Lạm dụng rượu bia phổ biến ở người trưởng thành tại Việt Nam
Rượu/bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44,2% nam giới năm 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).
Rượu/bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế-xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Việc sử dụng rượu, bia quá mức có thể gây ra nhiều tình trạng bệnh lý khiến người bệnh phải nhập viện như: Rối loạn hấp thu, hạ đường máu, ngộ độc rượu, viêm tụy cấp, xơ gan, trong đó có nhiều tình trạng bệnh lý nặng nề như xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, loạn thần cấp... gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Bên cạnh đó, lạm dụng rượu bia quá mức là gánh nặng lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của những người xung quanh.
Nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác do rượu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Người dân không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới. Trẻ em dươi 18 tuổi không uống rượu bia.
Đặc biệt không uống rượu bia khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn. Lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh nguy cơ uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp gây những vấn đề nghiêm trọng, ngộ độc khi uống phải, thậm chí tử vong.
Trong trường hợp có uống rượu, để phòng ngừa ngộ độc rượu, cần tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt hoặc tử vong. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.