Làm nghiên cứu cần động lực và đam mê

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 06:12:29

Những năm gần đây, nghiên cứu sinh trẻ người Việt tham dự và trình bày đề tài tại các hội thảo khoa học, trường hè quốc tế ngày càng nhiều. Đã nhìn thấy niềm đam mê họ dành cho nghiên cứu khoa học.

Các nghiên cứu sinh trẻ (từ trái sang): Ngô Khắc Hoàng, Lê Doãn Hoàng, Võ Thành Phát, Nguyễn Duy Kỳ An, Trần Gia Quốc Bảo và Nhữ Bình Dương cùng GS Ngô Bảo Châu (giữa) tại diễn đàn HLF - Ảnh: NVCC


Tuổi Trẻ cùng trò chuyện với 4 trong 6 nghiên cứu sinh trẻ Việt Nam được chọn tham dự Diễn đàn toán học và khoa học máy tính Heidelberg Laureate Forum (HLF) mới đây tại Đức.


Đó là Nhữ Bình Dương - nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Monash (Úc), Lê Doãn Hoàng - nghiên cứu sau tiến sĩ ĐH Aizu (Nhật Bản), Nguyễn Duy Kỳ An - sinh viên ĐH La Trobe (Úc) và Võ Thành Phát - nghiên cứu sinh ĐH Wayne (Hoa Kỳ).


Cần niềm tin và động lực

* Khó khăn lớn nhất với con đường theo đuổi các dự án nghiên cứu là gì, với bạn?


- Nhữ Bình Dương: Chọn đúng lĩnh vực đam mê, phù hợp với kỹ năng của bản thân rất quan trọng nhưng không hề dễ dàng. Tôi đã tìm tòi nhiều lĩnh vực, xem các buổi thuyết trình của nhiều nhà khoa học và trò chuyện với những người có kinh nghiệm. Nhưng làm nghiên cứu không hề dễ, nhiều lúc bế tắc nên giữ được động lực trong quá trình nghiên cứu vô cùng cần thiết. Tích cực giao lưu với bạn bè và các nhà nghiên cứu khác cũng góp phần giúp tôi tìm được hướng ra nhanh hơn.

- Võ Thành Phát: Có lẽ cái khó lớn nhất với một nhà nghiên cứu là giữ được niềm tin và động lực vào điều mình làm. Quá trình đó, nghiên cứu sinh phải trả lời các câu hỏi mở của giáo sư hướng dẫn, thường là câu hỏi chưa có ai trả lời, chưa biết đúng sai. Vì vậy, vai trò của người hướng dẫn cũng rất quan trọng. Chính sự động viên và đồng hành của họ giúp nghiên cứu sinh vượt qua những khó khăn.

* Bạn kỳ vọng gì vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đam mê của những nhà nghiên cứu trẻ?


- Lê Doãn Hoàng: Tôi mong Chính phủ có cơ chế để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam như cấp học bổng hoặc miễn học phí cho nghiên cứu sinh. Song song đó, tạo điều kiện để nhà nghiên cứu trẻ tham gia các diễn đàn khoa học quốc tế lớn cùng chế độ đãi ngộ dành cho các nhà nghiên cứu, đầu tư nhiều hơn các trang thiết bị nghiên cứu. Đồng thời thường xuyên có các diễn đàn trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.


- Nguyễn Duy Kỳ An: Trong thời đại công nghệ hiện nay, toán ứng dụng được xem là ngành khá quan trọng, đặc biệt ứng dụng trong tin học, nhiều hỗ trợ đều nhằm vào lĩnh vực này. Là người nghiên cứu ngành toán thuần, tôi hiểu tầm quan trọng cũng như dành sự tôn trọng cho những nhà toán học theo đuổi toán vì vẻ đẹp của nó hơn là sử dụng toán như một công cụ phát triển cho những ứng dụng khác. Tôi thực sự trông đợi có nhiều quỹ đầu tư cho những nhà toán học trẻ để họ có cơ hội nghiên cứu và sống hết mình với khoa học.


