Lạm phát Mỹ bất ngờ tăng bất chấp giá xăng giảm, chứng khoán bị bán tháo, Dow Jones giảm gần 1.300 điểm
Số liệu chính thức cho thấy lạm phát Mỹ trong tháng 8 đã tăng 0,1% so với 1 tháng trước ngay cả khi giá xăng giảm mạnh.
Những con số trái ngược với kỳ vọng
Cơ quan thống kê của Mỹ cho biết chi phí ăn, ở tăng mạnh đã khiến việc giảm giá năng lượng không có nhiều ý nghĩa trong việc hạ nhiệt lạm phát ở Mỹ. Cụ thể, CPI, vốn theo dõi một loạt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đã tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 8,3% kể từ đầu năm. Nếu loại trừ biến động chi phí lương thực và năng lượng, CPI Mỹ tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với tháng cùng kỳ của năm 2021.
Con số này trái ngược hoàn toàn với ước tính của các chuyên gia khi họ cho rằng lạm phát có thể giảm 0,1% trong tháng 8 nhờ giá năng lượng giảm.
Giá năng lượng giảm 5% trong tháng qua, kéo theo chỉ số xăng dầu giảm 10,6%. Tuy nhiên, sự sụt giảm đó đã không còn nhiều ý nghĩa bởi giá cả leo thang ở những khu vực khác. Cụ thể, chỉ số lương thực tăng 0,8% trong tháng 8 và chi phí ăn, ở - vốn chiếm 1/3 tỷ trọng CPI, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí cho dịch vụ chăm sóc y tế cũng tăng mạnh tới 0,8% so với tháng trước và tăng 5,6% so với tháng 8/2021. Giá xe mới cũng tăng 0,8% trong khi giá xe đã qua sử dụng giảm 0,1%.
Chứng khoán Mỹ bị bán tháo
Ngay sau khi số liệu chính thức được công bố, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc. Chốt phiên DJ giảm gần 4%, mất 1.276 điểm xuống 31.100 điểm. S&P 500 cũng giảm 4,3% và Nasdaq giảm 5,2%.
Biến động này gần như chắc chắn sẽ chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp của chúng khoán Mỹ. Một trong những động lực to lớn của đợt tăng giá đó bắt nguồn từ việc nhiều nhà đầu tư tin rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh.
"Số liệu CPI rõ ràng là một tin xấu đối với thị trường chứng khoán. Lạm phát nóng hơn có nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Nó cũng đẩy lùi những hy vọng về khả năng FED xoay trục", Matt Peron, giám đốc nghiên cứu của Janus Henderson Investors, cho biết.
Mike Loewengart, người đứng đầu bộ phận xây dựng mục đầu tư tại Văn phòng Đầu tư Toàn cầu của Morgan Stanley, nói rằng: "Số liệu CPI ngày hôm nay là lời nhắc nhở về chặng đường dài mà chúng ta phải trải qua cho đến khi lạm phát giảm trở lại. Có lẽ hơi sớm khi nghĩ rằng lạm phát đã qua đỉnh và FED sẽ dừng nâng lãi suất".
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, vốn gắn chặt chẽ nhất với chính sách lãi suất của FED, đã tăng 0,13 điểm phần trăm lên 3,704%.
FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất?
Trước đây, phần nhiều các nhà đầu tư vẫn tin rằng FED sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới. Sau khi số CPI được công bố, thị trường đã hoàn toàn loại bỏ khả năng FED sẽ chỉ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 8. Thậm chí, xuất hiện những ý kiến lo ngại rằng FED có thể tăng 1% lãi suất.
Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu tại LPL Financial, cho biết: "Họ đang theo dõi xem lạm phát đến từ đâu. Đối với họ, rất rõ ràng đó là giá lương thực, giá năng lượng và tiền thuê nhà. Giá thuê nhà tiếp tục cao hơn. Đó là điều khó khăn nhất mà FED đang phải đấu tranh ở thời điểm hiện tại".
Sau khi đạt đỉnh trên 5 USD/gallon vào mùa hè, giá xăng đã giảm mạnh. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt, trong đó nổi bật là giá lương thực, thực phẩm và nơi ở tiếp tục tăng cao. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát, vốn từng tập trung ở một vài mảng, hiện đang lan rộng.
Hiện tại, giá bánh mì đã tăng 2,2% trong tháng và tăng 16,2% so với một năm trước. Giá trứng tăng 2,9% và tăng 39,8% trong giai đoạn 12 tháng qua. Giá trái cây đóng hộp cũng lần lượt tăng 3,4% so với tháng trước và 16,6% so với một năm trước.
Tuy nhiên, bức tranh cũng có những góc nhìn tích cực hơn. Giá vé máy bay đã giảm 4,6% so với tháng trước dù vẫn cao hơn 33,4% so với một năm trước. Thu nhập trung bình hàng giờ thực tế của người lao động cũng tăng 0,2% trong tháng dù vẫn giảm 2,8% so với một năm trước.
Để chống lại sự gia tăng mạnh mẽ của chi phí sinh hoạt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã 4 lần tăng lãi suất trong năm nay với tổng mức tăng lên tới 2,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, số liệu vừa được công bố dự kiến sẽ không tác động lớn tới cuộc họp chính sách tháng 9 của FED mà là tác động trong các cuộc họp cuối năm và năm 2023, khi Ngân hàng trung ương Mỹ phải tìm cách chế ngự lạm phát mà không làm suy giảm nền kinh tế.
Nhìn chung, dù kinh tế Mỹ đã có một năm tuyệt vời vào năm ngoái nhưng những khó khăn đã thực sự được cảm nhận trong năm nay và chưa biết khi nào mới là hồi kết.
Tham khảo: CNBC