Lãi suất tăng nhanh so với đầu năm khiến người vay thấp thỏm, gánh nợ tăng thêm

Chia sẻ Facebook
24/10/2022 10:53:26

Lãi suất cho vay tiêu dùng và sản xuất đang được các ngân hàng thương mại đẩy lên sau một khoảng thời gian “chạy đua” thu hút vốn vừa qua. Theo đó, vay cá nhân hiện lên quanh 13%-15%/năm và vay doanh nghiệp lên 9%-12%/năm, tăng khoảng 2%-4%/năm so với đầu năm tùy hình thức vay.

Ngân hàng SCB nâng lãi suất tiền gửi lên 8,9%/năm, gần cao nhất hệ thống

Cuộc đua lãi suất khiến những tháng cuối năm người đi vay thấp thỏm và thêm gánh nặng trả nợ. (Ảnh minh họa: PrasongTakham/Shutterstock)


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất điều hành từ hôm 23/9, kéo theo cuộc chạy đua lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản, trong bối cảnh “room” tín dụng không còn nhiều trong những tháng cuối năm.

Theo ghi nhận của Trí Thức VN, nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất tiền gửi lên sát ngưỡng 9%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ví dụ như ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết lãi suất 8,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng và cao nhất là 8,85%/năm cho kỳ hạn 36 tháng (theo chương trình Tiết kiệm Phát Lộc Tài)

Ngân hàng Techcombank đưa ra chương trình Tiết kiệm Phát lộc Online với mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn từ 12 – 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Chị Hoàng Oanh (TP.HCM) cho biết tại thời điểm giải ngân hợp đồng vay kỳ hạn 12 tháng của một ngân hàng (không nêu tên), lãi suất chỉ 8,5%/năm. Tuy nhiên, trong kỳ trả lãi mới đây, chị Oanh phải trả số tiền lãi và gốc cao do lãi suất cho vay tăng lên 10%/năm, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Trong khi đó, anh T.V.H. (Hà Nội) cho biết đã “choáng váng” khi nhận được thông báo lãi suất khoản vay mua nhà tăng lên 14%/năm, thay vì 8,5%/năm như hiện nay.


“Khoản vay của tôi đã hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi theo thị trường, nhưng tăng mạnh như vậy tôi không biết sẽ phải xoay xở như thế nào” , anh H. cho hay.

Đầu năm 2022, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 7 – 8%/năm nhưng nay đã là 9 – 10%/năm. Còn lãi suất cho vay mua nhà, mua xe… được thả nổi ở mức 12,5 – 14,5%/năm. Có ngân hàng tăng lên 15%/năm với lý do “nước lên thuyền lên”, cũng theo Tuổi Trẻ.

Tín hiệu “cuộc đua lãi suất” xuất hiện, NHNN bơm thêm 60.000 tỷ đồng

Không riêng các khoản cho vay cá nhân mua nhà, mua xe, ngay cả những khoản vay của doanh nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng chịu chung xu hướng tăng lãi suất này.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, gia công cơ khí tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết trong khoản vay mới nhất phát sinh với ngân hàng, lãi suất doanh nghiệp của ông phải chịu đã tăng gần 2%/năm so với các khoản vay từ cuối năm trước, theo Zing.


“Thay vì mức lãi suất hơn 8%/năm như trước, khoản vay mới nhất doanh nghiệp tôi nhận được từ ngân hàng quen có lãi suất gần 10%/năm. Trong khi mọi điều kiện của khoản vay, tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn không hề thay đổi so với đầu năm” , vị Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ.

Với khách cũ vay tiêu dùng đang áp dụng lãi suất thả nổi (biên độ 3,5 – 4%/năm so với lãi suất cơ sở), hiện mặt bằng trong nhóm ngân hàng tư nhân (top 10) dao động 12,5 – 13,5%/năm.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết trong bối cảnh lãi suất tăng cao trên toàn cầu, nếu lãi suất tiền VND không tăng lên sẽ dẫn tới câu chuyện dịch chuyển dòng vốn từ nơi có lãi suất thấp đến nơi lãi suất cao.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng trong bối cảnh hiện nay, áp lực lên lãi suất huy động và cho vay là rất lớn. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều gặp khó trong việc cung ứng và tiếp cận nguồn vốn để phục vụ nhu cầu của mình.


Thiên Tùng

Tỷ giá trần USD vọt lên gần ngưỡng 25.000 đồng với biên độ mới 5%

Với biên độ lên 5% và việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy tỷ giá trung tâm lên mức 23.637 đồng đã khiến tỷ giá trần USD đạt mốc 24.818 đồng.

Chia sẻ Facebook