Lạm phát, lãi suất đè nén thị trường M&A toàn cầu năm 2022

Chia sẻ Facebook
23/12/2022 09:49:45

Lạm phát cao, chi phí vay tăng vọt và tình hình bất ổn địa chính trị khiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu giảm gần 1/3 so với mức kỷ lục của năm ngoái.

Lạm phát, lãi suất đè nén thị trường M&A toàn cầu năm 2022

Trong năm nay, tính đến ngày 15-12, tổng trị giá các thương vụ M&A trên toàn cầu là 3.500 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 30% so với mức kỷ lục 5.000 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong năm nay, tính đến ngày 15-12, các công ty trên toàn cầu đã công bố các thương vụ M&A với tổng trị giá 3.500 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 30% so với mức kỷ lục 5.000 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái. Các thương vụ lớn được công bố vào đầu năm, nhưng sau đó giá trị các thương vụ này đã giảm mạnh gần một nửa trong tháng 5 và tháng 6, và cho đến nay vẫn chưa phục hồi.

Melissa Sawyer, người đứng đầu bộ phận M&A toàn cầu của hãng luật quốc tế Sullivan & Cromwell (Mỹ), ghi nhận đầu năm 2022, hàng loạt thương vụ được ký kết khắp mọi lĩnh vực, nhưng sau đó bối cảnh thị trường M&A đã thay đổi đáng kể.

Năm nay khởi đầu bằng một thương vụ đình đám khi Tập đoàn Microsoft đồng ý thâu tóm nhà phát hành trò chơi điện tử Activision Blizzard (Mỹ) với giá 69 tỉ đô la Mỹ. Đây là thương vụ M&A lớn nhất kể từ năm 2019. Đã có thời điểm giới quan sát kỳ vọng thành tích M&A kỷ lục 5.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021 sẽ tiếp tục duy trì.

Nhưng tâm lý thị trường đã nhanh chóng chùng xuống sau các sự kiện Nga đưa quân vào Ukraine vào cuối tháng 2 và trong tháng tiếp theo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khởi động chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên, đưa lãi suất qua đêm lên mức cao nhất kể từ năm 2007.

“Có quá nhiều thứ đang diễn ra: lạm phát, phản ứng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương để ứng phó lạm phát, các bất ổn địa chính trị, các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự biến động khó tin của thị trường chứng khoán”, Damien Zoubek, đồng giám đốc bộ phận M&A tại Mỹ của hãng luật quốc tế Freshfields Bruckhaus Deringer (Anh), nói khi đề cập đến những yếu tố kìm hãm thị trường M&A.

Quá trình Elon Musk, Giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla, theo đuổi thương vụ thâu tóm Công ty mạng xã hội Twitter cũng trải qua những bước gập ghềnh khi vị tỉ phú này thay đổi ý định xoành xoạch. Thương vụ thâu tóm với trị giá 44 tỉ đô la Mỹ này cuối cùng đã được hoàn tất vào tháng 10, với sự hỗ trợ từ một khoản vay 13 tỉ đô la Mỹ của một nhóm ngân hàng do Morgan Stanley đứng đầu.

Thỏa thuận thâu tóm nhà phát hành trò chơi điện tử Activision Blizzard (Mỹ) với giá 69 tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn Microsoft là thương vụ M&A lớn nhất trong năm nay. Ảnh: iStock

Giao dịch M&A giữa các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân cũng đi theo quỹ đạo tương tự thị trường M&A ở các công ty đại chúng. Năm nay, thị trường M&A của các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân bắt đầu với một thương vụ khổng lồ: hai quỹ đầu tư Vista Equity Partners và Elliott Investment Management đồng ý thâu tóm Công ty điện toán đám mây Citrix Systems (Mỹ) với giá 16,5 tỉ đô la Mỹ. Nhưng sau đó, thị trường này cũng đối mặt với hiện thực khó khăn khi lạm phát bắt đầu gây sức ép lên chi phí hoạt động và lợi nhuận của các công ty.

Cùng với đó, làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu khiến các thương vụ M&A trở nên đắt đỏ hơn và các ngân hàng cũng mắc kẹt với những khoản cho vay hỗ trợ cho các thương vụ. Theo nhà cung cấp dữ liệu Preqin, khối lượng M&A giảm qua mỗi quí trong năm nay.

Những tháng cuối năm đã chứng kiến một số thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực tài chính. Hồi cuối tháng 10, hãng bảo hiểm Aegon (Hà Lan) cho biết sẽ bán mảng kinh doanh tại Hà Lan cho đối thủ trong nước ASR Nederland trong một thỏa thuận trị 4,9 tỉ đô la Mỹ. Một tháng sau đó, Ngân hàng HSBC đã đồng ý bán mảng kinh doanh tại Canada cho Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) với giá khoảng 10 tỉ đô la Mỹ.

Andreas Lindh, đồng giám đốc bộ phận phụ trách các định chế tài chính ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Ngân hàng JPMorgan, đánh giá: “Xu hướng M&A rõ rệt nhất trong lĩnh vực ngân hàng là việc các tập đoàn ngân hàng toàn cầu tiếp tục hợp lý hóa hoạt động của họ”.

Liệu triển vọng thị trường M&A toàn cầu trong 2023 có khả quan hơn năm nay hay không sẽ phụ thuộc vào thời điểm thị trường ổn định đủ để giúp vốn tài trợ cho các thương vụ dồi dào hơn cũng như giúp tái khởi động các thương vụ M&A bị tạm hoãn trong năm qua.

Bên cạnh đó, số phận của một số thương vụ M&A đình đám có thể được định đoạt bởi các cơ quan thực thi chống độc quyền. Mới đây, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện để ngăn chặn thương vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard vì cho rằng thương vụ này sẽ bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh, vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà tư vấn hy vọng hoạt động M&A sẽ tăng trở lại trong năm 2023, đặc biệt là ở giai đoạn nửa cuối năm. Tuần trước, hãng công nghệ sinh học Amgen (Mỹ) thông báo đã đạt thỏa thuận trị giá 27,8 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm hãng dược sinh học Horizon Therapeutics (Ireland), chuyên nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị các căn bệnh hiếm. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ mở ra các thương vụ M&A lớn tiếp theo trong năm 2023.

Trong năm nay, tại Mỹ chỉ có tổng cộng 24 tỉ đô la Mỹ được huy động trong các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2009. Tình trạng trì hoãn IPO có thể dẫn đến nhiều thương vụ mua lại các công ty khởi nghiệp hơn trong năm 2023.

Brian Haufrect, đồng giám đốc bộ phận M&A châu Mỹ của Ngân hàng Goldman Sachs, nói: “Chúng ta đã có một vài quí để hiểu những gì đã xảy ra. Có vẻ như chúng ta đang tìm thấy nền tảng vững chắc hơn. Các thị trường tài chính đã hoạt động tốt hơn một chút”.

Haufrect kỳ vọng giá trị M&A toàn cầu trong năm tới sẽ đạt 4.000 tỉ đô la Mỹ. Ông cũng lưu ý rằng giá trị M&A cũng có thể đạt 5.000 tỉ đô la Mỹ hoặc rơi xuống 3.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023 tùy thuộc vào việc thị trường có đạt được sự ổn định để khởi động lại nhiều giao dịch đã bị đình trệ trong năm qua hay không.

Chánh Tài


TBKTSG

Chia sẻ Facebook