Lạm phát lên 10%, Đức chi 200 tỷ EUR trợ giá khí đốt
Chính phủ Đức sẽ gánh khoản nợ mới trị giá 200 tỷ EUR để thực hiện giới hạn giá khí đốt, bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khỏi chi phí năng lượng leo thang.
Cơ quan Thống kê Liên bang Đức Destatis cho biết chỉ số giá tiêu dùng ở Đức tăng 1,9% trong tháng 9, vượt xa mức 1,3% mà các nhà phân tích dự đoán trước đó.
Kết quả là tỉ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 9 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng lên 10,0% theo cách tính của Đức và và 10,9% theo cách tính của EU. Đây là mức lạm phát cao nhất ở Đức trong hơn 70 năm qua, kể từ khi quốc gia này thống nhất.
Nguyên nhân chính khiến chỉ số lạm phát của Đức cao hơn dự đoán là do chi phí đi lại tăng lên sau khi chương trình vé tháng giá 9 Euro chấm dứt hồi cuối tháng 8. Chương trình này được đưa ra từ đầu tháng 6 nhằm hỗ trợ đi lại không giới hạn cho những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong bối cảnh giá xăng và dầu diesel tăng vọt vào đầu năm.
Theo các viện nghiên cứu hàng đầu Đức, nền kinh tế quốc gia này sẽ chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm nay (giảm xuống so với con số 2,7% được đưa ra hồi tháng 3), tăng 0,4% vào năm 2023 và tăng 1,9% vào năm 2024.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo nền kinh tế có thể giảm tới 7,9% trong năm tới trong trường hợp xấu nhất, khi mùa đông lạnh giá bất thường và sự ra đời của việc phân bổ khí đốt trong ngành công nghiệp.
“Nếu chúng ta có mùa đông lạnh hơn nhiều thì mức tiêu thụ khí đốt sẽ tăng lên đáng kể, nguy cơ thiếu khí đốt sẽ càng tăng. Điều này sẽ tác động đến GDP nhiều hơn mức chúng tôi dự báo”, ông Torsten Schmidt cho biết.
Khủng hoảng năng lượng
Một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng lạm phát ở Đức là do giá cả leo thang. Theo tổ chức Destatis, giá năng lượng ở Đức tăng từ 35,6% trong tháng 8 lên 43,9% trong tháng 9. Giá thực phẩm cũng tăng từ 16,6% lên 18,7%. Giá dịch vụ tăng từ 2,2% lên 3,6%.
“Giá năng lượng và lương thực cao, có khả năng còn tiếp tục tăng lên trong năm tới, đang gây ra thiệt hại đáng kể về sức mua”, ông Torsten Schmidt, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz nhận định.
Trong nhiều năm qua, Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt giá rẻ từ Nga. Do đó, các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở quốc gia này đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Quyết định của Gazprom đã đẩy Đức vào cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ hai.
Giá khí đốt tăng vọt đã buộc nhiều công ty phải giảm sản xuất hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn, còn các hộ gia đình phải trả hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng mỗi tháng.
Cơ quan quản lý mạng lưới của Đức hôm 29/9 đã đưa ra cảnh báo rằng các hộ gia đình và công ty Đức đã sử dụng quá nhiều khí đốt trong tuần qua do nhiệt độ giảm. Đức đang kêu gọi các doanh nghiệp và người tiêu dùng hạn chế nhu cầu để tiết kiệm ít nhất 20% lượng khí đốt nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu trong mùa đông này.
“Lá chắn phòng thủ”
Trong bối cảnh lạm phát tăng lên mức kỷ lục, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 29/9 tuyên bố chính phủ Đức sẽ gánh khoản nợ mới trị giá 200 tỷ Euro để thực hiện giới hạn giá khí đốt nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các công ty.
“Chính phủ Đức sẽ cố gắng hết sức để hạ giá (năng lượng)”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định tại một cuộc họp báo ở Berlin. Ông không thể trực tiếp tham gia sự kiện vì đang bị cách ly do nhiễm Covid. “Để làm được điều này, chúng tôi đang triển khai một lá chắn phòng thủ rộng rãi”, ông Scholz cho biết.
Theo ông Scholz, chính phủ Đức sẽ sử dụng Quỹ Bình ổn Kinh tế để tài trợ cho việc áp giá trần khí đốt. “Chúng tôi muốn tách biệt rõ ràng chi tiêu khủng hoảng khỏi việc quản lý ngân sách thường xuyên của chúng tôi”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết.
Quỹ này sẽ được sử dụng để giới hạn mức giá mà khách hàng phải trả cho khí đốt được sử dụng để sưởi ấm, phát điện và duy trì hoạt động các nhà máy điện. Theo đề án được đề xuất, nhà nước sẽ đưa ra giá trần cho khí đốt và trả phần chênh lệch giữa mức giá trần này và mức mà các nhà nhập khẩu phải trả.
Các nhà cung cấp năng lượng lớn của Đức như Uniper đã rơi vào tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, buộc họ phải bù đắp khối lượng bị thiếu bằng các giao dịch mua đắt đỏ vào phút chót trên thị trường thế giới.
Chính quyền ông Scholz trước đó đã lên kế hoạch bù đắp cho các nhà cung cấp này bằng phụ phí giá khí đốt mà khách hàng phải trả. Ông Scholz cho biết, kế hoạch vốn đã làm tăng các hóa đơn năng lượng và vấp phải phản ứng dữ dội, giờ đây sẽ bị loại bỏ.
Tuy nhiên, Giáo sư Lion Hirth, chuyên gia về chính sách năng lượng tại Đại học Hertie ở Berlin cho rằng việc giới hạn giá khí đốt là “chính xác là cách tiếp cận sai lầm” và sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu.
“Mọi nỗ lực tiết kiệm sẽ đổ sông đổ bể. Khí đốt sẽ được sử dụng nhiều hơn, các kho dự trữ sẽ trống rỗng, và các nhà cầm quyền cuối cùng sẽ buộc phải đóng cửa các công ty trên quy mô lớn” ông Hirth cho biết qua email.
Thủ tướng Scholz đang chịu áp lực nặng nề khi phải duy trì phát triển kinh tế trong bối cảnh lạm phát và khủng hoảng. Tính đến nay, chính phủ Đức đã chi 300 tỷ Euro để chống lại khủng hoảng năng lượng kéo dài dai dẳng tại quốc gia này .
Nguyễn Tuyết (Theo FT, Investing, NY Times, Politico.eu)