Làm công ty quốc tế - mục tiêu của nhiều người vì lương tính theo đô, nhưng vì sao dù tuyển dụng “khốc liệt” mà vẫn không ít người mơ để được vào

Chia sẻ Facebook
07/08/2022 00:02:41

Phỏng vấn tuyển dụng luôn có ít nhất 3 - 4 vòng, từ kiểm tra năng lực đến bài test tâm lý vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người. Nhưng các công ty/tập đoàn quốc tế luôn là một nơi cực “quyến rũ” đối với các nhân viên văn phòng hiện nay.

"LÀM CÔNG TY QUỐC TẾ LÀ MỘT DẤU MỐC CẦN CÓ TRONG SỰ NGHIỆP"?

Dĩ nhiên ở đây chúng ta không nói tất cả, vì mỗi một ngành nghề sẽ có một thị trường và quy mô hoạt động khác nhau. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay với nhiều người làm trong các lĩnh vực đặc thù, có khả năng phát triển hoặc mở rộng quy mô ra nhiều quốc gia khác nhau đang được xem là một trong những môi trường làm việc lý tưởng của nhóm người lao động nói chung và giới trẻ nói riêng. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, khi Việt Nam trở thành quốc gia tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á, thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp quốc tế đến đầu tư lại càng mở ra nhiều cơ hội cho những ai mong muốn được làm tại môi trường này.

Tuy nhiên, để làm việc tại các công ty/tập đoàn quốc tế lại không phải là một câu chuyện dễ vì các yêu cầu luôn cao, chưa kể nhân sự thường phải có các tính cách hoặc sự hiểu biết về chuyên môn đặc thù, vừa hiểu thị trường trong nước lại vừa có góc nhìn để giúp công ty tiếp cận và phát triển các thị trường nước ngoài mà họ mong muốn. Trái lại, chính vì các yêu cầu đặc biệt và gắt gao so với mặt bằng chung nên thường nhân viên sẽ nhận lại được không ít các "đặc quyền" mà trong đó, thứ thu hút nhất chính là mức lương và cơ hội cọ xát.

Theo nhiều người đã và đang làm việc tại các công ty quốc tế cho biết lương ở đây luôn được quy ra theo đô Mỹ và nếu so với các công ty nội địa thì khá cao, chưa kể còn có những đãi ngộ khác tùy vào cấp bậc và địa điểm công tác. Nên đa phần với những bạn trẻ có năng lực, hoặc những ai mong muốn có một mức lương cao thường xem đây là nơi làm việc lý tưởng, thậm chí là một "dấu mốc" để làm đẹp CV, thuận lợi trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình sau này.

Tuy nhiên, liệu sự lựa chọn này có đúng đắn hay không vẫn là một câu hỏi khó vì còn tùy thuộc vào mục tiêu, mục đích lẫn tính cách của mỗi người. Nên chúng ta sẽ thử lắng nghe các câu chuyện thực tế dưới đây để biết vì sao có người lại chọn làm hoặc chọn rời khỏi các công ty quốc tế?

CHỌN CÔNG TY QUỐC TẾ VÌ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC ÍT QUY TẮC NGẦM, CHỈ CHÚ Ý ĐẾN NĂNG LỰC

Chị Phương Thanh

"Khoảng thời gian mới bắt đầu đi làm, phải nói mình đang từ một người hướng ngoại trở thành người hướng nội vì không thể thích ứng được các quy tắc ngầm trong công ty cũ. Những buổi tiệc lớn như Tất niên, người không biết uống rượu như mình phải nốc liên tục vì lí do "người nhỏ tuổi phải mời rượu". Chuyện giao tiếp ngoài công việc trở nên khiêng cưỡng khi phải nịnh bợ, khen mát lòng các cấp trên. Dù trên văn bản mình có người quản lý trực tiếp, nhưng khi báo cáo mình cần phải thông qua thêm vài người vì chuyện này bỗng dưng liên quan đến chuyện tôn trọng hay không. Không ai mở miệng bắt mình làm điều gì, nhưng những quy tắc ngầm này nếu làm lâu và quan sát đều nắm được".

"Ở công ty quốc tế mình nhận thấy rằng các sếp khá linh động về mặt thời gian hơn cho nhân viên, không cứng nhắc đi làm 8 tiếng một ngày, và trong công việc cũng khá thoải mái và linh động điều phối theo trường hợp."

"Khi làm việc với các đồng nghiệp là người nước ngoài, họ rất thẳng tính, khi góp ý hay có phản biện tiêu cực sẽ không nói lòng vòng hoặc nói giảm nói tránh như đồng nghiệp người Việt Nam. Cấp trên của mình là người Châu Âu, anh ấy thường quan tâm đến kết quả hơn quá trình, không cần biết mình làm gì chỉ cần biết kết quả mình bàn giao như thế nào."

Anh Hoàng Phụng cùng đồng nghiệp trong công ty quốc tế mà mình làm

"TÔI NGHỈ VIỆC VÌ KHÔNG NGẤM ĐƯỢC "HOẠT ĐỘNG" NÓI XẤU NHAU VÀO GIỜ CƠM TRƯA

Chị Ngọc Thơm chia sẻ câu chuyện của mình rằng, đã từng đưa ra quyết định nghỉ việc đối việc công việc mà mình yêu thích chỉ vì quá sợ hãi "những cuộc nói chuyện bàn tròn" - biến những bữa ăn chung của nhóm thành đại ngộ kể xấu, chê bai, móc mỉa người vắng mặt.

