Lãi suất tiết kiệm giảm, áp lực đẩy dòng vốn cho vay nửa cuối năm 2023

Chia sẻ Facebook
17/07/2023 08:55:18

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng với mức 14% cho toàn hệ thống. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm được ghi nhận giảm dần trong 2 tháng qua.

NHNN Việt Nam lựa chọn nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, mất động lực xuất nhập khẩu. (Ảnh: sbv.gov.vn)

Theo đó, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% sẽ tương đương quy mô tín dụng có thể giải ngân trong nửa cuối năm 2023 bình quân khoảng 180.000 tỷ đồng mỗi tháng, cao hơn so với con số 122.000 tỷ đồng nếu tính theo chỉ tiêu tăng trưởng 11% công bố trước đó, Công ty chứng khoán Maybank IB (MSVN) ước tính.

Theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng đang là mục tiêu của NHNN Việt Nam, điều này nhằm hỗ trợ nền kinh tế tìm lại động lực tăng trưởng trong nửa cuối năm.

Chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể của từng ngân hàng sẽ khác nhau, nhưng có thể nhận thấy thách thức giải ngân cuối năm sẽ rất lớn, khi con số tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6 mới đạt 4,73% so với cuối năm 2022.


“Quyết định này là chỉ báo cho thấy NHNN đang tiếp tục chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hơn là tạo ra một thay rất lớn nào về triển vọng tăng trưởng tín dụng chung trong năm nay” , nhóm phân tích của MSVN đánh giá.

Nhóm này cũng dự báo rằng tổng tín dụng ước tăng cao nhất khoảng 12%, trong bối cảnh các động lực cho vay chính chậm lại, trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, tiêu dùng.

Tăng trưởng kinh tế khó khăn trong nửa đầu năm 2023 là nguyên nhân chủ yếu khiến NHNN tiếp tục phát tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong khoảng 4 tháng qua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 316,6 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 56,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 164,4 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 22,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và trị giá nhập khẩu ước đạt gần 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% (tương ứng giảm 33,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6 năm 2023 ước tính thặng dư chỉ gần 2,6 tỷ USD.

Tình hình xuất khẩu liên tục giảm từ cuối năm 2022 đến nay khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng.

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam – doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn nhất ở TP.HCM vừa tiếp tục thông báo dự kiến cắt giảm thêm hơn 5.700 lao động trong tháng 6 và 7.

Trước đó, vào tháng 2/2023, công ty này cũng đã cắt giảm hơn 2.300 lao động.

Hôm 15/7, theo khảo sát của báo Dân trí, CBBank là ngân hàng duy nhất còn áp dụng mức lãi suất tiền gửi trên 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng này từng giảm lãi suất xuống dưới 8%/năm, nhưng sau đó đã quay trở lại mức cũ.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7, gần 20 tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Các ngân hàng trong nước đều đưa lãi suất trung bình về dưới 8%/năm.


Đức Minh

Xuất nhập khẩu giảm hơn 56 tỷ USD, thu ngân sách của Việt Nam giảm hơn 19%

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 56,5 tỷ USD. Kéo theo thu ngân sách từ hoạt động này giảm hơn 19%.

Chia sẻ Facebook