Lạm phát cao nhất 14 năm, dân văn phòng Hàn Quốc phải "thắt lưng buộc bụng"

Chia sẻ Facebook
30/06/2022 12:57:34

Giá cả tăng liên tục đang khiến sức mua của người lao động Hàn Quốc bị xói mòn.


Bà Park Mi Won, một nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc vốn là người chưa bao giờ mua đồ ăn trưa tại các siêu thị tiện lợi, thế nhưng lạm phát tăng cao đã khiến mọi chuyện đảo lộn hết cả.

Theo hãng tin Reuters, người phụ nữ 62 tuổi này đã buộc phải thay đổi thói quen sau khi quán ăn trưa của bà tăng giá 10% lên 9.000 Won, tương đương 7 USD. Câu chuyện này chẳng có gì khó hiểu khi lạm phát tại Hàn Quốc hiện đang lên mức cao nhất 14 năm.

"Sau khi giá bữa trưa tăng, tôi đã lựa chọn các siêu thị tiện lợi thay vì quán ăn quen thuộc bởi tôi nghĩ rằng mức chi phí sẽ rẻ hơn", bà Park cho biết.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy giá lương thực đã tăng 23% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước. Cuộc xung đột Ukraine cùng những diễn biến phức tạp của giá dầu và các chính sách điều hành kinh tế hậu đại dịch, đi kèm với đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến giá phân bón cùng nhiều loại lương thực leo thang.

Hãng tin Reuters cho biết với giá cả leo thang như hiện nay, dân văn phòng Hàn Quốc buộc phải thắt lưng buộc bụng, từ bỏ các quán ăn quen thuộc để làm quen với những món rẻ tiền ngoài siêu thị tiện lợi như mỳ gói, bánh sandwich hay cơm cuốn rong biến (Gimbap) với giá thành chưa đến 5 USD.

Chuỗi siêu thị tiện lợi GS25 tại Hàn Quốc cho biết doanh số bán đồ ăn nhanh như mỳ tôm của họ đã tăng hơn 30% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước. Trước nhu cầu ngày một tăng, GS25 đã tung ra các chương trình giảm giá hay giao hàng nhanh tận nơi cho lao động văn phòng.

Tương tự, các chuỗi siêu thị tiện lợi như 7-Eleven hay Emart24 đều có tăng trưởng doanh số đến 50% với những mặt hàng đồ ăn nhanh như mỳ tôm hay các hộp đồ ăn trong ngày.

Trong khi đó, giá đồ ăn tại các nhà hàng Hàn Quốc đã tăng 7,4% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 24 năm qua. Những món ăn trưa phổ biến của dân văn phòng như cơm thịt bò hầm (Galbitang) đã tăng giá 12,2% trong khi mỳ lạnh (Nengmyun) tăng giá 8,1%.

Số liệu của Korea Consumer Agency cho thấy giá món mỳ lạnh tại thủ đô Seoul đã vượt 10.000 Won trong khi giá mỳ hộp ở các siêu thị tiện lợi chỉ quanh ngưỡng 1.000 Won.

Lạm phát tại Hàn Quốc cao nhất 14 năm

Chính việc giá đồ ăn nhanh tại các siêu thị tiện lợi chưa bị ảnh hưởng ngay bởi lạm phát đã khiến dân văn phòng Hàn Quốc đổi thói quen ăn trưa dù điều này khiến họ không thoải mái.

Gánh nặng

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính với mỗi 1% tăng giá nông sản nhập khẩu sẽ khiến giá thực phẩm trong nước tăng tương ứng 0,36% vào năm tới, còn giá đồ ăn nhà hàng tăng 0,14% trong 3 năm tới.

Thậm chí một số chuyên gia nhận định việc ăn tối ngoài cũng sẽ trở thành xa xỉ với người Hàn Quốc với đà lạm phát như hiện nay.

"Sự thực là chúng tôi buộc phải tăng giá. Thậm chí chúng tôi đã tự cắt bớt lợi nhuận vì hiểu rằng khách hàng là nhân viên văn phòng có mức ngân sách giới hạn", chủ nhà hàng Lee Sang Jae tại thủ đô Seoul-Hàn Quốc cho biết khi anh đã nâng giá 2 lần từ đầu năm đến nay.

Một cuộc khảo sát vào tháng 5/2022 cho thấy 96% số dân văn phòng Hàn Quốc thừa nhận chi phí ăn trưa đang trở thành gánh nặng vì lạm phát. Khoảng một nửa trong số đó đang tìm các biện pháp nhằm giảm bớt chi phí để tiết kiệm.

Tuy nhiên theo hãng tin Reuters, bữa trưa của dân văn phòng thường dính dáng đến quan hệ xã hội, đồng nghiệp, cấp trên bởi đây là quãng thời gian họ giao tiếp nhiều nhất trong ngày, hơn cả các bữa nhậu sau giờ làm.

Do đó, không phải ai cũng có thể mang đồ ăn từ nhà hay đi ăn ở cửa hàng tiện lợi bởi họ bị các mối quan hệ xã hội chi phối.

"Ăn ở cửa hàng tiện lợi rẻ hơn nhà hàng nhưng tiếc là đồng nghiệp chúng tôi không thể cùng ngồi ăn với nhau nói chuyện", anh Ku Dong Hyun, nhân viên văn phòng 28 tuổi cho biết.

Một thách thức nữa khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng là hệ lụy của suy giảm nhu cầu tiêu dùng do lạm phát sẽ ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh, sản xuất.

Nhiều nhà hàng tại Hàn Quốc hiện nay vẫn sống sót được nhờ nguồn thu từ các bữa ăn ngoài buổi tối của người dân, nhất là sau quãng thời gian dài cách ly khiến mọi người thích tụ tập hơn. Tuy nhiên áp lực tăng giá sẽ khiến xu thế này nhanh chóng chuyển sang tiết kiệm.

"Sức mua của người tiêu dùng đang giảm vì lạm phát, thế nhưng mọi người chưa muốn từ bỏ việc tụ tập buổi tối sau quãng thời gian dài giãn cách, thế nhưng chi phí ăn trưa thì có thể cắt giảm", chuyên gia kinh tế Lee Seung Hoon của Meritz Securities nhận định.

Cũng theo ông Lee, việc tăng giá liên tục như hiện nay sẽ còn kéo dài và làm xói mòn sức mua của người dân. Cùng với tình hình phức tạp của thị trường tiền tệ và chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến xuất khẩu, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc chắc chắn sẽ rất đau đầu khi vừa phải đối phó lạm phát, vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế.

*Nguồn: Reuters


Băng Băng

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook