Làm dịu mong muốn kiểm soát mọi thứ trong bạn
Làm dịu mong muốn kiểm soát mọi thứ trong bạnNgọc Chi •Thứ năm, 20/10/2022
Tại sao chúng ta khao khát kiểm soát được cuộc sống?
Thực tế, khao khát kiểm soát thường bắt nguồn từ nỗi sợ hãi. Có người hay suy nghĩ tiêu cực đến phát ốm. Bị bủa vây bởi nỗi sợ, họ tìm mọi biện pháp để điều khiển mọi thứ theo cách họ mong muốn như: chỉ trích bản thân và người khác, lập kế hoạch tỉ mỉ, áp đặt ý kiến, kiểm soát các việc từng li từng tí… Các phương pháp này không chỉ gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và chắc chắn sẽ luôn dẫn đến sự thất vọng.
Thực ra sự kiểm soát cũng có mặt tốt là khiến ta luôn cố gắng để làm mọi việc tốt nhất có thể. Vấn đề ở chỗ là chúng ta trở nên quá truy cầu kết quả. Nếu bạn chỉ cảm thấy hạnh phúc khi đạt được chính xác những điều mình mong muốn thì những khoảnh khắc hạnh phúc đó sẽ trở nên ít ỏi và xa vời. Bởi vì cho dù có cố gắng đến mấy thì chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể kiểm soát hoàn toàn được các tình huống xảy ra.
Cuộc sống hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta
Có người muốn kiểm soát người khác từ hành động cho đến cả suy nghĩ, nhưng trên thực tế người duy nhất mà bạn có quyền kiểm soát lại là chính mình. Bạn có thể bảo người khác nên làm gì hay nghĩ gì, hoặc gieo cho họ cảm giác tội lỗi hay sợ hãi, nhưng lại chỉ khiến họ muốn tránh xa bạn, cuối cùng xóa bỏ bất kỳ ảnh hưởng nào của bạn đối với họ.
Bạn có thể kiểm soát một số việc nhỏ như chuyện ăn mặc, còn lại luôn có biến số trong các tình huống khiến mọi việc không diễn ra như ta mong đợi. Cố gắng kiểm soát mọi việc theo đúng ý có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, khó chịu, tức giận hoặc trầm cảm, do đó, có thể dẫn đến một số bệnh về thể chất như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, đau lưng, táo bón hoặc khó tiêu.
Nói tóm lại, chúng ta khó lòng có được sự hài lòng hay hạnh phúc thông qua sự kiểm soát. Khi chúng ta dồn toàn bộ suy nghĩ để lo lắng cho tương lai hay hối tiếc về quá khứ thì sẽ không bao giờ có thể tập trung cho hiện tại. Mà hiện tại lại chính là thời điểm mà chúng ta nên cố gắng để thực hiện các việc.
6 bước làm dịu mong muốn kiểm soát trong bạn
Ngay cả khi bạn cho rằng thật khó để bỏ tính cách này nhưng nó lại thực sự nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nhận thức được hành vi này trong bạn chính là bước đầu tiên để kiểm soát nó.
1 – Chú ý đến hành xử của bạn
Bạn có thể chỉ nhận ra hành vi kiểm soát khi nó đã xảy ra, nhưng đừng lo lắng vì điều này vẫn có giá trị. Bắt đầu viết ra từng sự việc: có thể là một mâu thuẫn, sự chậm trễ do phân tích tình huống quá kỹ lưỡng, tránh đụng phải ai đó hoặc điều gì đó, chỉ trích hoặc suy nghĩ tiêu cực.
Hãy ghi lại cảm xúc của bạn trong mỗi tình huống. Bạn có căng thẳng, thở gấp, hay cảm giác tiêu cực nào khác không? Những khó chịu này sẽ thúc đẩy bạn muốn thay đổi.
Cuối cùng, hãy dành một chút thời gian để nghĩ ra phản ứng phù hợp hơn cho từng tình huống điển hình, có thể viết ra giấy để giúp bạn lưu ý hơn đến tính kiểm soát của mình cho những tình huống tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.
2 – Tìm lý do đằng sau thói quen muốn kiểm soát
Có thể sẽ khó phân tích cảm xúc của bạn khi nó vẫn còn mạnh mẽ, nhưng sau khi bạn đã tích lũy được một số kinh nghiệm qua các tình huống khác nhau, hãy xem lại ghi chú của mình. Có phải thói quen kiểm soát của bạn bắt nguồn từ những sợ hãi mơ hồ? Hay là do một trải nghiệm tiêu cực nào đó trong quá khứ? Bạn có đang thất vọng về một việc nhỏ nào đó nhưng lại có thể ảnh hưởng đến tương lai không?
Trong hầu hết các trường hợp, bạn đều cố gắng điều khiển tình huống theo hướng mà bạn muốn. Vấn đề là có rất nhiều kết quả có thể xảy ra, và khả năng đạt được kết quả lý tưởng mà bạn mong muốn có thể là rất nhỏ. Với thói quen kiểm soát, bạn luôn lo lắng về việc mọi thứ không diễn ra theo ý mình.
