Làm ‘cộng tác viên online’, nạn nhân bị chiếm đoạt đến 400 trăm triệu đồng
Tin lời quảng cáo việc nhẹ lương cao, người phụ nữ ở Hà Nội đã chuyển 400 triệu đồng cho kẻ lừa đảo mà không nhận được hoa hồng như cam kết.
Tin lời quảng cáo việc nhẹ lương cao, công việc là đặt lệnh làm nhiệm vụ mua bán sản phẩm, người phụ nữ ở Hà Nội đã chuyển gần 400 triệu đồng cho kẻ lừa đảo mà không được hưởng hoa hồng như lời cam kết.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại xã Đông Hội về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra ban đầu, do thấy trên mạng xã hội Facebook có đăng quảng cáo tuyển cộng tác viên online, chị T. (SN 1982, trú huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) liền đăng ký ứng tuyển.
Theo chị T, người đăng tin tuyển việc cho biết việc làm của người ứng tuyển là đặt lệnh làm nhiệm vụ mua bán sản phẩm để tăng tương tác và chị sẽ được hưởng hoa hồng.
Tin vào lời giới thiệu việc nhẹ lương cao, không cần làm nhiều mà vẫn có tiền, chị T. đã chuyển gần 400 triệu đồng cho người đăng tuyển để làm nhiệm vụ. Sau đó, thấy mình không được nhận hoa hồng như lời cam kết, biết đã bị lừa, chị T. trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Tương tự, ngày 24/2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Cao Bằng cho biết cũng đang điều tra đơn trình báo của chị N. (SN 1993, trú phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng) về việc bị lừa đảo hơn 600 triệu đồng khi ứng tuyển làm việc online trên mạng.
Cụ thể, ngày 16/2 trước đó, thấy trang Facebook trên mạng xã hội có tên Khối TD YOD 2023, quảng cáo cần tuyển cộng tác viên kinh doanh thời trang, lợi nhuận trên 300 nghìn đồng/ngày, chị N. truy cập vào trang trên tìm hiểu thì được một tài khoản tên Quỳnh Anh chủ động nhắn tin, hướng dẫn chị N. cài đặt ứng dụng có tên TimeBucks, tạo tài khoản, làm nhiệm vụ sẽ được nhận hoa hồng cùng tiền thưởng.
Tin lời, chị N. đã làm theo hướng dẫn, ban đầu chị N. chuyển 500.000 đồng làm nhiệm vụ thì được thông báo trả hoa hồng 650.000 đồng. Sau đó, thấy công việc này kiếm tiền dễ dàng, chị N. tiếp tục làm nhiệm vụ và chuyển số tiền ngày càng lớn hơn.
Lúc này, kẻ lừa đảo cứ thông báo lỗi và cho rằng chị N. không hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu chị nếu muốn rút được tiền thì phải tiếp tục nhiệm vụ khác. Cứ nhiều lần như vậy, chỉ đã chuyển hơn 600 triệu đồng vào nhiều tài khoản của những người lạ này.
Cuối cùng, biết bị lừa, chị N. đã trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, để tránh mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo, khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Khi phát hiện nghi vấn lừa đảo, nạn nhân cần báo cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý.
Thạch Lam
Bán sim rác, vật phẩm 'phong thủy': Gần 59.300 nạn nhân bị lừa đảo
Trong đường dây lừa đảo do đôi vợ chồng ở Bắc Ninh điều hành, có tới 59.292 nạn nhân tại 40 tỉnh, thành phố bị lừa tổng cộng gần 14 tỷ đồng.