Làm cách nào để đưa “500 tấn vàng” trong dân vào trong đầu tư, kinh doanh?
Ngân sách Nhà nước chắc chắn rất thiếu, doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cũng không thể đủ nguồn tài chính. Như vậy, chỉ có nguồn tiền từ trong dân. Nhưng làm thế nào để thu hút dòng tiền trong dân cho phát triển bất động sản nghỉ dưỡng?
Đó là câu hỏi đầy trăn trở của GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Trong các hội thảo, diễn đàn, GS. Đặng Hùng Võ luôn đánh giá cao về tiềm năng của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
"Tôi vẫn thường gọi đó là một trong những "lẽ sống" của nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế Việt Nam, nếu không dựa vào một số "điểm chốt" như vậy để phát triển thì chúng ta phát triển bằng gì? Nếu Việt Nam lấy du lịch làm trọng tâm để phát triển kinh tế, với tiềm năng du lịch lớn tại Việt Nam và với con người Việt Nam có khả năng "bươn chải" trong lĩnh vực du lịch thì đó là điểm mạnh rất lớn của kinh tế Việt Nam. Nhưng muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì điểm nhấn cần quan tâm là đầu tư cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. Để phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng thì phải có vốn đầu tư".
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, dù họ có tiềm lực nhưng nguồn vốn sẵn chỉ có thể "lo" được một hai khách sạn theo kiểu cũ là "mệt nhoài", không thể phát triển được các mô hình nghỉ dưỡng lớn, rộng khắp theo hướng "toàn dân làm du lịch". Vậy, chỉ có giải pháp là chúng ta tạo điều kiện để hút vốn từ người dân dưới danh nghĩa của các nhà đầu tư thứ cấp để phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng.
Vậy "500 tấn vàng" trong dân, làm cách nào để khuyến khích lượng tài sản của dân để đưa vào trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh…? Câu trả lời chính là phát triển bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, theo ông Võ, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt với những rắc rối, hệ luỵ như tranh chấp xung quanh giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư. Các dự án bị thanh tra liên quan tới vấn đề pháp lý chưa rõ ràng của một số loại hình. Nguồn cơn của tất cả hệ luỵ này đến từ sự phát triển thiếu khung pháp lý điều chỉnh của bất động sản du lịch-nghỉ dưỡng mà khởi đầu là sự quanh quẩn trong tư duy phát triển.
"Tại sao chúng ta không học tập kinh nghiệm của các nước công nghiệp, họ không có hạn chế là chỉ có đất ở mới được sở hữu lâu dài, mà tất cả các loại đất nếu muốn sở hữu lâu dài hay ngắn hạn đều được, tùy thuộc 11 vào nhu cầu sử dụng, quy hoạch và quản lý bằng công cụ tài chính là thuế. Nếu muốn sở hữu lâu dài, vĩnh viễn phải đóng thuế cao, 70 năm thì thuế thấp hơn, 50 năm sẽ thấp nữa, thậm chí 10 năm thì được miễn thuế. Ví dụ như vậy, các nước họ làm điều này rất đơn giản. Bên cạnh đó, một số nước hoàn toàn không cho quyền sử dụng đất lâu dài đối với mọi loại đất kể cả đất ở. Có thể lấy ví dụ như tại Trung Quốc, Singapore, Israel,…"
Trong khi đó, ở Việt Nam, thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng vướng bởi vấn đề xin chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất. Ngoài ra, còn nhiều thủ tục quá phức tạp mang tính gây khó khăn cho người tham gia, làm cho thị trường khó phát triển, kinh tế thiếu minh bạch.
Hệ quả, các nhà đầu tư, người thì bị kẹt tiền trong các dự án đất nhà ở, các dự án phát triển thương mại, dịch vụ… Đáng lẽ ra chúng ta phải tạo điều kiện dễ chịu nhất cho các nhà đầu tư. Họ đã chịu khó bỏ tiền, nhưng sau đó thì vốn bị "mắc" tại các dự án, không cách nào giải quyết nổi.
Còn một bộ phận nhà quản lý đang ở tâm lý "chim sợ cành cong", không dám quyết định theo thẩm quyền sẵn có.
Ông Võ cho rằng, việc cần làm là phải thay đổi cách xây dựng luật pháp, rõ ràng đến mức các quy định chỉ có một cách hiểu, không thể biện minh cho cách hiểu sai lệch, cũng không thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn và chồng chéo trong thực thi. Đó mới là luật pháp thực sự.
"Việc sớm có quyết sách tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, gỡ rối pháp lý cho địa phương là rất cần thiết để phát triển kinh tế du lịch sau một khoảng thời gian dài "nằm yên" vì Covid-19", ông Võ nhấn mạnh.