Làm gì để tăng hiệu quả xuất khẩu trái cây Việt?

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 00:59:23

Việt Nam vốn là một nước được thiên nhiên ưu đãi để phát triển đa dạng hoa trái. Tuy nhiên, chỉ số lượng chưa đủ mà cần tập trung vào chất lượng để nâng tầm nông sản Việt.


Bưởi da xanh như cùng với bưởi 5 roi sẽ là hai loại bưởi đầu tiên được xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong thời gian tới. Để có được kết quả này, quả bưởi Việt Nam phải trải qua 5 năm đàm phán - một quá trình dài, đòi hỏi sự chuẩn bị dày công và kỹ lưỡng từ các nhà vườn, doanh nghiệp, trong đó có những tiêu chuẩn khắt khe từ Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động-thực vật của Mỹ.

Bà Erica Grover - Giám đốc khu vực của chương trình kiểm tra tại gốc APHIS cho hay: "Để xuất khẩu được bưởi sang Mỹ thì vùng trồng bưởi phải được đăng ký mã số vùng trồng với Cục Bảo vệ thực vật và APHIS; các lô hàng bưởi tươi phải được xử lý chiếu xạ; bưởi phải được đóng gói tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Aphis chấp thuận".

"Các mã số vùng trồng phải kiểm tra, kiểm soát 6 sinh vật gây hại đã đưa vào trong văn bản ký kết mà phía Mỹ quan tâm. Hay nói cách khác là chúng ta phải phòng trừ và loại trừ những đối tượng đó trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ", ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói.

Bưởi da xanh như cùng với bưởi 5 roi sẽ là hai loại bưởi đầu tiên được xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong thời gian tới. Ảnh minh họa.


Phần lớn các loại trái cây của Việt Nam khi nhập khẩu vào Mỹ hiện được bán chủ yếu ở các chợ và siêu thị châu Á. Riêng có trái thanh long và mới đây nhất là vải đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị dòng chính của Mỹ. Nhưng nhìn chung lượng trái cây tươi Việt Nam bán ra tại Mỹ còn rất hạn chế so với tiềm năng cũng như nhu cầu của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về khả năng cạnh tranh.

Đối thủ cạnh tranh chính của trái cây Việt Nam tại Mỹ hiện nay là Trung Quốc và Mexico. Đây là các quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm, chi phí vận chuyển thấp, hệ thống phân phối rộng khắp nên giá cả rất cạnh tranh.

Bên cạnh đó là các nước Trung và Nam Mỹ - nơi có điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai rất phù hợp cho việc trồng các loại trái cây nhiệt đới với sản lượng và chất lượng cao; đồng thời áp dụng khá nghiêm túc quy trình canh tác đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Lợi thế của đối thủ cũng chính là các hạn chế của trái cây tươi Việt Nam.

Phần lớn các loại trái cây của Việt Nam khi nhập khẩu vào Mỹ hiện được bán chủ yếu ở các chợ và siêu thị châu Á. Ảnh minh họa.

Dù giá thành cao hơn nhưng chất lượng sản phẩm lại có phần ngon hơn - đó là điểm mà trái cây Việt giữ chân được người tiêu dùng Mỹ. Nhưng làm sao để tăng cả về sản lượng trong dài hạn?

Theo trao đổi của phóng viên VTV với một số chuyên gia tại Mỹ thì Việt Nam cần trú trọng một số điểm sau:


Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng hướng thị trường nhằm đảm bảo trái cây của Việt Nam được trồng, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và đóng gói theo đúng quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường Mỹ. Qua đó đảm bảo ổn định cả về chất lượng, sản lượng cũng như uy tín đối với nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ.


Thứ hai là xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ và hài hòa giữa người trồng với các doanh nghiệp thu mua, vận chuyển, nhập khẩu và phân phối nhằm rút ngắn thời gian, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là giảm thiểu chi phí vận chuyển - yếu tố hiện đang đẩy giá thành trái cây Việt Nam tại Mỹ lên mức khó cạnh tranh.


Thứ ba là phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá tại địa bàn Mỹ thông qua tổ chức sự kiện, tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các khu vực trọng điểm; chú trọng phương thức quảng bá qua mạng xã hội bởi đây là cách tiếp cận khách hàng nhanh, trực tiếp với chi phí hợp lý.

Ngoài Mỹ, Việt Nam đã có khoảng 12 loại trái cây tiếp cận thị trường cao cấp khó tính như Nhật, châu Âu. Để vào được thị trường này thì mỗi loại trái cây chúng ta cũng phải mất từ 7 - 10 năm đàm phán. Khó khăn là vậy nhưng cũng đã có những bài học đắt giá khi không giữ được thị trường. Điều đó cũng có nghĩa là công sức đàm phán "đổ sông đổ biển".

Bài học từ quả vú sữa Lò Rèn là ví dụ. Sau khi vươn ra khỏi thị trường nội địa, xuất khẩu thành công sang Nga, năm 2017 vú sữa Lò Rèn lại được xuất sang thị trường Mỹ. 2 tấn vú sữa lên đường đến thị trường Mỹ thời điểm đó đã mở ra cho nông dân những hy vọng.

Nhưng đến giờ sau 5 năm, diện tích vú sữa Lò Rèn đã bị thu hẹp. Lý do một phần cũng bởi cách thức lựa chọn trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quá kỹ. Bình quân khoảng 200 kg vú sữa tại vườn chỉ lấy được 1/4. Nhiều nông dân xin chấm dứt hợp đồng với công ty thu mua vú sữa xuất khẩu, chỉ bán cho thương lái địa phương. Giá không cao nhưng bù lại thương lái địa phương ít kén chọn trái.

Theo thời gian khi giá trị kinh tế của vú sữa không bằng các loại cây khác thì nông dân đã đốn bỏ. Diện tích vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim, Tiền Giang từ gần 300 ha đã giảm xuống chỉ còn 20 ha. Từ một loại quả đình đám, vú sữa Lò Rèn còn có nguy cơ bị xoá sổ ngay trên mảnh đất mà nó sinh ra

Để không lâm vào tình trạng ban đầu rất kỳ vọng nhưng sau lại lặng lẽ rời khỏi thị trường như trường hợp vú sữa Lò Rèn, cần có những giải pháp trong dài hạn như nào cho xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam?

Xung quanh nội dung trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đã có những phân tích, bình luận chi tiết.


Theo Ban thời sự

Chia sẻ Facebook