Lạm phát khiến hơn 50% người Mỹ tìm kiếm công việc thứ hai

Chia sẻ Facebook
24/10/2022 08:15:23

Hơn một nửa số lao động Mỹ cân nhắc làm nhiều công việc cùng lúc để trang trải chi phí sinh hoạt do lạm phát vẫn ở mức cao trong tháng 9 và tiền lương thực tế giảm. Cụ thể, có khoảng 38% người lao động Mỹ đã tìm công việc thứ hai, trong khi 14% khác đang có kế hoạch làm như vậy, theo một cuộc khảo sát ở hơn 1.000 nhân viên làm việc toàn thời gian tại Mỹ được thực hiện bởi Công ty Qualtrics International, nhà cung cấp phần mềm quản lý cho hơn 16.000 tổ chức doanh nghiệp.

Lạm phát khiến hơn 50% người Mỹ tìm kiếm công việc thứ hai

Một nhân viên giao đồ ăn ở TP. New York, Mỹ. Ảnh: NY Times

Cuộc khảo sát cũng cho thấy 18% người trưởng thành đang làm việc ở Mỹ cho biết họ đã chuyển đến các khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn để cắt giảm chi phí, và 13% khác dự định làm như vậy.

Những người đi làm và đang nuôi con nhỏ đặc biệt chịu sức ép lớn khi giá cả tăng cao. Khoảng 70% nhóm lao động này cho biết lương của họ không theo kịp với chi phí gia tăng. Một nghiên cứu gần đây của Viện Brookings ước tính giá cả tăng đột biến hiện nay sẽ khiến các bậc phụ huynh tốn hơn 300.000 đô la Mỹ để nuôi một đứa trẻ đến 17 tuổi, tăng 26.000 đô la Mỹ kể từ khi lạm phát bắt đầu tăng.

Theo cuộc khảo sát, gần một nửa số cha mẹ đang đi làm đã tìm kiếm công việc thứ hai và tỷ lệ của nhóm lao động có khả năng chuyển đến các thành phố rẻ hơn này cao hơn gần gấp đôi so với những lao động không có con.

Benjamin Granger, Giám đốc tâm lý học công sở tại Qualtrics, cho biết: “Với ngân sách thắt chặt, người lao động Mỹ đang tìm cách ứng phó chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, bao gồm cả việc tìm kiếm việc làm mới. Việc nhân viên nghỉ làm gây ra tốn kém lớn đối với các công ty, vì vậy, điều quan trọng trong kinh doanh là họ phải hiểu nhân viên nào của họ có khả năng rời đi và tại sao”.

Theo một cuộc khảo sát do nền tảng cung cấp dịch vụ nguồn nhân lực Bluecrew thực hiện hồi tháng 9, gần 70% người Mỹ đang tìm kiếm công việc làm thêm để tăng thu nhập và chống chọi lạm phát. Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.000 nhân viên gồm toàn thời gian, bán thời gian và cả người đang thất nghiệp.

Cuộc khảo sát cho thấy 85% người Mỹ đã thay đổi thói quen chi tiêu của họ vì lạm phát.

Matt Laurinas, Giám đốc khách hàng của Bluecrew, nói: “Lạm phát tăng nhanh, buộc mọi người không chỉ xem xét cách họ tiêu tiền mà còn cả cách họ kiếm tiền”.

Ông cho biết thêm, trong nhiều trường hợp người lao động Mỹ làm việc 40 giờ mỗi tuần và tham gia các ca làm việc ngoài giờ hoặc làm thêm vào ban đêm và cuối tuần.

Theo phân tích của The Wall Street Journal, lạm phát cao và những lo ngại về kinh tế có thể đã thúc đẩy tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và số giờ mà mọi người muốn làm việc. Cả hai điều này đều suy giảm trong đại dịch Covid-19.

Làm hai hoặc nhiều công việc không có gì mới, đặc biệt là đối với những người lao động có thu nhập thấp đang phải vật lộn để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên, đối với nhiều nhân viên văn phòng, xu hướng làm việc từ xa tại nhà đã mở ra những cơ hội mới để kiếm thêm tiền. Theo cuộc khảo sát hồi tháng 5 của Zapier, một công ty công nghệ chuyên về tự động hóa, 40% người Mỹ có việc làm thêm bên cạnh công việc chính, tăng so với khoảng 1/3 trước đại dịch Covid-19. Dữ liệu của Ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis cho thấy hiện có khoảng 440.000 người Mỹ có hai công việc toàn thời gian, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Không phải tất cả các chủ sở hữu lao động đều ủng hộ nhân viên làm việc thêm bên ngoài. Một bài viết gần đây trên tạp chí của Hiệp hội quản lý nguồn nhân lực (SHRM) đã đưa ra lời khuyên cho nhà tuyển dụng về cách giải quyết vấn đề này, đặc biệt nếu công việc bên ngoài làm mất thời gian và năng lượng của người lao động.

Hồi giữa tháng 10, Business Insider đưa tin Công ty đánh giá tín dụng tiêu dùng Equifax, có trụ sở ở bang Georgia, đã sa thải 20 nhân viên vì họ có công việc toàn thời gian thứ hai. Trong khi đó, việc các công ty tăng tốc yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng có thể khiến việc đảm nhận công việc bên ngoài trở nên khó khăn hơn, đồng thời làm tăng các chi phí như như đi lại, ăn trưa và chăm sóc trẻ em.

Đối với Jordan Parker, 28 tuổi, chi phí thuê nhà, thức ăn và khí đốt tăng chóng mặt, khiến cô không thể dành dụm tiền tiết kiệm, ngay cả khi cô có một công việc tiếp thị toàn thời gian được trả lương tương đối cao ở thành phố San Antonio. Do đó, cô ấy đang cân nhắc xây dựng hoạt động kinh doanh riêng để tiếp thị các dịch vụ truyền thông kỹ thuật số của mình.

“Tôi thực sự không thể tiết kiệm để chuẩn bị cho cuộc sống tuổi 30 mà tôi hằng mơ ước”, cô nói.

Dù người quản lý của Parker ủng hộ cô làm công việc khác ngoài giờ làm việc bình thường, nhưng Parker cho biết cô sẽ rất thất vọng nếu công ty không tăng lương cho cô theo xu hướng lạm phát.

Lê Linh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook