Làm gì giảm thiểu nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người?
Làm gì giảm thiểu nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người? Hoàng Thị Bích Thứ 2, 29/01/2024 | 10:09 0
Nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật
Trong những năm qua, loài người đã phải đối diện với nhiều dịch bệnh truyền từ động vật sang người. Trong đó, theo BS.Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có nhiều dịch bệnh khác nhau xuất phát từ động vật hoang dã trong lịch sử.
Có thể kể đến như Bệnh dịch hạch, Sars, Mers – CoV, Ebola… Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (AIDS) do virus HIV gây ra được cho là có nguồn gốc từ đột biến của virus SIV (Simian Immunodeficiency Virus) trong loài linh trưởng.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do virus - SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome) và Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS (Middle East Respiratory Syndrome) cũng là các bệnh lây truyền từ động vật sang người, đều được cho là có nguồn gốc từ dơi và lây truyền từ các loài động vật khác nhau (cầy/chồn, lạc đà) sang cho con người. Ngoài ra, cúm gia cầm lây từ gia cầm gà vịt, chim di cư, Viêm não Nhật Bản lây từ chim di cư (thường xuất hiện vào mùa vải);
Sốt mò, dịch hạch... lây từ chuột; và rất nhiều nhiều bệnh phổ biết khác đã lây thành dịch như H1N1, H5N1, Sars Covid, Ebola, Đậu mùa khỉ…
Chia sẻ với Người Đưa Tin , bà Hoàng Bích Thủy - Trưởng Đại diện, Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) cho biết, trong hơn 10 năm qua, WCS Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện các nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật (linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt…) và các rủi ro lây truyền giữa người và động vật tại các mắt xích trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã, như các điểm thu thập phân dơi làm phân bón; cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (dúi, nhím, cầy, linh trưởng...); khu vực chợ, nhà hàng, điểm buôn bán động vật sống và động vật hoang dã tịch thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật Việt Nam.
Kết quả của các nghiên cứu là 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật được phát hiện trên cả động vật và người trong đó có 26 virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây và 20 virus đã biết.
Bên cạnh những virus đã biết, nghiên cứu còn phát hiện các virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây. Trong số 26 virus mới được phát hiện, có 5 chủng virus thuộc họ corona (gồm các virus đã gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã biết như SARs, Covid-19, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)…), 2 chủng virus thuộc họ Herpes (gồm các virus đã gây ra các bệnh như thủy đậu, zona), 5 chủng virus thuộc họ Paramyxo (gồm các vrus đã gây ra các bệnh như sởi, quai bị và gần đây bệnh do virus Nipah cũng là 1 chủng virus thuộc họ Paramyxo-) và 14 chủng virus Rhabdo (gồm các virus gây bệnh như bệnh dại…).
“Điều đó cho thấy các hành vi, hoạt động ở mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người và nguy cơ xuất hiện, bùng phát các dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật”, bà Hoàng Bích Thủy nhận định.
Theo bà Hoàng Bích Thủy, thông qua việc phối hợp với các đối tác các cấp từ Trung ương đến địa phương để thực hiện các hoạt động giám sát dịch bệnh là rất cần thiết. Trong những năm qua, WCS Việt Nam đã tham gia hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị liên quan về việc thực hiện giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã, bao gồm cả hoạt động thu mẫu, giám sát tại thực địa và chẩn đoán mẫu trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm, phát hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, việc thực hiện hoạt động với sự tham gia của các bên liên quan như thú y, kiểm lâm và y tế đã góp phần xây dựng, tăng cường phối hợp liên ngành theo hướng tiếp cận Một sức khỏe ở cấp địa phương trong triển khai hoạt động giám sát dịch bệnh.
Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện, góp ý cho các văn pháp luật, quy định, hướng dẫn liên quan đến quản lý, bảo tồn động vật hoang dã và phòng chống dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật.
Từ đó, giúp các cá nhân, đơn vị liên quan được trang bị một số kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới/tái nổi trên động vật hoang dã, có nguy cơ lây truyền cho con người.
Không tiêu thụ động vật hoang dã
Bên cạnh các quy định về bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học và đặc biệt là bảo vệ các loài động vật hoang dã, Việt Nam cũng rất quan tâm tới vấn đề quản lý dịch bệnh liên quan đến động vật hoang dã, đặc biệt là vấn đề kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật hoang dã.
