Lạm phát, lãi suất và chiến tranh khiến thị trường IPO Mỹ đóng băng
Thị trường chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ đang trải qua năm tồi tệ nhất trong nhiều thập niên với các kế hoạch IPO đang bị đóng băng trong bối cảnh nỗi lo lạm phát, lãi suất tăng cao cũng như tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine khiến thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới chao đảo.
Lạm phát, lãi suất và chiến tranh khiến thị trường IPO Mỹ đóng băng
Các đợt IPO chỉ mới huy động được 5,1 tỉ đô la trong năm nay
Cuối năm ngoái, hàng trăm công ty bước vào giai đoạn cuối cùng cho kế hoạch IPO của họ ở thị trường chứng khoán New York. Họ được khuyến khích sau khi chứng kiến 18 tháng tốt nhất từ trước đến nay của các các đợt IPO ở Mỹ.
Nhưng rồi sau đó, sự kết hợp của các yếu tố gồm lạm phát cao ngất ngưỡng, lãi suất tăng nhanh và cuộc chiến Nga – Ukraine đã gây ra những cú sốc cho thị trường chứng khoán. Điều này khiến các kế hoạch IPO đang bị đóng băng.
Từ đầu năm cho đến nay, tất cả các đợt IPO truyền thống ở Mỹ chỉ huy động được 5,1 tỉ đô la, theo dữ liệu của Dealogic. Thông thường vào thời điểm này trong năm, các đợt IPO truyền thống đã huy động được trung bình khoảng 33 tỉ đô la. Vào cùng kỳ năm ngoái, các đợt IPO ở Mỹ đã huy động được hơn 100 tỉ đô la.
Lần gần đây nhất thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận giá trị các thương vụ IPO ở mức thấp là năm 2009, khi Mỹ đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và thị trường IPO chỉ nhộn nhịp trở lại vào những tháng cuối năm đó.
Các công ty tư vấn IPO cho biết họ không mong đợi năm 2022 sẽ đi theo xu hướng của năm 2009, có nghĩa là năm 2022 có thể trở thành năm tồi tệ nhất để huy động vốn cho các thương vụ IPO ở Mỹ kể từ khi Dealogic bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1995.
Công ty công nghệ tài chính Klarna Bank, một trong những nhà cung cấp dịch vụ “mua trước, trả sau”, lớn nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ thực hiện thương vụ IPO đình đám ở New York trong năm 2022 với mức định giá có thể lên đến 50 tỉ đô la.
Nhưng thay vì ra mắt hoành tráng, công ty có trụ sở tại Thụy Điển đã sa thải hàng trăm nhân viên để cắt giảm chi phí và buộc phải tìm kiếm nguồn vốn ở các thị trường tư nhân. Klarna đã huy động được thêm 800 triệu đô la vào mùa hè này, nhưng chỉ sau khi giảm 85% mức định giá, chỉ còn 6,7 tỉ đô la.
StockX, một nền tảng thương mại trực tuyến, chuyên bán giày thể thao, thời trang dạo phố và các mặt hàng khác, đã lên kế hoạch IPO sớm nhất là vào nửa cuối năm 2021. Nhưng cho đến nay, StockX vẫn chưa nộp hồ sơ IPO. Hồi tháng 6, công ty này đã sa thải 8% lực lượng nhân sự.
Mức định giá suy giảm
Ngày càng ít công ty chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng và đây thường được coi là tin xấu đối với nền kinh tế và các nhà đầu tư.
Các thương vụ IPO đình đám, thường liên quan đến các loại hình công ty có tốc độ tăng trưởng cao, đã giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng Mỹ trong suốt một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018.
Các ngân hàng và luật sư, những bên đóng vai trò bảo lãnh và tư vấn trong các thương vụ IPO, cho biết những công ty can đảm ra mắt thị trường chứng khoán vào mùa thu hoặc đầu mùa đông trong năm nay có thể cần phải giảm một nửa mức định giá của họ sau hai năm thị trường chứng khoán bùng nổ nhờ các nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng đổ tiền vào các công ty đang thua lỗ với mức định giá cao ngất ngưỡng.
