Làm căn cước công dân, tìm được chị em song sinh: 'Mẹ ơi, đã tìm được em rồi!...'
Những người ở Phú Yên được cho là chị em ruột của bà Mai Thị Bền (ở xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) kể lại câu chuyện vì sao bà thất lạc gần 50 năm.
Hai người chị ruột xúc động khi tìm được thông tin về em gái thất lạc gần 50 năm - Video: DUY THANH
Sau khi Công an thị xã Hoài Nhơn cho hay bà Mai Thị Bền nhờ làm căn cước công dân mà được công an tìm ra thông tin về người chị em song sinh ở địa phương khác, tối 19-5, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã về thôn Hà Yến (xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên) để tìm hiểu.
"Giá mà mẹ tôi còn sống"
Nhà bà Đỗ Thị C (62 tuổi, người được công an xác định là chị em song sinh với bà Mai Thị Bền) nằm sâu trong xóm đê bên sông Ngân Sơn. Lúc chúng tôi đến, bà C và người chị lớn là Đỗ Thị Xâu (68 tuổi) đang thắp hương trước bàn thờ tổ tiên và di ảnh mẹ.
"Mẹ ơi, đã tìm được em rồi!", bà Xâu khấn mẹ và báo. "Mấy chị em mới biết tin hôm qua nay. Công an đến chụp căn cước công dân và sổ hộ khẩu nhà tui. Rồi tiếp đó, công an ở thị xã Hoài Nhơn điện thoại vào báo là tôi có thể là chị em ruột với một người ở ngoài đấy. Biết được tin, mấy chị em tui mừng, khóc miết".
Khi phóng viên mở máy, đưa xem hình bà Mai Thị Bền, cả bà Xâu lẫn bà C đều òa khóc. "Trời ơi, sao mà nó giống con C đến từng nét một vầy. Giá mà mẹ tui còn sống để bà gặp lại con cho mãn nguyện. Mấy chục năm, mẹ tui khóc hết nước mắt vì thất lạc mất đứa con rứt ruột đẻ ra" - bà Xâu nói, hai dòng nước mắt lăn dài trên má.
Bà Xâu kể gia đình bà có 5 chị em, gốc ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Bà là chị lớn nhất, rồi tới người em trai, sau đó là hai đứa em gái sinh đôi, rồi đến cô gái út.
"Dì Bền là Đỗ Thị B, tên do cha mẹ tui đặt. Dì C là chị của dì B là bởi dì B sinh ra trước, phong tục ở đây cứ song sinh, người đẻ sau là anh, chị" - bà Xâu giải thích.
Người chị cả kể cha bà do đau bệnh nên mất sớm, một mình người mẹ khốn đốn nuôi 5 đứa con thơ.
"Hồi đó chiến tranh, mấy mẹ con tui từ dưới An Ninh Đông lên ở khu tập trung tại thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An. Do quá khổ cực, nên hễ ai nhận tụi tui về ở, ẵm em là mẹ tui cho đi liền, để người ta nuôi ăn, mẹ đỡ cực nhọc.
4 đứa lớn tụi tui chia nhau đi ở 4 nhà khác nhau, chỉ dì út còn nhỏ nên mới ở nhà với mẹ. Đi ở cho người ta chỉ trông coi, ẵm con nhỏ của họ thôi, chứ không làm việc gì vì mình quá nhỏ", bà nhớ lại.
Theo lời kể của bà Xâu, lên 9-10 tuổi, bà B đi ở đợ, ẵm con cho nhà ông Y, sĩ quan pháo binh chế độ cũ, nhà ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An.
"Ông Y thương con B, xin mẹ tui để nhận nó làm con nuôi, nhưng mẹ tui không chịu. Vài năm sau, ông Y chuyển công tác ra Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định) nên xin mẹ tui cho con B đi theo để ẵm em.
Mấy năm tiếp sau đó là giải phóng nên B bị lạc. Từ bấy đến nay, mấy mẹ con chúng tôi không biết đâu mà tìm" - bà Xâu lại khóc.
Nóng lòng gặp lại nhau
Phần mình, bà Đỗ Thị C kể bà chỉ nhớ là có em gái sinh đôi.
"Hồi nhỏ xíu, tui và B hay rủ nhau đến nhà máy gạo của bà Thọ ở Phú Tân xin gạo để mấy mẹ con nấu cháo, nấu cơm. Khi B đi ở nhà ông Y, tui ở nhà một gia đình ở Chí Thạnh (Tuy An, Phú Yên). Sau đó gia đình này chuyển lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và mang tui theo.
Tới chừng giải phóng, nhờ có người quen cùng làng, cũng đi ở nhưng lớn tuổi hơn, biết đường dẫn tui về lại quê nhà" - bà C hồi tưởng.
"Từ khi được tin em B tới giờ, mấy chị em tui nóng lòng mong gặp em quá. Nhưng các chú công an ở Hoài Nhơn nói B đang đi công chuyện ở tỉnh nào đó trong miền Nam, khi nào về họ sẽ báo" - bà Xâu mong mỏi.
Sáng 20-5, chúng tôi đến nhà bà Mai Thị Bền ở xã Hoài Châu Bắc, cửa nhà đóng kín. Nói chuyện với phóng viên qua điện thoại, bà Bền cho biết bà có công chuyện riêng phải vào TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) một thời gian.
Khi được nhắc một số thông tin từ lời kể của những người chị ruột ở huyện Tuy An, bà Bền nói chỉ nhớ có người chị sinh đôi, rồi được mẹ cho đi ở nhà người ta khi còn nhỏ, ngoài ra không nhớ gì nữa.
"Ngày giải phóng, tôi đi lạc trên quốc lộ 1. Có một thanh niên phát hiện, đưa vào làng ở xã Hoài Châu, sau đó được cha mẹ nuôi nhận nuôi nấng, lớn lên thì gả chồng về ở Hoài Châu Bắc đến nay" - bà Bền kể.
Bà Bền cho hay cũng đang sắp xếp công việc để sớm về lại quê hương chôn nhau cắt rốn, gặp lại các anh chị em ruột và bà con họ hàng mà bà đã thất lạc gần 50 năm qua.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, quá trình xử lý vướng mắc trong hồ sơ cấp căn cước công dân cho bà Mai Thị Bền, Công an thị xã Hoài Nhơn phát hiện bà có thể là song sinh với bà Đỗ Thị C ở huyện Tuy An (Phú Yên) vì gương mặt "giống như đúc".
Sau khi truy xuất thông tin, liên hệ xác minh và kiểm chứng, công an cho biết bà C có người chị em song sinh đã thất lạc từ năm 1975 đến nay chưa tìm thấy, nên thông tin có thể hai người này là chị em của nhau.
Nhờ làm căn cước công dân, một phụ nữ ở xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tìm được thông tin của người chị em sinh đôi thất lạc từ năm 1975.