Lạm phát, doanh nghiệp và người giàu
Hễ đã có lạm phát trước sau gì cũng xảy ra tranh cãi về nguyên nhân giữa các nhà kinh tế cũng như các chính khách. Lạm phát hiện nay ở nước Mỹ cũng không là ngoại lệ khi mới tuần trước giữa tỉ phú Jeff Bezos và Tổng thống Joe Biden đã nổ ra cuộc đôi co về chuyện ai là kẻ gây nên lạm phát.
Lạm phát, doanh nghiệp và người giàu
Nhà giàu gây lạm phát?
Đầu tiên ông Biden lên Twitter viết: “Quý vị muốn kéo lạm phát xuống ư? Phải bảo đảm các doanh nghiệp giàu nhất nộp đầy đủ thuế”. Ngay lập lức ông Bezos, một trong những người giàu nhất hành tinh, đáp trả, cho rằng lời nói của ông Biden thuộc loại tin giả, cơ quan chống tin giả vừa mới thành lập nên “xem xét”. Bezos viết: “Nâng thuế doanh nghiệp là chuyện nên bàn. Kiềm chế lạm phát cũng là chuyện cần bàn. Trộn chúng lại với nhau mới là chuyện lệch hướng”.
Dường như thấy vậy là chưa đủ đô, hôm sau ông này viết tiếp, rằng chính các gói kích cầu rót đến 1.900 tỉ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ Mỹ mới góp phần làm gia tăng lạm phát, rằng lạm phát là một loại thuế đánh mạnh nhất vào người nghèo nên nói lệch đi, tức đổ lỗi cho giới nhà giàu không giúp ích gì ai cả. Lạm phát ở Mỹ đang ở mức 8,3% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong vòng bốn chục năm gần đây.
Người phát ngôn của Nhà Trắng sau đó đã ra tuyên bố, cho rằng Jeff Bezos phê phán chính sách kinh tế của ông Biden chỉ vì Tổng thống Mỹ ủng hộ công nhân tổ chức công đoàn, một phong trào đang manh nha ở Amazon nơi ông Bezos làm chủ tịch hội đồng quản trị. Tổng thống Joe Biden nhân đó cũng khoe năm nay Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách đến 1.500 tỉ đô la, mà giảm thâm hụt ngân sách, theo ông, là một trong những cách giảm bớt áp lực lạm phát.
Jeff Bezos cũng ăn miếng trả miếng, cho rằng tổ chức công đoàn không gây ra lạm phát, tương tự như người giàu không gây ra lạm phát, chỉ có việc chi tiêu ngân sách vô tội vạ mới gây ra lạm phát. Thật ra lạm phát đang gây khó khăn cho Amazon, quí vừa rồi báo lỗ lần đầu tiên trong vòng bảy năm qua do chi phí nhân công tăng cao. Trong quí đó, chi phí hoạt động của công ty tăng thêm 6 tỉ đô la do sụt giảm năng suất, lạm phát và dư thừa nhân lực ở các nhà kho so với nhu cầu.
Chiếc xe bán tải chạy điện F-150 Lightning của hãng Ford có giá bán lẻ chính thức là 91.000 đô la, nhưng do khan hàng, nhiều đại lý nâng giá lên đến 145.000 đô la mà người tiêu dùng vẫn chịu mua. Sữa bột trẻ em đang thiếu đến nỗi eBay rao giá cao gấp mấy lần bình thường vẫn có người tranh mua. |
Điều thú vị là nhà kinh tế nổi tiếng Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, lại bênh vực ông Biden, cho rằng Jeff Bezos nói vậy là sai. “Hoàn toàn có lý khi tin rằng chúng ta nên nâng thuế để giảm cầu từ đó mới kiềm chế được lạm phát; mức tăng này phải lũy tiến càng nhiều càng tốt” – ông viết với hàm ý càng giàu thì càng nên chịu thuế cao. Ông Summers còn nói thêm lập trường của ông về người giàu là thế, tuy trước đây ông nhấn mạnh chính sách tăng chi tiêu của chính phủ đúng là góp phần làm tăng lạm phát.
Doanh nghiệp lợi dụng tăng giá?
Kinh tế gia như Lawrence Summers thì cho rằng không hề có chuyện doanh nghiệp té nước theo mưa, tăng giá thoải mái nên gây áp lực lên lạm phát, nhưng các nhà kinh tế khác lại cho là có. Như bà Lindsay Owen thuộc tổ chức Groundwork Collaborative cho rằng, ai thì không biết chứ doanh nghiệp thích lạm phát vì tạo cho họ cơ hội tăng giá vô tội vạ.
