Làm gì khi nhân viên cũ mời bạn làm ‘người tham khảo’?
Một nhân viên cũ ứng tuyển công việc mới và có lời nhờ bạn làm người tham khảo (reference) cho họ. Bạn nên nhận lời trong trường hợp nào?
Nhận làm người tham khảo cho một nhân viên xứng đáng không chỉ là việc tốt mà còn là bước đi thông minh trong sự nghiệp. Người chuyên nghiệp và có tố chất lãnh đạo hiểu được ý nghĩa của câu “Đáp đền tiếp nối”. Vì hầu hết những người thành công trong sự nghiệp đều được ai đó hậu thuẫn hoặc ủng hộ từ xa, và khi đến lượt thì họ cũng vui lòng được giúp đỡ người khác. Dưới đây là cách mà các chuyên gia lựa chọn khi nhận được lời nhờ làm nguồn tham khảo cho một nhân sự.
Quyết định xem bạn có muốn giúp hay không
Nếu nhân viên đó vốn là người thiếu tinh thần hợp tác, thậm chí gây thiệt hại trong quá trình làm việc, bạn nên cân nhắc. Nếu bạn giới thiệu họ, rồi họ tiếp tục thể hiện tệ hại ở công ty mới, bạn sẽ mất uy tín. Đặc biệt khi bạn là người có tên tuổi, hoặc công ty đang cần thông tin tham khảo cũng cùng chung lĩnh vực với công ty bạn.
Trung thực
Dù quyết định thế nào đi nữa, hãy trung thực với nhân sự cũ về những gì bạn có thể nhận xét về bạn. Hãy nói ra nếu bạn thực sự không thể giúp họ, ví dụ: “Tôi không nghĩ là mình có thể đưa ra lời đánh giá đủ thuyết phục cho bạn”.
Trường hợp bạn sẵn sàng giúp, nhưng cảm thấy không chắc chắn là đánh giá của mình có hiệu quả cho họ, hãy nói với ứng viên đó chính xác những gì bạn có thể nói. Như: “Tôi có thể xác nhận về cách bạn trò chuyện với khách hàng tốt như thế nào, nhưng tôi không thể xác nhận khả năng quản lý dự án của bạn như trong mô tả vị trí mới này yêu cầu, vì tôi không có căn cứ về việc đó”.
Chuẩn bị
Khi đã đồng ý làm người tham khảo, chí ít hãy suy nghĩ về những điều cơ bản có thể nhận xét cho nhân viên cũ: Hợp tác với sếp - đồng nghiệp - cấp dưới ra sao, có hiệu quả không? Nếu được, hãy hỏi nhân viên cũ đó muốn bạn nhận xét về kỹ năng nổi bật nào: Chăm sóc khách hàng, quản lý dự án, tay nghề chuyên môn? Nếu có tâm hơn nữa, hãy hỏi họ: “Vì sao bạn nghĩ vị trí mới này phù hợp với bạn?”, và bạn có thể dựa trên điều đó để có đánh giá thuyết phục với nhà tuyển dụng kia.
Đưa ra các ví dụ cụ thể
Các nhà tuyển dụng thường quan tâm 2 điều: “Ứng viên phối hợp với những người khác hiệu quả không?” và “Tay nghề chuyên môn của ứng viên liệu có đảm bảo?”. Nếu bạn có dẫn chứng về đóng góp tích cực của ứng viên đó, đó sẽ là bảo chứng tuyệt vời.
Nếu ứng viên đó đang được xem xét cho một vị trí hoặc lĩnh vực mà họ chưa từng làm, bạn có thể mô tả thái độ và cách người đó tiếp nhận một nhiệm vụ mới và những thành quả. Đừng nói quá chung chung.
Nhiệt tình
Nếu đã nhận lời, sẽ thật tử tế nếu bạn có thể khen ngợi ứng viên những điều mà họ xứng đáng. Đôi khi nhà tuyển dụng của công ty kia sẽ cố gắng hỏi về điểm yếu của ứng viên hoặc ép bạn xếp hạng người đó so với trong tập thể, đừng đưa ra ý kiến. Cũng đừng pha trò quá đà khiến nhà tuyển dụng đó nghi hoặc về uy tín của ứng viên.
Đôi khi sẽ có những ứng viên phải đưa cho nhà tuyển dụng mới thông tin liên lạc của bạn để xác minh trước khi họ có thể nhờ bạn làm người tham khảo chính thức. Đừng phật lòng, hãy trung thực và nói tử tế về họ nếu bạn có thể. Đặc biệt: đừng nói với nhà tuyển dụng mới rằng bạn “không nhớ nhân viên này” trong khi bạn có, nhất là nếu họ không gây ra tội lỗi gì trong quá trình làm việc.
Vĩnh Phú