Các luật sư cho biết họ đã dừng công việc tư vấn cho hầu hết các thương vụ IPO dự kiến tiến hành trong năm nay và một số công ty muốn IPO vào năm 2023 cũng đã dừng thuê các ngân hàng bảo lãnh phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.
Denny Fish, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Janus Henderson Investors, thường mua cổ phiếu của các công ty tăng trưởng trong các đợt IPO của họ. Ông cho biết ông không có kế hoạch tham gia vào bất kỳ đợt IPO cho đến ít nhất là năm 2023. Ông nói: “Có thể tâm lý nhà đầu tư đã tốt hơn một chút vì thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại vào tháng 7, nhưng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn. Hiện tại không có thị trường cho các công ty tiến hành IPO”.
Tính đến hôm 19-8, chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 19% trong năm 2022 nhưng vẫn cao hơn với mức đáy vào giữa tháng 6, khi chỉ số này giao dịch giảm hơn 30% so với hồi đầu năm.
Nhiều công ty đáng chú ý trong lĩnh vực tiền ảo, giao thực phẩm và công nghệ tài chính đã lên kế hoạch IPO trong năm 2022. Nhưng khi thời gian trôi qua và dự trữ tiền mặt của họ giảm xuống, các công ty này có thể cần phải thắt lưng buộc bụng do việc huy động vốn ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Một số công ty chưa niêm yết cổ phiếu, chẳng hạn như công ty khởi nghiệp giao hàng nhanh Gopuff, có trụ ở ở Philadelphia, đang cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên. Công ty giao hàng thực phẩm Instacart và Công ty thanh toán Stripe, đã giảm mức định giá của họ. Những công ty khác đã phải huy động vốn mới với mức định giá giảm sâu cao so với các vòng gọi vốn trước đó.
Những người đã mua cổ phiếu trong các đợt IPO “bom tấn” vào năm 2020 và 2021, bao gồm thương vụ IPO của Robinhood Markets, công ty đứng sau ứng dụng giao dịch chứng khoán miễn phí, hãng sản xuất xe điện Rivian Automotive và nhà cung cấp phần mềm nhà hàng Toast, đang phải gánh chịu những khoản lỗ lớn.
Một số công ty vẫn muốn IPO vì cần tiền
Dù khi thị trường IPO hiện không “khỏe mạnh”, nhưng một số công ty vẫn muốn tiến hành IPO, các ngân hàng cho biết. Một số công ty có ý định IPO vì cần tiền mặt để duy trì hoạt động. Những công ty khác đang nhắm đến các thỏa thuận thâu tóm nhưng cần cổ phiếu hoặc tiền mặt để hoàn tất thỏa thuận.
Barrett Daniels, người đứng đầu bộ phân IPO ở Mỹ của Công ty kiểm toán Deloitte , nói: “Tôi không nghĩ rằng nhiều công ty tư nhân vẫn muốn duy trì trạng thái tư nhân của họ”. Ông cho biết nhiều công ty đang cần tiền, đặc biệt là các công ty do người sáng lập lãnh đạo, có thể phải vật lộn với mức định giá thấp hơn.
Có nhiều lý do giải thích cho cơn “hạn hán” IPO trong năm nay. Cuối năm ngoái, những lo ngại về lạm phát và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau đó đã khiến các nhà đầu tư lo lắng và không dám bỏ tiền vào các công ty hứa hẹn tăng trưởng lớn nhưng hiện tại có rất ít hoặc chưa có lợi nhuận.
Cổ phiếu của các công ty tăng trưởng cao bị bán tháo cùng với với lo ngại lạm phát gia tăng, với nhiều nhà phân tích cảnh báo về một cuộc suy thoái sắp diễn ra, khiến cổ phiếu của các công ty có lợi nhuận cao cũng bị định giá thấp hơn. Nền kinh tế Mỹ đang suy yếu với tốc độ tăng trưởng giảm trong hai quý liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý quỹ tập trung tìm cách tránh những khoản lỗ lớn, có nghĩa là họ sẽ không chấp nhận thêm rủi ro, chẳng hạn như đầu tư vào các công ty mới niêm yết cổ phiếu.
Chánh Tài
TBKTSG