Lãi suất tăng đang khiến chứng khoán thế giới chao đảo, nạn nhân tiếp theo sẽ là kinh tế toàn cầu?
Thị trường tài chính quốc tế đang ở trong đợt điều chỉnh đau đớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính.
Đối mặt với triển vọng lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên đáng kể, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc đã lên đến 4% - cao nhất kể từ 2010. Trên toàn cầu làn sóng bán tháo cổ phiếu diễn ra mạnh mẽ, và các danh mục đầu tư trái phiếu cũng thua lỗ 21% kể từ đầu năm đến nay – một mức cao đáng kinh ngạc.
Trong khi đó đồng USD “đè bẹp” mọi đối thủ. Đồng bạc xanh đã tăng giá gần 5,5% kể từ giữa tháng 8, không chỉ bởi vì Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mà còn bởi nhà đầu tư đang quay lưng với các tài sản rủi ro.
Trên khắp châu Á, chính phủ các nước ráo riết hành động để đồng nội tệ không giảm giá quá sâu. Còn tại châu Âu, nước Anh bằng những bất cẩn khi điều hành chính sách tài khóa lại khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Với lợi suất trái phiếu tăng cao, những nền kinh tế nặng nợ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ở trong trạng thái mong manh nhất kể từ năm 2012 – khi họ chìm trong khủng hoảng nợ công.
Nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường hỗ loạn là cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Vì đã thất thế trước làn sóng giá cả tăng cao kể từ khi lạm phát bằng đầu tăng trong năm 2021, giờ đây Fed càng gặp nhiều bất lợi. Các quan chức Fed dự định sẽ tăng lãi suất liên bang lên mức gần 4,5% vào cuối năm nay và cao hơn nữa trong năm 2023.
Triển vọng lãi suất tăng đang bao phủ và tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính Mỹ. Lãi suất của 1 khoản vay thế chấp kỳ hạn 30 năm tăng lên gần 7%. Lợi suất trái phiếu rác tăng lên mức hơn 9% - khiến lượng phát hành nợ mới sụt giảm nghiêm trọng.
Các môi giới từng bảo lãnh cho những thương vụ mua lại dùng đòn bẩy khi lãi suất thấp bất chợt nhận ra mình đang thua lỗ hàng trăm triệu USD. Các quỹ hưu trí tập trung vào những tài sản tư nhân hòng thu về mức lợi suất cao giờ đây bị thiệt hại vì các tài sản rủi ro sụt giá mạnh.
Nhưng bên ngoài nước Mỹ mới là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. USD tăng giá khiến các nhà nhập khẩu năng lượng chịu thiệt dù họ vốn đang phải đối mặt với những đợt tăng giá không ngừng nghỉ. Để bảo vệ đồng nội tệ, Trung Quốc tung ra những chính sách khiến nhà đầu tư khó bán nhân dân tệ hơn. Hôm 28/9, đồng tệ ở thị trường hải ngoại đã rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với USD.
Ấn Độ, Thái Lan và Singapore đều đã can thiệp vào thị trường tài chính để bảo vệ đồng tiền của mình. Theo số liệu từ JPMorgan Chase, dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế mới nổi ngoại trừ Trung Quốc đã giảm hơn 200 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay – mức giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ gần đây.
Thông thường thì các nền kinh tế phát triển luôn luôn có thể thích ứng với đồng USD mạnh, nhưng đã có một vài vết nứt bắt đầu xuất hiện. Trong danh sách những đồng tiền diễn biến tệ nhất năm 2022 có một vài đồng nội tệ của các nước thuộc nhóm này. Ngày 20/9, Thụy Điển phải tăng lãi suất 1% nhưng đồng nội tệ vẫn đang giảm giá so với USD.
Ở Anh, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cũng không giúp nước này có thể thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. NHTW Hàn Quốc đang cho quỹ hưu trí quốc gia vay dự trữ ngoại hối để có thể giảm mua USD trên thị trường mở. Tại Nhật, Chính phủ đã can thiệp bằng cách mua vào đồng yên lần đầu tiên trong thế kỷ này, bất chấp NHTW vẫn kiên định với chính sách lãi suất siêu thấp.
Một phần nguyên nhân khiến tiền tệ của các nền kinh tế phát triển đang phải chịu áp lực là do nhiều NHTW không thể bắt kịp với tốc độ thắt chặt tiền tệ của Fed. Theo tạp chí Economist nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ sớm đẩy châu Âu vào suy thoái. Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng từ việc kinh tế Trung Quốc suy giảm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có 2 vấn đề nổi cộm: đại dịch và thị trường bất động sản.
Đồng USD mạnh khiến vấn đề lạm phát của nước Mỹ được “xuất khẩu” sang những nền kinh tế yếu hơn. Họ có thể hỗ trợ đồng nội tệ bằng cách tăng lãi suất tương ứng với Fed, nhưng cái giá phải trả sẽ là tăng trưởng. Nước Anh là ví dụ điển hình. Thị trường dự báo NHTW Anh sẽ nâng lãi suất lên cao nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển vào năm tới nhưng đồng bảng đã sụt giá rất mạnh. Nếu NHTW tiếp tục hành động, thị trường nhà ở Anh có thể sụp đổ.
Kể cả nền kinh tế Mỹ, nơi đã tỏ ra rất vững vàng trước những làn gió ngược liên tục dội vào kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay, cũng được dự báo sẽ khó có thể đứng vững trước cú sốc lãi suất. Giá nhà đang giảm dù không mạnh, nhiều ngân hàng sa thải nhân viên. Hai tập đoàn được coi là “phong vũ biểu” của nền kinh tế Mỹ là FedEx và Ford mới đây đưa ra những cảnh báo về lợi nhuận.
Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ bắt đầu tăng lên. Một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ngay lập tức sẽ giúp giả cả ổn định trở lại. Sẽ là “điên rồ” nếu Fed chấp nhận mức lạm phát theo năm lên tới 8,3%. Tuy nhiên lãi suất tăng là điều gây tổn hại nhiều hơn cho nền kinh tế.
Tham khảo The Economist