Làm gì để hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần?
Việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) xuống 15 năm và tiến tới 10 năm có thể là một trong những biện pháp để mở rộng độ bao phủ BHXH. Tuy nhiên cần có giải pháp căn cơ hơn như chính sách tiền lương, các hỗ trợ khác.
Đó là ý kiến của ông Đặng Thuần Phong, phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cùng một số chuyên gia khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ về những thông tin mới nhất từ phía Bộ LĐ-TB&XH. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đang sửa đổi các quy định liên quan, sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội, có thể từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm.
Nguy hiểm cho chính sách an sinh
* Ông nhìn nhận đâu là nguyên nhân chính của việc rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây?
- Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm nay, số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần lên tới 496.000 người, tăng so với cùng kỳ là 0,25%. Xu thế dự báo sẽ còn tăng lên bởi lẽ có tác động của dịch, khó khăn trong kinh tế - xã hội và biến động của thị trường lao động.
Đặc biệt sau dịch thì biến động trong thị trường lao động thay đổi nhiều, cơ hội việc làm nhiều nhưng số không trở lại thị trường lao động cũng nhiều, nên tạo tâm lý lan tỏa việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Nói chi tiết hơn thì trước hết, do người lao động khó khăn, thiếu tích lũy nên khi kinh tế khó khăn, có biến cố nhỏ thôi là có thể rút bảo hiểm xã hội một lần để khắc phục khó khăn trước mắt.
* Ngoài chuyện khó khăn là dễ thấy thì còn nguyên nhân nào khác không, thưa ông?
- Chính sách của chúng ta hiện tại còn dễ dàng nên khi rút một lần sẽ có lợi hơn dẫn đến một bộ phận rất hiểu biết và lạm dụng chính sách này. Khi tham gia bảo hiểm được 4 - 5 năm, trước năm 2014 thì mỗi năm được nhận 1,5 tháng lương, sau 2014 thì mỗi năm được 2 tháng lương. Vì thế, khi rút bảo hiểm xã hội một lần, thêm cả bảo hiểm thất nghiệp, rồi trở lại tham gia thị trường lao động và đóng bảo hiểm thì sau đó họ vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội. Thực tế này khiến một bộ phận người tham gia bảo hiểm xã hội lợi dụng và rút sổ một lần.
Chưa kể tình trạng thu mua sổ bảo hiểm xã hội, cho thuê, hoặc vay, sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để thế chấp, sau đó bị ép phải rút bảo hiểm xã hội một lần để trả nợ như mua bán lúa non.
Mặc dù có những tình trạng này nhưng chưa có cơ sở hành lang pháp lý nào để xử lý, cũng chưa có chế tài nên một số đã lợi dụng, ép người lao động làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Quan trọng là nhận thức của người lao động chưa hiểu rõ, nơi biết thì lạm dụng, nơi chưa hiểu thấu thì khi bị xúi giục, hoặc khi khó khăn là rút bảo hiểm.
Thêm vào đó, thực tế nhiều nơi đóng bảo hiểm xã hội cũng không đúng với mức lương thực của người lao động, chỉ đóng theo mức lương khu vực mà Nhà nước quy định. Đây là thiệt thòi cho người lao động rất lớn cần có hướng xử lý.
* Theo ông, có những hệ lụy nào có thể xảy ra khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cho cả người lao động và cơ quan quản lý?
- Thực trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là quá đáng lo ngại vì nếu có thêm nhiều trường hợp nữa có thể phá vỡ ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, làm cho an sinh xã hội không đạt được mục tiêu đề ra. Nếu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần ngày càng nhiều, rồi nhiều hơn số tham gia bắt buộc thì không thể cân đối được quỹ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ mất cơ hội về sau, khi nghỉ hưu không có chế độ nào thì rất nguy hiểm cho chính sách an sinh của bất kỳ quốc gia nào.
Với cơ quan nhà nước, chính sách bảo hiểm xã hội sẽ không thể phát huy được hiệu quả, tác dụng là chia sẻ và đảm bảo lưới an sinh cho mọi người. Hệ lụy này rất lớn bởi có thể phá vỡ những mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong việc chăm lo cho người dân, đe dọa mục tiêu về tỉ lệ thực hiện bảo hiểm xã hội. Như vậy việc đóng và chia sẻ của bảo hiểm xã hội phục vụ con người với mục tiêu phủ kín bảo hiểm xã hội cho người dân sẽ không đạt được.
