Làm cách nào một lệnh cấm vận đánh vào các công ty Nga có thể khiến thị trường kim loại toàn cầu chao đảo?

Chia sẻ Facebook
09/10/2022 19:09:57

Một vài trong số các công ty lớn nhất thế giới có thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi sàn giao dịch kim loại sôi động nhất toàn cầu.

Sàn giao dịch kim loại London (LME) đang cân nhắc một số lựa chọn trong đó có cả lệnh cấm áp dụng ngay lập tức đối với nhôm được chuyển tới từ Nga.

LME vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng hôm 6/10 đã bắt đầu quá trình thảo luận kéo dài 3 tuần về khả năng cấm kim loại Nga từ tháng 11.

Trên lý thuyết, một lệnh cấm như vậy có nghĩa là các kim loại từ Nga sẽ không được chấp nhận tại bất cứ nhà kho nào thuộc mạng lưới của LME trên toàn cầu. Các nhà kho này là nơi bảo quản các kim loại sẽ được giao đi khi các hợp đồng tương lai đáo hạn. Hiện Nga chiếm khoảng 9% sản lượng nickel, 5% sản lượng nhôm và 4% sản lượng đồng toàn cầu.

Mặc dù là 1 công ty tư nhân thuộc sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán và Bù trừ Hồng Kông, quyết định của LME sẽ có những tác động rất lớn đến cách định giá và giao dịch kim loại trên toàn thế giới.

Phần lớn kim loại của thế giới được các nhà sản xuất bán trực tiếp cho các thương nhân và người tiêu dùng, không cần đến các nhà kho của LME. Và nhiều nhà sản xuất lớn (trong đó có những công ty hàng đầu của Nga như United Co. Rusal International PJSC và MMC Norilsk Nickel PJSC) không bao giờ bán kim loại trực tiếp trên sàn LME.

Tuy nhiên, LME có một số vai trò hết sức quan trọng.

Đầu tiên, đây là thị trường cuối cùng cho ngành kim loại. Hàng trong các kho của LME có thể bù đắp nguồn cung khi thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt. Ngược lại, khi thị trường dư cung, hàng tồn kho sẽ được chuyển về LME.

Trong các tháng gần đây, do lo ngại về sức khỏe kinh tế thế giới, các trader dự báo thị trường kim loại sẽ bị dư cung, đặc biệt là nhôm. Vì một số người mua tránh xa kim loại từ Nga, họ dự báo sẽ có hàng trăm nghìn tấn nhôm được chuyển tới LME.

Nếu như LME ngừng nhập nhôm của Nga, quyết định đó sẽ tác động mạnh nguồn cung trên thị trường nhôm thế giới. Khi Bloomberg lần đầu đưa tin về kế hoạch của LME vào tuần trước, giá nhôm ngay lâp tức tăng 8,5% - mức tăng trong ngày mạnh nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư từng dự báo sẽ có 1 lượng lớn nhôm Nga đổ về LME giờ đây vội vã đảo vị thế.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, giá vẫn tăng khoảng 10% so với tuần trước, khi giá chạm mức thấp nhất 19 tháng.

Sở dĩ LME cân nhắc ngừng tiếp nhận nhôm từ Nga là bởi vì lo ngại sẽ “trở tay không kịp”. Khi nhiều khách hàng từ chối nhôm Nga, số hàng đó sẽ “tràn ngập” trong các nhà kho của LME, khiến giá nhôm giao dịch trên sàn LME không còn được coi là giá tham chiếu cho thị trường thế giới.

Và LME cũng phỉa nhanh chóng hành động trước khi các nhà sản xuất Nga vội vã chuyển nhôm đến sàn trước khi các lệnh giới hạn chính thức có hiệu lực.

Bất kỳ động thái nào của LME cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng chảy nhôm trên toàn cầu. Ví dụ, một số hợp đồng giữa các nhà sản xuất, thương nhân và người tiêu dùng có điều khoản quy định hàng hóa phải “có thể được giao đến LME” (LME deliverable). Một lệnh cấm từ LME sẽ khiến hợp đồng vô hiệu.

Các ngân hàng cũng thường quy định rằng giao dịch mà họ tài trợ phải đáp ứng điều kiện “LME deliverable”, bởi vì họ muốn đảm bảo rằng nếu có vấn đề xảy ra thì số hàng hóa đó sẽ dễ dàng được mua bán trên LME.

Kết quả là bất kỳ động thái nào của LME cũng sẽ khiến Rusal và Nornickel cũng như các khách hàng lớn nhất của họ đau đầu. Ví dụ, Glencore có nhiều hợp đồng dài hạn mua nhôm từ Rusal. Các công ty này cũng khó có thể sử dụng những kim loại mua từ các công ty Nga làm tài sản đảm bảo.

Đối với các nhà sản xuất Nga, lệnh cấm của LME có thể buộc họ phải chấp nhận mức giá thấp hơn. Hiện Nornickel đã xem xét các lựa chọn để có thể chuyển hướng sang các thị trường phương Đông nếu như các lệnh cấm vận phá vỡ cấu trúc kinh doanh hiện tại, CEO Vladimir Potanin chia sẻ trong buổi phỏng vấn với RBC TV hồi tháng 9.


Tham khảo Bloomberg

Chia sẻ Facebook