Lạm bàn về doanh nhân
Doanh nhân, theo Wikipedia, là người giải quyết các vấn đề cho người khác để kiếm lợi nhuận. Ở Việt Nam, doanh nhân là một từ được giới truyền thông sử dụng để xác định một tầng lớp gắn với thành phần kinh tế tư nhân xuất hiện sau những năm 1990.
Lạm bàn về doanh nhân
Lần lại lịch sử ở Việt Nam, có lẽ giới doanh nhân có tiền thân là giới công thương, và Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13-10, được ra đời từ năm 2004 dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng chính là ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương Việt Nam (ngày 13-10-1945).
Thời điểm năm 1945 đương nhiên là không có khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc thành phần kinh tế nhà nước. Nên cũng đương nhiên là giới công thương/doanh nhân chỉ gồm những người có tư bản (nhà tư bản), bỏ vốn thuê người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nào đó.
Năm 2011, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết này dường như cũng xác định giới doanh nhân là giới chủ doanh nghiệp tư nhân, không liên quan gì đến DNNN hay khu vực kinh tế nhà nước.
Vào thời điểm được xây dựng, Nghị quyết 09 hay trước đó là quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam đã có một nền kinh tế đa sở hữu, gồm cả DNNN và DNNN được cổ phần hóa (tư hữu hóa) nhưng có một phần sở hữu của Nhà nước, hay DNNN liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài… Ngay đối với doanh nghiệp tư nhân, cũng có doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu cá nhân hoặc doanh nghiệp/công ty cổ phần, nơi các cá nhân chỉ sở hữu một phần doanh nghiệp thông qua phần góp vốn của mình.
Nếu thực sự muốn đề cao, tôn vinh, động viên tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, dám dấn thân, không ngại mạo hiểm, khó khăn, dốc hết tâm sức và tài lực để làm giàu cho bản thân và xã hội thì chí ít hãy tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, minh bạch để những doanh nhân chân chính không phải “tâm tư”… |
Nếu coi doanh nhân là chủ nhân của các doanh nghiệp, theo đúng nghĩa đen là sở hữu 100% doanh nghiệp, thì chắc giới doanh nhân Việt Nam sẽ bị giảm đáng kể về mặt số lượng thành viên. Nên chắc Bộ Chính trị hay Thủ tướng Chính phủ hồi đó cũng không chặt chẽ gì câu chữ mà xác định giới doanh nhân bao gồm luôn cả giới chủ sở hữu… một phần của mọi doanh nghiệp tư nhân (phi nhà nước).
Và tất nhiên là giới chủ một phần này chắc cũng phải tham gia lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh để được gọi là doanh nhân, chứ không thì chỉ là… cổ đông, dù là phổ thông hay chi phối.
Nhưng như vậy thì lại không thể bỏ sót giới vừa là quản lý, vừa là chủ sở hữu một phần ít nhất là các DNNN đã được cổ phần hóa (nhưng Nhà nước vẫn nắm đa số sở hữu) hoặc doanh nghiệp liên doanh với DNNN, thậm chí DNNN được thành lập mới có một phần vốn của Nhà nước. Trong các doanh nghiệp này, không ít trường hợp người quản lý, lãnh đạo cũng đồng thời là cổ đông/chủ sở hữu, thậm chí còn nắm một lượng cổ phần đáng kể (nhờ được mua với giá ưu đãi).
Cùng với quá trình cổ phần hóa, con số doanh nghiệp loại này sẽ ngày càng tăng, càng… đòi hỏi tính công bằng trong việc “trả lại tên” cho giới lãnh đạo doanh nghiệp này là… các doanh nhân cho tương xứng với giới doanh nhân bên ngoài.
Nhưng đến đây rồi thì lại cần sự công bằng trên khía cạnh sở hữu chi phối. Doanh nhân trong các DNNN hoặc doanh nghiệp liên quan đến DNNN (cổ phần hóa, liên doanh, nơi Nhà nước vẫn nắm trên, ví dụ, 50% sở hữu) vẫn phải chịu sự chi phối của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, khó mà đánh đồng với sự hầu như là tự quyết của giới doanh nhân ở các doanh nghiệp tư nhân, phi nhà nước.
Do đó, cũng cần phải có sự phân biệt giới doanh nhân thành doanh nhân… nhà nước (quốc doanh) và doanh nhân tư nhân những lúc cần phải vậy, tương tự như khi cần phải phân biệt DNNN với doanh nghiệp tư nhân, mà không thể gọi chung là doanh nghiệp được (chẳng hạn trong vấn đề lương).
Nhân ngày Doanh nhân 13-10, giữa thời buổi muôn trùng khó khăn như hiện nay, nếu được hỏi ước muốn và được tôn vinh bằng cách cho lựa chọn, chắc có một số doanh nhân muốn mình là doanh nhân nhà nước (doanh nhân quốc doanh)!
Cũng là doanh nhân, nhưng doanh nhân quốc doanh thì “sướng” hơn doanh nhân tư nhân nhiều. Bởi vẫn có cơ hội biến “của công thành của ông”, đôi khi thua lỗ thì được “treo” ở đó, hoặc tìm mọi cách hà hơi tiếp sức. Thậm chí, lúc thua lỗ triền miên đến âm nặng cả vốn chủ sở hữu mà vẫn có thể thản nhiên đòi chi thưởng cho cán bộ công nhân viên với lý do “để động viên” tinh thần (tất nhiên người lao động trực tiếp được một thì “doanh nhân” lãnh đạo được vài phần).
Tất nhiên, chuyện rạch ròi và ước muốn về tên gọi như trên là điều có lẽ ít ai nghĩ tới hoặc bận tâm. Nhưng như vậy thì nó lại chỉ ra tính hình thức của tên gọi và sự tôn vinh “doanh nhân”.
Nếu thực sự muốn đề cao, tôn vinh, động viên tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, dám dấn thân, không ngại mạo hiểm, khó khăn, dốc hết tâm sức và tài lực để làm giàu cho bản thân và xã hội thì chí ít hãy tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, minh bạch để những doanh nhân chân chính không phải “tâm tư”, không phải bất an với hiện trạng dường như pháp luật không bảo vệ mình đủ mức, và cũng không phải xấu hổ hay chạnh lòng khi phải đứng chung hàng ngũ với mấy “doanh nhân quốc doanh” kể trên.
Thanh Đào
TBKTSG