Thậm chí bà còn cho rằng nhiều doanh nghiệp không muốn tăng sản lượng dù hàng hóa đang thiếu nhằm tận dụng cầu đang cao, cung hạn chế để tăng giá. Một khi mặt bằng giá mới được người tiêu dùng chấp nhận, họ sẽ không chịu giảm giá dù giá nguyên liệu đầu vào đã nguội đi. Bà trích một nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế cho thấy đến 54% mức tăng giá là do doanh nghiệp chủ động tăng chứ không phải do chi phí đầu vào tăng.
Khi tờ Slate chất vấn rằng quy luật cung cầu buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau nên giá luôn phản ánh đúng thị trường, bà Owen cho rằng điều đó chỉ đúng với doanh nghiệp bình thường; còn doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường có quyền năng tăng giá không ai kiềm chế được.
Tình hình càng thêm khó khi các dây chuyền cung ứng bị đổ vỡ làm hàng hóa thiếu hụt khắp nơi – hàng thiếu, người người tranh nhau mua thì giá tăng là chuyện đương nhiên. Chiếc xe bán tải chạy điện F-150 Lightning của hãng Ford có giá bán lẻ chính thức là 91.000 đô la, nhưng do khan hàng, nhiều đại lý nâng giá lên đến 145.000 đô la mà người tiêu dùng vẫn chịu mua. Sữa bột trẻ em đang thiếu đến nỗi eBay rao giá cao gấp mấy lần bình thường vẫn có người tranh mua.
Các chính khách cũng thường lập luận như bà Owen. Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren khi chất vấn chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã hỏi phải chăng thị trường đang quá tập trung nên các doanh nghiệp dễ dàng tăng giá mà không sợ cạnh tranh níu chân? Ông Powell trả lời nước đôi, rằng có thể như thế mà cũng có thể do cầu tăng mạnh.
Dù sao, ông nói, họ tăng giá bởi họ có thể làm điều đó. Đó chính là điều bà Warren muốn nhấn mạnh – doanh nghiệp ưa là cứ tăng giá, không ai làm gì được họ. Đương nhiên, bước tiếp theo của các nhà lập pháp Mỹ sẽ là kiểm soát giá – một biện pháp phi thị trường sẽ càng gây khó khăn cho nền kinh tế.
Công nhân gây lạm phát?
Một hướng “đổ lỗi lạm phát” rất bất ngờ là gán cho công nhân. Tờ Wall Street Journal có một bài viết về đề tài này, mô tả rằng công nhân đang nhảy việc, đòi lương cao nên góp phần duy trì lạm phát cao như hiện nay. Bài báo cho rằng đến 64% công nhân nhảy việc cho biết việc làm mới cho họ mức lương cao hơn việc làm cũ nên càng là động lực giúp họ chuyển từ việc này sang việc khác miễn sao thương lượng được mức lương cao hơn. Khảo sát cho biết một nửa nhận mức lương cao hơn cũ đến 11% và chừng 9% người được khảo sát cho biết đang nhận lương cao hơn lương cũ đến 50%.
Mức lương hiện nay của công nhân Mỹ đã tăng bình quân 6% vào tháng 3 so với mức tăng 3,4% vào cùng kỳ năm ngoái; bài báo nói rằng chính mức lương tăng mạnh này ở nhiều khu vực kinh tế sẽ làm cho lạm phát duy trì ở mức cao trong những quí sắp tới cho dù các yếu tố lạm phát khác đang giảm bớt sức nóng như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, hạn chế nguồn cung hay giá nhiên liệu tăng mạnh. Điều đáng ngạc nhiên là đến 27% các nhà kinh tế mà tờ Wall Street Journal khảo sát nhận định rằng lương tăng là yếu tố rủi ro làm tăng lạm phát còn cao hơn cả yếu tố chiến sự tại Ukraine hay yếu tố chuỗi cung ứng hàng hóa.
Nhiều nhà kinh tế khác cãi lại lương tăng là hệ quả của lạm phát chứ không phải là nguyên nhân. Công nhân đòi một mức lương cao hơn là để bù đắp vào sức mua đồng tiền bị hao hụt. Chi phí cho nhân công hiện chiếm một phần khá nhỏ trong giá thành sản phẩm. Như nghiên cứu của Viện Chính sách kinh tế cho rằng đến 54% là do doanh nghiệp chủ động nâng giá thì riêng chi phí nhân công chỉ chiếm 8% yếu tố tăng giá bán hàng. Tỷ lệ này giảm thấp hơn so với trước, nhất là giai đoạn phong trào công đoàn ở Mỹ còn mạnh, sức mạnh thương lượng tiền lương còn cao.
Điều lạ là chuyện nâng lãi suất lên cao, cao hơn mức lạm phát danh nghĩa lại ít được đề cập. Fed đang rón rén nâng lãi suất trong lúc thị trường nín thở chờ đợi – bởi nâng lãi suất quá mạnh, quá nhanh sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế chứ để lạm phát như hiện nay, có kẻ thua nhưng vẫn có người được.
Nguyễn Vũ
TBKTSG