Đây là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi có giải pháp để xử lý vấn đề này trong thời gian tới.
Cần có chính sách khác như chính sách tiền lương, hỗ trợ người lao động để họ có tích lũy nhất định, khi có sự cố họ giải quyết được. Ví dụ như ngân hàng chính sách, ngân hàng, công đoàn lao động phải vào cuộc, hỗ trợ người lao động khi họ gặp khó khăn bất ngờ thì họ mới đứng vững và không có nhu cầu rút bảo hiểm. Khi đáp ứng được nhu cầu này thì họ sẽ giữ gìn và bảo vệ sổ bảo hiểm của họ.
Cần có các gói hỗ trợ khác
* Về ý kiến mới đây của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cho biết đang sửa đổi các quy định liên quan, sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội, có thể từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm, ông có suy nghĩ gì?
- Thông tin được nêu ra như trên là quan điểm của bộ trưởng, còn Chính phủ chưa trình hướng sửa đổi chính sách này với Quốc hội. Nhưng có thể đặt ra ngay một câu hỏi, ví dụ trường hợp áp dụng trong 10 năm thì có thể mức đóng bảo hiểm xã hội phải khác, vậy người lao động có chấp nhận không?
Tôi nghĩ, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội là một giải pháp để chúng ta mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội nhưng sẽ không thể giải quyết căn cơ bài toán này. Để giải quyết thì quan trọng là nhận thức của người lao động, rồi những quy định về kỹ thuật trong chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần cần phải tính toán lại.
Theo đó, có thể cho phép người lao động được nhận phần do người lao động đóng, còn phần doanh nghiệp đóng thì giữ lại để thực hiện các gói an sinh khác, chia sẻ cho những đối tượng khác.
* Còn vấn đề tái cơ cấu đội ngũ lao động được đặt ra như thế nào để người lao động đóng bảo hiểm rồi thì không phải lo cơm áo gạo tiền trước mắt, không phải nghĩ đến việc rút bảo hiểm một lần?
- Đây thực sự là bài toán khó vì lao động có tay nghề cao, kỹ năng tốt, có lương tốt, đóng bảo hiểm và tích lũy được chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Trong khi lao động phổ thông, theo mùa vụ, lao động bị thâm dụng lao động có lương không cao, rồi cơm áo gạo tiền, con em đi học, thuê nhà... gói gọn trong đồng lương chỉ đủ sống. Nên khi gặp sự cố, biến cố nhỏ cũng có thể xử lý bằng cách rút bảo hiểm xã hội.
Vì vậy phải có giải pháp là các gói hỗ trợ người lao động. Gói đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, như lúc khó khăn thì ngân hàng chính sách cho vay, hoặc liên đoàn lao động đứng ra bảo trợ cho người lao động; hoặc doanh nghiệp có quỹ trách nhiệm xã hội để hỗ trợ người lao động.
Nhận thức của người lao động cũng rất quan trọng, cần cố gắng phấn đấu vì nếu rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ rất thiệt thòi cho họ và gia đình, xã hội.
Năm 2023 trình Quốc hội
Tại buổi đối thoại của Thủ tướng với công nhân diễn ra ngày 12-6 vừa qua, trước câu hỏi của công nhân về việc cơ chế, chính sách bảo hiểm xã hội sẽ được sửa đổi thế nào để hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay hiện có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo ông Dung, trong quý 1 và 2-2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, gây hệ lụy lâu dài cho họ khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên là phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bộ LĐ-TB&XH đang chủ trì và hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với các nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định trước đây là 20 năm thì dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.
Ngoài ra, luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng sự khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình.
Về quá trình xây dựng Luật bảo hiểm xã hội có những điều chưa theo kịp thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói mọi chính sách không thể bao hết các khía cạnh của cuộc sống. Song với tinh thần tiếp thu ý kiến, Chính phủ đã nghiên cứu, trình Thường vụ Quốc hội đưa dự luật sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2023 để giải quyết được bài toán mà thực tiễn đặt ra, những điểm luật pháp chưa sát thực tế.
