Làm báo thời nay…
Có lẽ chưa bao giờ mà người làm báo chịu áp lực như bây giờ.
Một mặt là do mạng xã hội phát triển, cạnh tranh quyết liệt, một cách vô đích và cả có chủ đích với báo chính thống.
Mạng xã hội thậm chí mạnh như một thế lực, đến nỗi nhiều nhà hàng sợ các Youtube r, dẫu về nguyên tắc họ chả có quyền gì cả, ấy thế mà họ từng là nỗi khiếp đảm của các nhà hàng. Và, ngay Facebook, nhiều nhà hàng, các điểm dịch vụ cũng từng sống dở chết dở với một cái ảnh quăng lên kèm một lời tố cáo, thậm chí chỉ là chê vu vơ.
Thậm chí tới các đám ma của những người nổi tiếng hoặc bị cho là nổi tiếng cũng không thoát khỏi các Youtuber, Facebooker khi họ chen chúc để livestream. Trước có câu chuyện vui về nghề báo là một con chó bị xe cán chết, ngay lập tức ông làm tin xông tới, đo đạc, hỏi han ngày giờ các cái rồi chạy về nhà viết tin. Tiếp là ông chụp ảnh, tới bấm bấm các góc. Rồi ông viết phóng sự, tới la cà hỏi chủ chó, hàng xóm của chó, tính nết của chó, người lái xe, hoàn cảnh người lái, màu xe... cuối cùng thì ông... nhà thơ tới, xách con chó về... làm thịt. Nhưng giờ, khi mà một nhà báo được tích hợp rất nhiều nhà cả tin cả ảnh cả bình luận, thậm chí cả... làm thơ, thì ông ấy chỉ việc ngồi ở nhà, mở điện thoại ra xem các Youtuber, Facebooker... livestream và... tường thuật hoặc viết tin hoặc phóng sự hoặc bình luận, kể cả... làm thơ.
Một mặt nữa thì là độc giả rất tinh, có nhiều kênh thông tin để kiểm chứng, và cũng... lười đọc nữa.
Họ chỉ cần liếc qua các tin trên mạng, ít có thời gian đọc dài. Không cần truy nguyên nguồn gốc tin. Và đấy chính là nguồn để tin giả tin xấu tin không kiểm chứng lan tràn.
Nên người làm báo chính thống bây giờ phải vượt lên được những điều ấy để đến với độc giả và được độc giả đón nhận.
Các cơ quan báo chí giờ đã thay đổi rất nhiều để thích nghi. Ấy là sự đầu tư trang thiết bị để trở thành những cơ quan truyền thông đa phương tiện. Trong báo giấy có báo online, có truyền hình, có podcast, trong phát thanh có truyền hình có báo giấy và trong truyền hình cũng thế...
Báo chí chính thống bây giờ cạnh tranh với mạng xã hội bằng chính uy tín nghề nghiệp của mình. Đấy là sự chính xác, sự có đầu có đũa, thấu đáo, ngọn ngành, sự mạch lạc đủ đầy và chuyên nghiệp.
Chưa hết, phải viết hay.
Hay không có nghĩa là ê a dài dòng nửa văn nửa báo một thuở. Hay là vẫn chính xác thông tin nhưng được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ đời thường nhất, nhưng vẫn phải chuẩn ngôn ngữ Việt, tiếng Việt. Nó là một thứ văn trong sáng hài hòa hợp ngữ cảnh để chuyển tải nội dung một cách đơn giản dễ hiểu và sang trọng nữa.
Để khi chỉ cần thông tin vu vơ thậm chí là sự kiện đang diễn ra người ta ngó mạng, nhưng muốn chính xác thì phải chờ báo ra. Riêng cái đoạn chờ báo ra thì mạng xã hội đang hơn báo chính thống, vì mạng xã hội là trực tiếp, còn báo chính thống phải qua các khâu sản xuất. Nhưng chính vì thế mà báo chính thống có lợi thế, ấy là người đọc muốn hiểu ngọn ngành, muốn tường tận, muốn biết lý do- hậu quả, quan điểm xử lý... thì phải chờ báo chính thống.
Và vì thế, các nhà báo chuyên nghiệp một mặt luôn luôn phải tự nâng mình lên, mặt khác cũng luôn cần tự tin ở nghề của mình.
