Lạm phát gia tăng sức ép lên ECB

Chia sẻ Facebook
10/06/2022 00:42:13

Tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đang đạt mức cao kỷ lục. Điều này được dự báo sẽ làm gia tăng sức ép buộc giới chức ECB phải sớm hành động.


Dự kiến cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ diễn ra trong ngày 9/6, giữa lúc tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đang đạt mức cao kỷ lục. Một đợt tăng lãi suất lần đầu tiên sau nhiều năm của ECB hiện đang là vấn đề được giới đầu tư quan tâm.

Các số liệu mới công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 5 đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng Euro được lưu hành và cao gấp 4 lần mức lạm phát mục tiêu của ECB. Điều này được dự báo sẽ làm gia tăng sức ép buộc giới chức ECB phải sớm hành động. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia đều tin rằng, một đợt tăng lãi suất sẽ chỉ diễn ra trong tháng 7.

"Có rất ít khả năng ECB sẽ tiến hành đợt nâng lãi suất đầu tiên trong nhiều năm, ngay sau cuộc họp này. Việc tăng lãi suất sẽ diễn ra trong tháng 7 và là một bước ngoặt đáng chú ý", ông Robert Halver, chuyên gia phân tích thị trường vốn, Ngân hàng Baader, đánh giá.

Nhiều nông dân tại Italy phải tăng giá bán thực phẩm do chi phí đầu vào tăng cao. (Ảnh: Euractiv)


Nhìn chung, giới chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư vẫn dự đoán về một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 7. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát tăng cao cũng làm gia tăng những kỳ vọng về một động thái mạnh tay hơn.

"ECB cần phải tiến hành các đợt tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, tuy nhiên mức độ nâng sẽ không lớn, để không gây ra những tổn hại nghiêm trọng về kinh tế", ông Robert Halver nhận định.

"Một số thành viên Hội đồng Thống đốc đã sẵn sàng cho mức tăng 50 điểm cơ bản. ECB có vẻ như vẫn đang đánh giá thấp tình hình lạm phát. Chúng tôi hy vọng sự ủng hộ cho mức tăng 50 điểm cơ bản sẽ tăng lên trong mùa hè này", ông Mark Wall, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Deutsche Bank, cho biết.

ECB dự kiến sẽ chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm vào tháng 9 tới. Tuy nhiên cũng giống như nhiều ngân hàng trung ương khác, hiện cơ hội bình thường hóa chính sách tiền tệ của ECB đang bị thu hẹp do tăng trưởng kinh tế suy yếu.


Các dự báo mới nhất được ECB công bố trong ngày hôm nay (9/6) có thể cho thấy sự điều chỉnh giảm mạnh đối với tăng trưởng, trong khi dự báo lạm phát sẽ được nâng lên. Điều này sẽ khiến giới hoạch định chính sách phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn giữa chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

3 yếu tố liên quan tới nguồn cung, vốn góp phần đẩy lạm phát toàn cầu liên tục tăng trong thời gian qua là chip bán dẫn, phân bón và cước vận tải đang trong xu hướng giảm.

Chia sẻ Facebook