Lâm Đồng: Hơn 23 ha rừng biến mất trong một dự án trồng rừng
Sau một dự án trồng rừng, trồng cao su tại Lâm Đồng, 23,01 ha rừng bị mất. Thời gian mất rừng khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực.
23,01 ha rừng bị mất từ năm 2010 tới 2018 trong một dự án trồng rừng, trồng cao su tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Thời gian để xảy ra mất rừng thuộc thời điểm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực. Trên thực tế, diện tích rừng bị mất cao hơn gấp rưỡi.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ngày 2/8 vừa ra kết luận thanh tra toàn diện Dự án Trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng (tại tiểu khu 575, xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai) do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Hải Long (sau đây gọi là Công ty Song Hải Long) làm chủ đầu tư.
Theo bản kết luận, trong 7 năm nhận dự án (từ năm 2009 đến năm 2016), những điều chủ đầu tư đã làm được như tổ chức quản lý bảo vệ rừng; xin phép chuyển mục đích sử dụng 1,4 ha rừng; xin phép khai thác tận dụng lâm sản trên 129,86 ha; nộp 17 triệu đồng tiền thuê đất, hơn 163 triệu đồng tiền thuê rừng, hơn 4,6 tỷ đồng tiền bồi thường giá trị tận thu lâm sản; trồng được 110 ha cây cao su (hiện nay còn 50 ha); 6,61 ha lim xanh; xây dựng nhà ở công nhân, hệ thống chiếu sáng, 20km đường lâm nghiệp.
Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ đầu tư, chưa đưa vào khai thác sử dụng; nhiều hạng mục chưa hoàn thành như trồng rừng, hệ thống nước, hệ thống xử lý môi trường vườn ươm; trồng lim xanh, sưa đỏ là không đúng loại cây trồng theo giấy chứng nhận đầu tư. Nghiêm trọng nhất, 23,01 ha rừng đã bị lấn chiếm, mất trữ lượng rừng.
Về nguyên nhân gây mất rừng, Thanh tra tỉnh cho rằng Công ty Song Hải Long chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư dự án; chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để quản lý bảo vệ rừng; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm…
Những lỗi trên được cho là do Công ty Song Hải Long là doanh nghiệp ngoài nhà nước nên chưa nắm rõ các quy định của nhà nước, nhiều lần thay đổi người đại diện nên việc kế thừa để thực hiện dự án bị thiếu sót; dự án mất nhiều thời gian. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cho rằng các hộ dân lấn chiếm tinh vi; thổ nhưỡng trên đất dự án không hợp để trồng cây cao su.
Về trách nhiệm liên đới, Thanh tra tỉnh cho rằng các Sở NN-PTNT, Kế hoạch và đầu tư, UBND huyện Đạ Huoai và Hạt kiểm lâm huyện “chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, dẫn đến các tồn tại, sai phạm”.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh cung cấp số liệu để Sở Tài chính xác định số tiền phải bồi thường trên diện tích hơn 23 ha rừng bị mất trong quá trình Công ty Song Hải Long trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng để bồi thường thiệt hại; phối hợp với Sở Tài chính xác định giá trị tài nguyên rừng đối với diện tích 9,79 ha trước đây Công ty Song Hải Long đã nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng nhưng ngừng khai thác để cấn trừ vào số tiền bồi thường tài nguyên rừng do để rừng bị mất trong thời gian công ty được cho thuê thực hiện dự án.
Riêng đối với Công ty Song Long Hải, Thanh tra tỉnh yêu cầu hoàn thành việc trồng rừng, xây dựng hệ thống nước, hệ thống xử lý môi trường; xử lý đối với loại cây không đúng chủng loại được phép trồng; xây dựng phương án và trồng lại 38,43 ha đất rừng (gồm: 15,42ha đất rừng mất trước thời điểm bàn giao đất cho Công ty và 23,01 ha đất rừng bị lấn chiếm và khai thác trái phép trong quá trình Công ty triển khai thực hiện dự án), nộp tiền bồi thường do để mất rừng trước ngày 31/12/2022.
15,42ha rừng đã mất trước khi bàn giao làm đất dự ánSở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay diện tích 23,01 ha rừng bị mất thuộc tiểu khu 575, gồm diện tích mất rừng là 22,05 ha và 0,96 ha là diện tích đất không rừng bị lấn chiếm. Tổng trữ lượng lâm sản bị thiệt hại: 1.697,34 m3/22,05 ha và 4.150 cây lồ ô. Thời điểm để xảy ra rừng bị phá, lấn chiếm từ năm 2010 tới 2018, thuộc thời điểm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực. Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai cho hay lâm sản thiệt hại trên diện tích rừng bị phá không thu hồi được, hiện trạng đất là người dân đang trồng điều (báo cáo 157 ngày 25/7/2022 gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh). Đáng lưu ý, Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai cho biết hồi năm 2019, UBND huyện Đạ Huoai đã không đồng ý với kết luận của Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai rằng 16,94ha rừng bị mất trước thời điểm bàn giao cho Công ty Song Hải Long, mà xác định tổng diện tích rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại Công ty Song Hải Long là 31,68ha (gồm 30,54ha rừng bị mất và 1,14ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm) (báo cáo 164 ngày 2/8/2022 gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh). Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai dẫn kết quả viễn thám của Trung tâm thông tin và Dữ liệu viễn thám Cục Viễn thám Quốc gia ngày 15/3/2022, xác định số liệu mất rừng trước khi Công ty Song Hải Long được bàn giao (tháng 3/2009) là 15,42ha. Diện tích thực tế rừng bị mất Công ty phải bồi thường tại dự án là 23,01ha. |
Nguyễn Quân
Lâm Đồng: Phá rừng bị phạt trồng lại rừng
Ngoài phạt hành chính, cá nhân, công ty phá rừng, làm chết thông bị chính quyền tỉnh Lâm Đồng buộc phải trồng rừng trên diện tích đã phá.