Lạm dụng điều chỉnh bằng pháp luật
Các quy phạm pháp luật không phù hợp, khó thực thi có thể biến thành "xiềng xích" trói chặt chân tay của chúng ta cũng như các tiềm năng của đất nước.
Ngày 17-3 vừa qua, tại TP.HCM, với sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hội thảo quốc gia "Những vấn đề đột phá trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được tổ chức.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Quả thực nhà nước pháp quyền là nhà nước của pháp luật, chính vì vậy muốn hoàn thiện nhà nước pháp quyền trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì không có nghĩa là ban hành thật nhiều luật.
Hoàn toàn ngược lại, càng nhiều luật lệ, đặc biệt là những luật lệ chưa hoặc không cần thiết, thì các quyền, kể cả quyền của người dân và quyền của cán bộ, công chức đều bị thu hẹp. Các quy phạm pháp luật không phù hợp, khó thực thi hoàn toàn có thể biến thành "xiềng xích" trói chặt chân tay của chúng ta cũng như các tiềm năng của đất nước.
Khi đòi hỏi phải phục hồi kinh tế đang ngày càng trở nên nóng bỏng mà hàng năm trời chúng ta vẫn không thể phê duyệt được các dự án đầu tư công, thì chúng ta có phải là đã trở thành "con tin" của việc phải cố gắng tuân thủ những quy định pháp luật rối rắm và chồng chéo hay không?!
Hơn thế nữa, đang xảy ra tình trạng nhiều cán bộ, công chức không dám quyết đáp, thúc đẩy công việc. Bởi nhiều người cho rằng không làm thì không sao, nhưng đã làm thì thế nào cũng xảy ra vi phạm.
Vừa qua Bộ Chính trị đã phải ban hành kết luận 14 để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm có lẽ cũng là để khắc phục hậu quả tiêu cực của sự lạm dụng điều chỉnh.
Càng lạm dụng điều chỉnh thì chi phí tuân thủ, chi phí áp đặt sự tuân thủ và chi phí thi hành lại càng tăng. Sự tốn kém quá mức vì điều chỉnh pháp luật có thể góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc mưu sinh của người dân, sự tăng trưởng của kinh tế và sự hùng cường của đất nước.
Để khắc phục hậu quả của sự lạm dụng điều chỉnh pháp luật, trong mấy nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã phải tìm cách cắt giảm các thủ tục hành chính và các loại giấy phép. Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ: thủ tục, giấy phép phát sinh bởi những đạo luật cũ vừa bị cắt giảm thì thủ tục, giấy phép phát sinh bởi các đạo luật mới đã lại tăng lên.
Từ những phân tích nêu trên, để giải quyết vấn đề lạm dụng điều chỉnh, quan trọng nhất là chúng ta phải đổi mới tư duy lập pháp. Cân đối giữa tự do và điều chỉnh là quan trọng nhất để có một hệ thống pháp luật phù hợp với các chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền.
Tự do cần thiết cho sự chủ động, sáng tạo và sự phát triển vượt bậc. Nhưng tuyệt đối hóa tự do có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ và sự bất ổn.
Điều chỉnh giúp bảo đảm trật tự và sự ổn định, nhưng lạm dụng điều chỉnh có thể tạo ra sự tốn kém và "xiềng xích" trói chặt chân tay của người dân và các tiềm năng của đất nước.
Chính vì vậy, sự anh minh nằm ở khả năng cân đối giữa tự do và điều chỉnh. Đây là một phép cân đối động. Chúng ta cần phải xây dựng năng lực thể chế để bảo đảm phép cân đối này, bao gồm năng lực hoạch định chính sách lập pháp của Chính phủ và năng lực kiểm soát việc ban hành pháp luật của Quốc hội.
Phi điều chỉnh hóa phải là nội dung trọng tâm của những cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta trong thời gian sắp tới.
Chúng ta cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại giấy phép và các quy định pháp lý làm phát sinh chi phí không cần thiết. Cách làm hợp lý nhất ở đây là khi nhận biết các "nút thắt" do pháp luật gây ra, chúng ta cần nhanh chóng sửa đổi văn bản để hủy bỏ ngay những quy phạm bất hợp lý.
Đối với những dự luật chuẩn bị ban hành thì cần phải thẩm định rất kỹ về sự cần thiết của chúng. Quốc hội cần có một phiên thảo luận riêng cho từng dự luật về sự cần thiết này.
Dù đề cao nhà nước pháp quyền, tôi vẫn cho rằng "đức trị" luôn quan trọng. Đạo đức của mỗi cán bộ, công dân sẽ giúp pháp luật được tuân thủ nghiêm minh, hiệu quả hơn - TS Lê Hồng Hiệp nhận định.