3 – Có tư duy thoáng đãng
Thay vì bám cứng vào một kết quả duy nhất, hãy cố gắng nhìn mọi thứ từ một góc độ rộng hơn. Cuộc sống luôn thay đổi và việc thích nghi với các tình huống khác nhau là một phần của sự trưởng thành và học hỏi. Giới hạn bản thân trong một kịch bản sẽ gây ra rất nhiều khó chịu không cần thiết. Lùi lại một bước, tìm kiếm mặt tích cực của những kết quả khác, và bạn có thể thấy rằng không có lý do gì để sợ chúng.
Những người có đầu óc rộng mở luôn cởi mở với những quan điểm mới và dễ tiếp thu những ý tưởng mới. Họ có xu hướng thoải mái trong việc xử lý nhiều tình huống và thể hiện sự thông cảm với người khác, khiến họ trở thành những người đồng hành lý tưởng. Khi chúng ta cố chấp cho rằng con đường của chúng ta là con đường duy nhất thì sẽ tạo ra đủ loại rào cản cho bản thân và những người khác.
4 – Trau dồi lòng tin
Thông thường, người hay ôm đồm mọi việc là do không tin tưởng người khác sẽ làm đúng. Người khác có thể không xử lý tình huống theo cách của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ không hiệu quả. Họ có thể bộc lộ khả năng nếu bạn cho họ cơ hội. Bằng cách thể hiện sự tin tưởng, bạn cho phép họ thể hiện tài năng của mình thay vì bóp nghẹt họ và tạo ra nhiều công việc hơn cho chính bạn.
Nếu bạn là người thiếu tin tưởng vào bản thân thì tính kiểm soát có thể biểu hiện ở sự né tránh do sợ thử những điều mới. Hãy lấy sổ tay của bạn ra, nhìn lại mọi việc và viết xuống những điều bạn đã làm thành công hoặc khiến bạn tự hào. Hãy lưu giữ danh sách này để xem lại khi những suy nghĩ tiêu cực như “Tôi không thể làm được điều đó” xuất hiện. Những suy nghĩ đó không chỉ gây phiền muộn mà còn nguy hiểm, bởi vì chúng có thể định hình con người của bạn.
5 – Chấp nhận thiếu sót
Không ai là hoàn hảo, và tất cả mọi người đều mắc sai lầm – kể cả bạn. Đòi hỏi sự hoàn hảo từ bản thân hoặc người khác sẽ dẫn đến sự thất vọng lớn, bởi vì đó là điều không thể.
Thực tế đáng buồn là bạn không có quyền kiểm soát cuộc sống xung quanh mình. Tất cả những gì bạn có thể làm là cố gắng hết sức mình, và hãy tin rằng mọi thứ đều có lý do đằng sau dù có rõ ràng hay không. Khi mọi việc không như ý, hãy xem đó như một cơ hội để phát triển bản thân. Khi bạn phải đối mặt với một tình huống không thoải mái, hãy coi nó như một thử thách và sẵn sàng đối diện với nó. Khi bạn bị tổn thương hoặc bị xúc phạm, hãy thử nghĩ về những thời điểm mà bạn có thể đã làm như thế với người khác và coi như đó là để trả nợ.
Hãy quan sát vũ trụ rộng lớn để nhận ra rằng mỗi chúng ta đều nhỏ bé và tầm thường biết bao. Theo một cách tâm linh, có lẽ tất cả chúng ta chỉ đang diễn một vai nhỏ trong một sự sắp đặt vĩ đại. Đi ngược lại với trật tự đã được sắp đặt có thể tạo ra một mớ hỗn độn, nên hãy chấp nhận với những gì đang có, thuận theo số phận và sống với hiện tại.
6 – Kiểm soát bản thân
Điều tốt nhất bạn có thể làm là hướng sự kiểm soát về phía bản thân – không phải theo cách mắng mỏ, chỉ trích – mà theo cách sẽ khiến bạn thay đổi tích cực hơn. Hãy vứt bỏ đi nỗi sợ hãi, mong muốn được thoải mái và mong muốn được kiểm soát. Điều đó không hề khó một khi bạn quyết định rằng bạn muốn buông tay.
Để có động cơ giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ hãi và truy cầu, hãy xem xét cách mà thói quen kiểm soát của bạn đang tác động tiêu cực đến bản thân và những người khác.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang mang trên vai một gánh nặng lớn hoặc đang nỗ lực hết sức để bơi ngược dòng. Sau đó, bạn quăng gánh nặng đi hoặc bơi xuôi dòng, bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Sau đó bạn có thể tự hỏi tại sao mình đã làm việc chăm chỉ như vậy nhưng không đi đến đâu.
Người xưa khuyên chúng ta nên sống “thuận theo tự nhiên”. Nếu chúng ta thực hiện được điều này thì mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái thay vì cứ va vấp tới lui.
Ngọc Chi, Vision Times
Time blocking - kỹ năng ‘đơn giản nhưng có võ’ giúp bạn tăng năng suất làm việc
Bạn có đang ngập chìm trong công việc cả ngày? Đã đến lúc bạn cần học cách “time blocking” lên lịch trình để tăng năng suất làm việc của bạn.