Lạm phát cao, tích lũy của người dân giảm, ngành bán lẻ liệu có tiếp tục tăng trưởng tích cực?
Nhiều tín hiệu lạc quan của doanh nghiệp bán lẻ trong giai đoạn đầu quý II. Tuy nhiên, một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng các công ty trong ngành đang có dấu hiệu chững lại.
Những tín hiệu khả quan của ngành bán lẻ trong 2 tháng đầu quý II
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 đạt 477.300 tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 4,2% so với tháng trước và nhưng tăng mạnh tăng 22,6% so với năm ngoái. Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 225.700 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,58%).
Theo Bộ Công Thương, những chỉ số trên tăng là nhờ vào những yếu tố thuận lợi như: tình hình bệnh Covid -19 dần được kiểm soát, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi... đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trong nước.
Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng.
Về các doanh nghiệp bán lẻ trong quý II, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ( HoSE: PNJ ) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4 với doanh thu thuần là 2.770 tỷ đồng, lãi sau thuế 145 tỷ đồng, lần lượt tăng 49,6% và 70,5% so với tháng 4 năm 2021. Biên lợi nhuận gộp trung bình tháng 4 là 19,3%, tăng so với mức 18,3% của cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 4 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 12.912 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 866 tỷ đồng; tăng lần lượt 42,9% và 44,9% so với 4 tháng đầu năm 2021.
Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) cũng công bố doanh tháng 4 đạt 11.400 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 374 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng, doanh thu của công ty là 47.908 tỷ đồng, tăng 18% và thực hiện 34% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 1.819 tỷ đồng, tăng 8% và thực hiện 29% kế hoạch năm.
Ngoài PNJ và Thế Giới Di Động, vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác trong ngành bán lẻ như Digiworld ( HoSE: DGW ); FPT Retail ( HoSE: FRT ); Masan Group ( HoSE: MSN ); Petrosetco ( HoSE: PET )... Trong vòng 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Digiworld, FPT Retail và Petrosetco vẫn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu tăng cao trong mảng điện thoại, laptop của người dân khi ở nhà và chiến lược mở cửa hàng ồ ạt.
Ví dụ như Digiworld, đơn vị này ghi nhận 20.972 tỷ đồng doanh thu, vượt 38% kế hoạch năm và tăng 67% so với 2020; lãi sau thuế 657 tỷ đồng, vượt 119% kế hoạch và gấp 2,4 lần năm trước. Lợi nhuận của công ty này năm 2021 cũng gấp 4 lần so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Quý I, Digiworld cũng báo kết quả kinh doanh tăng mạnh với báo cáo doanh thu quý I tăng 40% đạt 7.009 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 97,2% đạt 210,9 tỷ đồng.
Hay với FPT Retail, doanh thu 2021 của đơn vị này tăng 53% đạt 22.495 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ở mức kỷ lục với hơn 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với mức nền thấp năm 2020. So với thời điểm trước dịch, lợi nhuận của công ty cũng gấp 2 lần. Quý I năm nay, doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm trước.
Với sự tăng trưởng nhanh chóng với những khoản lợi nhuận kỷ lục và lập ra một mức nền cao, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, một số chuyên gia và doanh nghiệp lại có nhận định sức mua của người dân đang giảm và kết quả kinh doanh có thể chững lại.
Sức mua sẽ bị ảnh hưởng khi tích lũy của người dân giảm và lạm phát cao
Tại chương trình Bí mật đồng tiền ngày 15/6, khi được hỏi về triển vọng của doanh nghiệp ngành bán lẻ trong phần còn lại của năm 2022, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nơi trên thế giới đang ngày một cao, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI có nhiều lo ngại với triển vọng với nhóm ngành này.
Các chuyên gia đánh giá việc mở cửa trở lại, người dân sẽ có xu hướng tiêu thụ các sản phẩm nhiều hơn. Tuy nhiên, Kinh tế trưởng SSI cho rằng trong giai đoạn này các sản phẩm dịch vụ sẽ được quan tâm nhiều hơn là các sản phẩm hàng hóa. Tại Mỹ, các công ty bán lẻ như Walmart, Target... đang gặp nhiều khó khăn khi hàng tồn kho tăng cao. Thời gian trước, các đơn vị này tích nhiều hàng vì đánh giá sức mua sẽ tăng trở lại nhưng hiện tại lại đang gặp khó khăn với số hàng trên.
"Ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất đó chính là ngành hàng điện tử. Bây giờ mọi người có thể thấy rằng các sản phẩm như laptop đang không bán được nhiều" , ông Hưng nói. Hiện tại, nhu cầu về một số mặt hàng đã yếu đi. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng doanh thu và lợi nhuận ngành này chưa thể xấu đi ngay lập tức nhưng sẽ theo xu hướng của thế giới.
Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS Hoàng Công Tuấn cùng chung quan điểm. Khi người dân phải ở nhà nhiều vì dịch bệnh Covid-19, học online nhiều, nhu cầu về tăng trưởng của mảng thiết bị điện tử sẽ rất mạnh thì năm nay sẽ rất khó để có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa. Người tiêu dùng đã mua năm ngoái rồi thì năm nay sẽ khó để mua tiếp. Mặc dù ngành này vẫn có kết quả khả quan nhưng sẽ không tăng trưởng mạnh như trước.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO 2 chuỗi bán lẻ lớn nhất thị trường trong phân khúc là Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động, cũng đánh giá tình hình thị trường điện tử, điện máy các tháng cuối năm không mấy khả quan. Trong mùa bán máy lạnh, điều kiện thời tiết có vẻ như không ủng hộ. Sau 2 năm dịch bệnh, dự trữ tiền của người dân có thể đã tiêu dùng gần hết cùng với nhiều yếu tố bất lợi khác của diễn biến nền kinh tế thế giới.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG đánh giá yếu tố vĩ mô đang không thuận lợi cho cả các doanh nghiệp bán lẻ lẫn sản xuất. Nguyên nhân là do qua 2 năm đại dịch, sản xuất không bình ổn, tình hình công ăn việc làm của người lao động bất ổn, tiền để dành đã chi tiêu nhiều khiến sức mua giảm. Khi mọi thứ chưa kịp phục hồi thì xảy ra xung đột Nga – Ukraine khiến chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp, chăn nuôi tăng quá mạnh khiến giá đầu ra tăng cao, giá xăng tăng kéo theo lạm phát. Nếu cuộc chiến này kéo dài thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, cả sức mua lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Rõ ràng sức mua của người tiêu dùng đã bị sụt giảm. Nhân viên của công ty cũng đang ở trạng thái như vậy. MWG không thể tăng lương cho nhân viên theo đà lạm phát được dù có điều chỉnh. Trước đây cầm trong tay 10 triệu đồng tiền lương có thể mua nhiều thứ nhưng hiện nay mua được ít đi và ảnh hưởng đến hành động của người tiêu dùng rất lớn”, ông Tài nói.
Tương tự như hàng hóa thông thường, hành vi tiêu dùng điện thoại, điện máy của người tiêu dùng cũng thay đổi. “Trước kia, người tiêu dùng có thể đổi điện thoại ào ào nhưng nay phải suy nghĩ, đắn đo và sẵn sàng bỏ qua một đời máy”, theo Chủ tịch MWG.
Ông Tài đánh giá khả năng phục hồi sức mua so với trước dịch bệnh hiện chỉ khoảng 50-70%, minh chứng là lượng người đến các trung tâm thương mại ít đi. Khuynh hướng mua hàng của người tiêu dùng cũng hướng tới đồ rẻ hơn và hạn chế, tức di dời các quyết định mua chưa thực sự cần thiết.