Việt Nam đã có rất nhiều quy định về quản lý và kiểm soát bệnh lây truyền con người và động vật hoang dã như: Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y; cùng với đó là các Nghị định quy định chi tiết và các Thông tư hướng dẫn thi hành về kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định quản lý và kiểm soát bệnh lây truyền con người và động vật hoang dã.
“Tất cả các loài động vật hoang dã (trừ 27 loài được ban hành danh mục loài động vật không thuộc đối tượng quản lý như động vật hoang dã tại Quyết định 4737/QĐ-BNN-TCLN) đều là đối tượng quản lý của pháp luật Việt Nam được chia theo các mức độ bảo vệ khác nhau. Có loài bị cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức, có loài được phép buôn bán nhưng kèm theo các điều kiện ràng buộc nhất định” ông Vinh cho hay.
Theo Luật sư Vinh, khi xuất hiện dịch bệnh thì theo quy định cần “khoanh vùng dập dịch” như dịch Covid-19 chúng ta đã làm và tùy theo mức độ bệnh truyền nhiễm nhóm A hay nhóm B.
Vị Luật sư cho rằng chế tài quản lý và kiểm soát bệnh lây truyền đã đủ mạnh, không cần thiết tăng thêm điều khoản ở các luật. Đặc biệt, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có 2 điều luật được thiết kế để ngăn chặn, xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm, trong đó Điều 240 - Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với mức phạt cao nhất lên tới 12 năm tù và phạt tiền lên tới 200 triệu đồng và Điều 241 - Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật với mức hình phạt lên tới 07 năm tù và phạt tiền lên tới 200 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Vinh cho rằng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân không tiêu thụ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ ở các cửa khẩu biên giới, hàng không để phát hiện kịp thời nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.
Cũng theo BS.Thiệu, để phòng chống lây nhiễm bệnh từ động vật sang người cần hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã, đặc biệt không tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã.
Theo đại diện của WCS, để làm được điều đó, cần có các giải pháp đồng bộ như:
Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý dịch bệnh trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã; chú trọng quản lý dịch bệnh đối với hoạt động nuôi thương mại động vật hoang dã. Hoạt động nuôi, giữ động vật hoang dã với các tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên giữa con người và động vật, với chất thải động vật và các yếu tố môi trường khác như đất, nước, tiềm ẩn khả năng phát tán, lây truyền các tác nhân gây bệnh lây truyền giữa người và động vật.
Ngăn chặn chuỗi cung ứng động vật hoang dã bất hợp pháp bao gồm các hành vi như săn bắt, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Ngoài ra, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật và các bên có liên quan về các nguy cơ, các biện pháp theo dõi, báo cáo dịch bệnh; tăng cường truyền thông về bảo vệ và các rủi ro bệnh lây truyền giữa động vật hoang dã và con người để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, một biện pháp có thể tính đến nhằm ngăn chặn toàn diện nhất nguy cơ lây bệnh giữa người và động vật hoang dã đó là nghiên cứu và ban hành các quy định liên quan đến kiểm soát tiêu thụ động vật hoang dã và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, trong đó cần đưa ra các chế tài xử phạt tương ứng đối với tiêu thụ trái pháp luật động vật hoang dã.
Nghiên cứu, đánh giá nguy cơ, tìm kiếm, phát hiện dịch bệnh mới nổi để chủ động ứng phó; tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh lây truyền guữa người và động vật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ, học hỏi các thực hành tốt về quản lý dịch bệnh và phối hợp kiểm soát dịch bệnh nếu phát sinh…
Theo kết quả phân tích của Ngân hàng thế giới World Bank, thiệt hại về kinh tế từ 6 dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người với tỉ lệ tử vong cao xảy ra trong thời gian 1997-2009 ước tính ít nhất là 80 tỷ USD và nếu các dịch bệnh này được ngăn ngừa thì có thể giảm thiệt hại trung bình khoảng 6,7 tỷ USD/năm.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan năm 2022, có ít nhất 3,3 triệu người tử vong mỗi năm vì nhiễm các bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người và thiệt hại về kinh tế lên đến 212 tỷ USD.
Đặc biệt, gần đây nhất là đại dịch Covid-19, được cho là có nguồn gốc từ dơi và phát hiện trên nhiều loài động vật bao gồm cả động vật nuôi và động vật hoang dã, gây thiệt hại nặng nề trên toàn thế giới. Bên cạnh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, dịch bệnh còn gây nhiều tổn thất nặng nề như nhiều công ty, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc rơi vào tình trạng khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng… .