Làm giả kết quả test Covid-19 để trốn việc
Nhiều nhân viên công sở ở Malaysia đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để làm giả kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích trốn việc.
“Thật là dễ dàng. Chẳng ai có thể phát hiện ra trừ khi họ kiểm tra bức ảnh một cách kỹ lưỡng” - một người đàn ông khoe khoang về kết quả chỉnh sửa ảnh của mình.
Ban đầu, kết quả xét nghiệm của anh ta chỉ hiển thị một vạch - nghĩa là âm tính, nhưng sau khi chỉnh sửa, kết quả đã là 2 vạch - dương tính.
Hình ảnh được người đàn ông gửi tới ứng dụng theo dõi Covid-19 của Malaysia có tên là MySejahtera. Ngay sau đó, anh đã nhận được lệnh cách ly tại nhà.
Ngoài cách này, nhiều người khác cũng “mượn” kết quả dương tính từ bạn bè, người thân để nói dối “sếp” về việc bị bệnh.
Một phụ nữ chia sẻ rằng, cô buộc phải làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19 để được nghỉ làm, có thời gian chăm sóc cậu con trai 2 tuổi.
Bà mẹ này cũng lý giải rằng cô có rất ít lựa chọn vì người giúp việc phải về quê có chuyện khẩn gấp, vì thế cô không có ai giúp trông con. Đơn xin nghỉ phép của cô cũng bị từ chối.
Các nhà tuyển dụng ở Malaysia cho biết họ nhận thức được vấn đề này và nguy cơ bị lạm dụng vì hệ thống giám sát Covid-19 hiện tại của nước này không yêu cầu chứng nhận y tế của bác sĩ.
Chủ tịch Liên đoàn người sử dụng lao động Malaysia (MEF) cho rằng: “Người sử dụng lao động nên quản lý những người lạm dụng bằng các hình thức kỷ luật riêng. Hành vi lạm dụng này sẽ gây hại cho hoạt động của công ty và đánh lừa các nhà chức trách đang nỗ lực kiểm soát đại dịch”.
Trên TikTok, có rất nhiều video “khoe khoang” về cách làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19, từ việc sử dụng nước chanh cho đến chỉnh sửa ảnh trên ứng dụng Snapchat.
Tuy nhiên, cũng có những quốc gia đưa ra hình phạt rất nặng nếu phát hiện người dân làm việc này. Cụ thể, nếu ở Singapore, người dân có thể bị phạt tiền hoặc bị bỏ tù đến 3 năm cho mỗi tội danh giả mạo.
Đăng Dương (Theo Asia One)