Làm điện mặt trời ngay trên đầm An Khê, thuộc di tích văn hóa Sa Huỳnh?
Đầm nước ngọt An Khê được Hội đồng Di sản quốc gia đề nghị bổ sung vào danh sách di chỉ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, nhưng hai nhà đầu tư vừa đề xuất làm dự án điện mặt trời ngay trên mặt đầm.
Điện mặt trời không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Còn di tích, di sản mất đi là mất mãi mãi.
GS.TS LƯU TRẦN TIÊU
(nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, nguyên chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia)
Trong khi Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng đầm An Khê (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cần được bảo tồn theo Luật di sản, kỳ vọng trong tương lai có thể xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, tỉnh Quảng Ngãi trong tháng 4 vừa qua đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị thẩm định, bổ sung đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia.
Còn giới chuyên gia, người dân địa phương đề nghị giữ nguyên đầm An Khê bởi di sản mất đi sẽ không thể có lại.
Đầm An Khê "gánh" dự án điện mặt trời
Đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347ha, chiều dài nhất đo được 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km. Đầm có nước quanh năm.
Năm 1909, các nhà khảo cổ học phương Tây đã khảo cổ quanh khu vực đầm An Khê và phát hiện mộ chum cùng nhiều vật dụng là dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh...
Đã 113 năm từ phát hiện đầu tiên, giới khảo cổ học trong nước đã mở rộng các cuộc khai quật phát hiện văn hóa Sa Huỳnh khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và khẳng định không gian quanh đầm An Khê là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh (một trong 3 nền văn hóa quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam).
Đến nay, đáy đầm An Khê vẫn chưa được khai quật, giới nghiên cứu di sản đánh giá đầm còn chứa đựng nhiều bí ẩn của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.
Tuy vậy, Công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống đang đề xuất dự án nhà máy điện mặt trời đầm An Khê với quy mô 33,9ha và công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có dự án nhà máy điện mặt trời Đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng đề xuất với quy mô 32,8ha và công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành của hai dự án này là quý 4-2024.
Hai dự án này sẽ phủ mặt nước đầm An Khê nếu thực hiện.
Dự án sẽ phá nát di sản
Ông Lê Tấn Chuẩn, tổ trưởng tổ dân phố Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh), cho biết bà con đã nghe qua dự án điện mặt trời ở đầm An Khê.
"Lâu nay, đầm là sinh kế của hàng ngàn người dân Phổ Khánh, Phổ Thạnh với nghề đánh bắt hải sản và làm nông. Hiện bà con đã khai thác du lịch, chở khách tham quan đầm. Dự án điện mặt trời không được đụng đến đầm An Khê, người dân cũng không đồng ý đâu", ông Chuẩn nói.
Còn ông Trần Văn Trung (60 tuổi), người khai thác hải sản trực tiếp trên đầm, cho biết: "Đây là nguồn sống của người dân bao đời. Dự án này đi ngược lại mong muốn của người dân, nguyện vọng của chúng tôi là bảo tồn nguyên trạng.
Các nhà nghiên cứu vào cuộc đánh giá thêm giá trị văn hóa của đầm An Khê và vùng đất này, sớm công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó thu hút du khách đến tham quan, tạo nguồn sống lâu dài cho bà con".
Người dân không đồng tình, còn các chuyên gia di sản, văn hóa, khảo cổ kịch liệt phản ứng và cho rằng dự án sẽ phá nát di sản, di tích, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
PGS.TS Tống Trung Tín, chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nguyên trạng đầm An Khê vì đây là không gian của người cổ Sa Huỳnh, liên quan đến lịch sử dân tộc. Nếu mất đầm An Khê thì sẽ không còn cái đầm thứ hai trên thế giới mang giá trị tương tự và chắc chắn sẽ không cứu vãn được.
Còn GS.TS Lưu Trần Tiêu cho biết từ năm 2019, sau khi khảo sát thực địa và lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia đầu ngành, ông đã ký văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi đề nghị không thực hiện dự án điện mặt trời ở đầm An Khê.
PGS.TS Bùi Văn Liêm, phó chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu khác. Theo ông, việc thực hiện dự án điện mặt trời ở đầm An Khê là không phù hợp bởi đầm An Khê gắn chặt với không gian của văn hóa Sa Huỳnh.
"Di chỉ khảo cổ Tràng Kênh ở Hải Phòng, nơi có một công xưởng chế tác đồ trang sức có niên đại cách đây 3.500 năm, đã không còn khi dự án triển khai. Đây là sự tiếc nuối rất lớn.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói mà tôi vẫn nhớ câu này "Đất nước chúng ta sẽ có 1.000 nhà máy ximăng, nhưng di chỉ Tràng Kênh vĩnh viễn không còn". Vậy nên còn có thể giữ, hãy cố gắng giữ", PGS.TS Bùi Văn Liêm nói.
Tạm dừng rồi đề nghị
Năm 2017, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và ý kiến của UBND tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có kết luận thống nhất chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại khu vực đầm An Khê. Sau đó, các chuyên gia văn hóa có văn bản đề nghị không làm dự án điện mặt trời ở đầm An Khê. Các dự án sau đó "đi vào quên lãng".
Đến ngày 15-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với chủ đầu tư và các sở ngành về dự án này.
Nhiều ý kiến cho rằng khu vực đề xuất dự án chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Phổ đến năm 2035, chưa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch chung phát triển điện quốc gia, khu vực đề xuất dự án còn có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh, đầm An Khê đã được đưa vào khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, dự án có thể gây cản trở trong việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt...
Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Hoàng Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu tạm dừng dự án và đề nghị các bên liên quan đánh giá lại.
Thế nhưng, ngày 19-4 tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung dự án điện mặt trời ở đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia.
Theo Bộ Công thương, những dự án dưới 1 MW không có thỏa thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép, nên bộ có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn để triển khai, cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh, khắc phục sai phạm.