Chị Thuỳ Trâm

"Bây giờ các công ty Việt Nam nhân sự bắt đầu trẻ dần, và các bạn thế hệ mới với tính cách năng động, hiện đại cũng biến môi trường làm việc trở nên thoải mái và lành mạnh hơn nhiều. Mấy năm trước, liên tục 2 công ty mình làm đều có một văn hoá tiêu cực là "nói xấu đồng nghiệp". Không phải chỉ ra khuyết điểm để góp ý nhưng không đến mức nói xấu để tẩy chay, hội này chỉ nói xấu để những ai chưa có cơ hội tiếp xúc với đồng nghiệp đó trở nên thiếu vui vẻ để hỗ trợ họ hơn, và sếp cũng mất thiện cảm với người đồng nghiệp đó.

Những bữa trưa chung hằng ngày mình ngồi chung cứ phải nghe bên tai rất khó chịu, dần dà mất thiện cảm với cả bộ phận mà mình đang làm việc cùng. Chuyển sang công ty quốc tế, làm việc trực tuyến với nhau, mình đỡ phải bức xúc hay rước tiêu cực vào người".

"Mình nghĩ rằng chuyện nói xấu, ganh tị với đồng nghiệp thì có nơi có nơi không, không nhất thiết đó phải là công ty Việt Nam hay công ty quốc tế. Tuy nhiên chuyện tiêu cực này ở diễn ra ít hơn ở công ty quốc tế có chăng chỉ vì nhân sự đa quốc gia, nên chuyện làm việc, tiếp xúc ngoài đời với nhau không nhiều để thích hay không thích ai đó thôi."

LÀM GIỜ HÀNH CHÍNH NHƯNG CÓ KHI HỌP BAN ĐÊM VÌ KHÁC MÚI GIỜ VỚI ĐỒNG NGHIỆP

Nếu chuyện ít tiếp xúc cùng đồng nghiệp vì ở khác quốc gia mang lại mặt lợi là khó phát sinh những đấu đá nội bộ, chia bè phái phức tạp thì mặt hại là những bất cập khi "teamwork online".

Anh Hoàng Phụng

"Khi làm việc ở công ty nước ngoài, mình sẽ phải làm việc với những đồng nghiệp ở nước khác, khác múi giờ nên giờ họp và giờ làm việc có thể bị thay đổi, có khi còn diễn ra vào giờ cơm tối hay sáng sớm chưa đến giờ vào ca.

Bạn của mình cũng gặp vấn đề tương tự, cậu ấy làm việc ở công ty của Hàn Quốc, chính vì chuyện khác nhau về múi giờ nên điều gì liên quan đến thời hạn, thời gian đều rất khắt khe."

Dẫu làm việc tại một công ty quốc tế hay một công ty Việt Nam, thì đa số người ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng công việc của một nhân sự vì các vấn đề bên lề là những người làm cùng văn phòng của họ là chính. Và những người làm tại công ty quốc tế có văn phòng đặt tại Việt Nam cũng là người Việt Nam, nên không thể đánh đồng chuyện tốt là do làm ở công ty quốc tế và tiêu cực là vì công ty Việt Nam có tư tưởng dân công sở thời cũ. Huống chi hiện nay khá nhiều công ty Việt Nam chú trọng đến đời sống cho nhân viên khi áp dụng theo mô hình campus (khu nhà văn phòng tích hợp thư giãn, giải trí, thể thao, cây xanh, cảnh quan...). Cùng đó là tổ chức các hoạt động giao lưu, gắn kết thường xuyên.

RỜI KHỎI CÔNG TY QUỐC TẾ VÌ MỌI THỨ QUÁ SÒNG PHẲNG VÀ ĐÔI LÚC CÓ TIẾNG CHỨ KHÔNG CÓ MIẾNG

Nếu các sự lựa chọn trên là một bước đi đúng đắn thì với anh Long (35 tuổi), từng làm việc tại công ty đa quốc gia chuyên về Truyền thông nói: "Để có thể nhận được lương cao và có chỗ đứng ở các công ty đa quốc gia thì bạn phải có chỗ đứng, là người mang lại được lợi ích cho công ty. Còn với những bạn sinh viên trẻ nào cho rằng cứ ra trường và ứng tuyển thành công mà có lương nghìn đô thì xin lỗi... Việc bạn được nhận vào một công ty có tiếng trên toàn cầu đó đã là đặc quyền với bạn. Đôi khi các vị trí thực tập sinh ở các công ty nội địa còn nhận được lương hỗ trợ thì với một số công ty quốc tế "được làm việc với chúng tôi đã là lương của bạn rồi", đừng nghĩ vội về các mức lương tính theo đô như nhiều người nói.

Tuy nhiên nếu bạn trụ lại được ở những công ty này thì chắc chắn CV của bạn sẽ rất đẹp và thường trong ngành của tôi, đa phần mọi người sẽ làm để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng góc nhìn và tạo dựng danh tiếng, chỗ đứng trong nghề thì ra ngoài lập công ty riêng hoặc làm ngược lại cho các công ty nội địa để nhận được mức lương cao hơn là chuyện xảy ra vô cùng thường xuyên.

Chia sẻ Facebook