Chưa nói các mạng xã hội khác, chỉ nguyên Facebook thì bây giờ đúng là mỗi Facebooker đang là một nhà báo. Và phải công nhận, có những Facebooker không phải nhà báo nhà văn nhưng viết rất hay. Tôi tham gia vài nhóm ô tô trên mạng vì thích lái xe, thấy nhiều ông tài xế viết rất hay, như những bút ký trên đường, giới chuyên nghiệp gọi là du ký ấy. Viết sinh động và đầy thực tiễn, có những nhận xét hết sức dí dỏm, có duyên và gây cười khi đọc. Để gây cho độc giả cười khi đọc không dễ nhé. Cũng như thế, mấy cái trang tường thuật trực tiếp lậu bóng đá trên mạng ấy, tại sao dân xem đông dù biết là nó phát lậu, vì mấy anh bình luận viên nói rất hay, vui nhộn, tạo cảm giác nhẹ nhõm khi xem, và kiến thức chuyên môn của họ cũng khá tốt, họ nói bằng một ngôn ngữ đời thường chứ không lên gân như mấy bình luận viên chuyên nghiệp.
Ở chiều ngược lại, bạn bè tôi là nhà báo nhà văn có Facebook rất đông, nhưng không phải ai cũng trở thành “hot phây”. Có nhiều lý do, có người không thích, có người dồn hết tâm trí cho báo, “phây” chỉ là chỗ để chơi, giải khuây mỗi ngày vân vân, nhưng cũng có lý do là họ không có duyên với bạn đọc.
Đúng là có những việc có thể viết phây mà không thể đăng báo, và ngược lại có những việc đăng báo được nhưng nếu đăng phây thì không ai đọc.
Nhưng, tại sao ta không thử kết hợp hai thứ ấy trong một nhỉ?
Nhiều nhà báo đã làm được việc ấy.
“Phây” là nơi để họ giao lưu với độc giả, để lấy thông tin, luyện chữ, nuôi cảm xúc... thì rõ ràng nó rất có ích cho nghề. Và khi có độc giả rồi thì họ đưa link báo về. Dùng phây như báo để truyền thông tin chính thống, để phục vụ bạn đọc một cách đĩnh đạc đàng hoàng.
Nhiều tờ báo giờ cũng có Zalo, Facebook, có Fanpage, có bài hay là họ đăng lên đấy.
Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để làm báo là một hướng đi đúng. Và, chính khi các báo sử dụng mạng xã hội thì đấy là cách tốt nhất hướng độc giả tới tin chính thống một cách nhanh nhất.
Người làm báo chân chính thì rõ ràng không thể chạy theo “ thời tiết xã hội”, a dua theo nó, nhưng rất cần biết “thời tiết xã hội” để cung cấp thông tin cho xã hội ấy.
Chỉ có cung cấp thông tin chính thức một cách đàng hoàng, đĩnh đạc, chúng ta mới chống được tin xấu, tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Bởi ngoài những người xấu, chủ đích sản xuất và đưa thông tin sai, thông tin giả... thì còn lại là do cả tin, share tiếp mà luôn nghĩ mình đúng, mình nhanh...
Nhớ một năm nào đấy, một ông cũng nhà báo, trong cơn hưng phấn gì đấy, share tiếp cái ảnh một ông quan tham của Trung Quốc ôm gái nhậu, mà chú thích thành cô giáo của một tỉnh đi tiếp khách. Tất nhiên là ê chề, là bị kỷ luật, nhưng hệ lụy để lại không nhỏ, dù ông này ngay lập tức bị xử lý, bị thu thẻ...
Thế nên thêm một việc nữa mà nhà báo chuyên nghiệp phải có, ấy là khả năng lọc thông tin. Giữa ma trận tin hiện nay, phải phân biệt được cái nào thật cái nào giả cái nào nên cái nào không? Điều này không dễ, bởi nó vừa đòi hỏi trình độ phân tích vừa là sự nhạy cảm nghề nghiệp. Thiếu một trong hai sẽ sa vào mê hồn trận ngay. Thì trong vụ Covid vừa rồi, một vài nhà báo đã bị thông tin giả lừa dù tâm họ rất tốt.
Và rõ ràng, bây giờ đang có rất nhiều nhà báo giỏi. Tồn tại giữa thời mà ai cũng là nhà báo được này, mình là nhà báo thứ thiệt tồn tại được, không bị chìm lỉm giữa biển thông tin, biển người người làm báo ấy là một thành công. Và khẳng định được chỗ đứng của mình nữa, thì chúng ta yên tâm làm báo tiếp...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.