Ra thế giới, kết nối và học hỏi

* Trải nghiệm môi trường nghiên cứu quốc tế, điều gì là thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu của bản thân?


- Nguyễn Duy Kỳ An: Thế giới có khá nhiều hội nghị hoặc hoạt động ngoại khóa dành cho nghiên cứu sinh toán học mà HLF là một ví dụ. Ở Úc, tổ chức toán học The Australian Mathematical Sciences Institute (AMSI) có những trại hè, diễn đàn toán thường niên tạo điều kiện cho sinh viên đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ được tham gia những khóa học toán chuyên sâu do nhiều giáo sư đến từ các trường đại học khắp nước Úc hướng dẫn.


- Võ Thành Phát: Tại Mỹ có rất nhiều quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học và nghiên cứu sinh. Tại ĐH Wayne, nghiên cứu sinh sẽ được trả toàn bộ học phí, bảo hiểm và còn được trả một phần sinh hoạt phí và họ tham gia trợ giảng cho một số khóa học trong trường, hoặc làm trợ lý nghiên cứu cho giáo sư hướng dẫn. Từ đó, nghiên cứu sinh có khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản và thậm chí có thể tiết kiệm, yên tâm theo đuổi nghiên cứu.


- Nhữ Bình Dương: Hệ thống hỗ trợ nghiên cứu, thu thập dữ liệu và làm thống kê khắp các lĩnh vực của Chính phủ Úc rất tốt cùng với môi trường làm việc năng động. Từ nguồn thống kê này, nghiên cứu sinh có thể dễ dàng phân tích, tìm ra những đề tài nghiên cứu mới. Việc xin quỹ nghiên cứu của Úc cũng minh bạch và hiệu quả.

Các đơn xin cấp quỹ đăng tải minh bạch trên website, có thang điểm đánh giá và được hội đồng xét duyệt phản hồi chi tiết giúp các nhóm nghiên cứu cải thiện đề tài khi cần thiết.

* Đến với các hội thảo quốc tế giúp bạn gặt hái được gì cho bản thân?


- Võ Thành Phát: Tôi đã tham gia một số chương trình liên quan đến toán ứng dụng tại Mỹ và ngoài nước. Nhờ đó, tôi học thêm nhiều kiến thức, có thêm ý tưởng cho hoạt động nghiên cứu của mình và mở rộng mạng lưới, trao đổi với nhiều giáo sư ở các trường đại học khác trên thế giới.


- Lê Doãn Hoàng: Tại những sự kiện quy tụ nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới, điều quan trọng nhất tôi gặt hái được chính là cảm nhận được nguồn động lực và cảm hứng, thấy tự tin hơn với con đường nghiên cứu của mình.

Nhờ tham dự HLF, tôi kết nối được với các nghiên cứu sinh trẻ khác và cùng nhau xây dựng các đề án để xin quỹ nghiên cứu từ diễn đàn. Những kiến thức học được từ hội nghị quốc tế cũng giúp tôi phát triển hướng nghiên cứu hiện tại và định hướng tốt hơn.


Cần nhiều hỗ trợ cho nghiên cứu sinh nữ

Chủ nhiệm khoa học của Diễn đàn HLF Anna Wienhard nói tỉ lệ nghiên cứu sinh nam và nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực STEM thường chênh lệch lớn, có nhiều vấn đề xã hội cản trở phụ nữ trẻ theo đuổi trong lĩnh vực STEM nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung.

Từ đó nhân diễn đàn năm nay, Quỹ Heidelberg Laureate Forum Foundation (HLFF) đã khởi động dự án HLFF Inspiring Minds nhằm tạo ra môi trường an toàn, trao cơ hội bình đẳng và đa dạng cho các nghiên cứu sinh, cũng như hỗ trợ họ lựa chọn con đường sự nghiệp cá nhân bất kể giới tính, quốc tịch hay nền tảng văn hóa.

Đại dương trên Sao Hỏa: Bằng chứng mới cho thấy Hành tinh Đỏ có một đại dương cổ đại khổng lồ!

Chia sẻ Facebook