TP.HCM: dù đã giảm nhưng mỗi tháng có hơn 10.500 người rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2022 có khoảng 52.600 người đã rút bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 10.500 lượt người rời khỏi hệ thống của bảo hiểm xã hội. Trước đó, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP.HCM có thời điểm lên đến hơn 12.000 người/tháng khiến bảo hiểm nhiều quận huyện có đông lao động bị quá tải.
So sánh với quý 1-2021, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP.HCM trong quý 1-2022 tăng hơn 19%. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mến - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, nhưng tháng gần đây, số người rút đã bắt đầu giảm, còn khoảng 11.000 trong tháng 4 và khoảng 10.800 người trong tháng 5-2022. Tại buổi đối thoại với công nhân ngày 12-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần hiện cũng đã giảm đi so với quý 1-2022.
VŨ THỦY
* Ông Mai Đức Chính (nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Nên điều chỉnh tuổi hưu cho phù hợp
Trước đây đã từng có quy định đóng bảo hiểm xã hội 15 năm với điều kiện tuổi hưu chỉ là 55 với nữ và 60 với nam nhưng luật năm 2014 tăng năm đóng lên 20 năm và điều kiện tuổi hưu đang tăng dần lên 62 đối với nam (vào năm 2028) và 60 với nữ (vào năm 2035). Sắp tới nếu hạ thời gian đóng bảo hiểm xuống 15 - 10 năm để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian này cũng có thể nghỉ hưu, lĩnh lương hưu thì mới chỉ là điều kiện cần khi điều kiện đủ thì vướng quy định tuổi hưu vẫn là 60 - 62 (nam) và 55 - 60 (với nữ).
Lấy ví dụ một công nhân 20 tuổi vào làm việc 15 năm, nhất là với các ngành có tính chất độc hại, nặng nhọc như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, lắp ráp điện tử... thì đến 35 - 40 là doanh nghiệp sa thải hay trả lương thấp, vì thế người ta nghỉ. Như vậy đã đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội song tuổi đời mới có 35 - 40, tuổi hưu vẫn quy định 60 - 62 thì phải chờ 20 - 22 năm nữa mới có thể nghỉ hưu.
* Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM):
Cơ chế linh hoạt, đóng dài hơn có thêm quyền lợi
Việc quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu nên theo hướng như các nguồn bảo hiểm khác. Có thể quy định thời gian đóng tối thiểu 10 năm và cần có cơ chế để khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm dài hơn, theo hướng càng đóng dài, đóng nhiều sẽ được hưởng nhiều tiền hưu và ngược lại.
Ví dụ, từ năm 11 trở đi, nếu người lao động không đóng thêm sẽ nhận lương hưu theo một mức tỉ lệ dựa trên bình quân số tiền đã đóng và được hưởng các quyền lợi cơ bản, còn nếu tiếp tục đóng sẽ được nhận mức lương hưu cao hơn.
* Ông NGỌ DUY HIỂU (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Bảo hiểm xã hội không chỉ là lương hưu
Về việc chúng ta kéo dài tuổi nghỉ hưu là do chúng ta có niềm tin về thị trường lao động trong tương lai sẽ phong phú về nghề nghiệp, có nhiều sự lựa chọn hơn. Với người lao động chưa có tay nghề cần học nghề để chuẩn bị cho việc chuyển đổi nghề nghiệp.
Việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không phải chỉ để hưởng lương hưu khi về già mà còn được hưởng nhiều chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tử tuất. Kinh nghiệm của các nước là với nhóm yếu thế, thực sự khó khăn thì nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Hiện ở nước ta mới chỉ hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, chính sách khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc hỗ trợ con cái họ để giảm bớt gánh nặng. Đây là gợi ý rất đáng tham khảo khi sửa đổi luật.
Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần cần rất nhiều giải pháp, đó là thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế, tăng quyền lợi nhưng trước mắt cần nâng cao đời sống tinh thần, cải thiện điều kiện lao động... Khi người lao động có thu nhập ổn định sẽ không cần phải rút khoản để dành là bảo hiểm xã hội để lo công việc trước mắt hoặc cấp bách.
THÀNH CHUNG - TIẾN LONG ghi
Định hướng sửa Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian tới sẽ không hạn chế việc rút BHXH một lần, mà tập trung vào xây dựng BHXH theo hướng người dân có nhiều lựa chọn, chủ động quyết định khi đã hiểu rõ được lợi ích của việc tham gia.