ. Đây là những tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Mỹ không đại diện cho kinh tế toàn cầu. Kinh tế châu Âu đang khó khăn hơn Mỹ khá nhiều và nước Anh đã có quý thứ hai tăng trưởng âm. Khác với Mỹ, tình hình lạm phát ở Anh cũng như nhiều nước châu Âu khác căng thẳng hơn và đang đối mặt với một mùa đông nhiều khó khăn.

Kinh tế Trung Quốc cũng đang đánh vật những khó khăn do chính sách zero Covid và những khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản gây ra. Nợ xấu ngân hàng, việc người dân từ chối trả nợ ngân hàng cho các dự án chưa thể giao nhà, tạo ra sức ép lên hệ thống tài chính. Những yếu tố này sẽ tạo ra khó khăn vì châu Âu và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Mặc dù kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan 7,5% trong năm 2022 bởi World Bank, nhưng những khó khăn ở châu Âu và Trung Quốc có thể khiến kịch bản kinh tế xấu hơn dự đoán, và tác động xấu đến các công ty xuất khẩu.

Nói cách khác, những số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối 2022 có thể không quá u ám như những dự báo bi quan. Tuy nhiên, sẽ là thiếu thận trọng khi cho rằng phía trước sẽ toàn màu hồng. Kinh tế toàn cầu có thể vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn vào cuối 2022 và đầu 2023 với một mùa đông đầy bất trắc ở châu Âu,  đồng thời kinh tế Mỹ bộc lộ dấu hiệu giảm tốc.

Thời điểm khó khăn nhất có thể đã qua đi, vì những bất định do lạm phát cao và sự thay đổi gấp rút của chính sách tiền tệ ở những nền kinh tế chủ chốt đã không còn quá bất ngờ và đáng ngại nữa.

Nhưng qua thời điểm khó khăn nhất rồi thì không có nghĩa là mọi thứ sẽ quay đầu hình chữ V. Vì vậy, nếu quá lạc quan không chừng sẽ lại thất vọng với những số liệu kinh tế quý III.

TS. HỒ QUỐC TUẤN, giảng viên Đại học Bristol, Anh


SGĐTTC

Chia sẻ Facebook