Lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh: Chỉ là hiện tươbgj tạm thời
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng vào khoảng từ 5 - 7%, nhà điều hành chắc chắn sẽ kéo lãi suất xuống trong thời gian tới.
Theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) trong phiên giao dịch ngày 5/10 đã tăng lên 8,44%/năm. Đây là mức tăng cao nhất, phá kỷ lục lãi suất đạt đỉnh ngày hôm qua (7,88%/năm) và sau 10 năm qua.
Hiện tượng lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng đột biến xuất hiện trong khoảng 1 tuần trở lại đây. Điều này có nghĩa rằng các ngân hàng đang sẵn sàng vay mượn qua đêm lẫn nhau với mức lãi suất cao kỷ lục 8,44%/năm.
Mốc lãi suất cho vay tại thị trường 2 (ngân hàng với ngân hàng) đang cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân) áp dụng với cả những kỳ hạn dài trên 12 tháng.
Trao đổi với Người Đưa Tin , PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho biết: “Lãi suất liên ngân hàng tăng phản ánh tính thanh khoản của các ngân hàng đang thiếu, một số ngân hàng thương mại có thanh khoản chưa cao nên phải tăng cường vay qua đêm. Song, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chỉ tăng tạm thời”.
Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia cho biết: “Việc tăng lãi suất qua đêm liên ngân hàng để tăng giá trị VNĐ so với đồng USD, cũng như ổn định tỉ giá hối đoái ở Việt Nam và hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, từ đó, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này. Ngoài ra, việc này cũng giảm nguồn cung tiền tệ để chống lạm phát”.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng, đây là một tín hiệu dự báo lãi suất có xu hướng tăng lên, khiến tín dụng ngân hàng suy giảm và nhu cầu của thị trường chứng khoán cũng thu nhỏ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, lãi suất qua đêm liên ngân hàng sẽ không tiếp tục tăng. Thanh khoản hiện nay của các ngân hàng tương đối dồi dào và vẫn đảm bảo, thoả mãn yêu cầu quản lý của Nhà nước hiện nay.
“Sự thiếu hụt về thanh khoản chỉ mang tính nhất thời. Một số ngân hàng có nhu cầu về thanh khoản tăng lên trong thời gian các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tích trữ hàng hóa và hoạt động kinh doanh, từ đó, dẫn đến thanh khoản ngân hàng bị thiếu hụt tạm thời”, ông nói.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính kể từ sau quyết định nâng lãi suất điều hành (23/09), NHNN phải bán ra gần 1,9 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong hệ thống và kìm đà tăng của tỉ giá. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán SSI cũng ước tính NHNN đã hút ròng hơn 58,000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ trong 2 tuần gần nhất, đồng nghĩa với việc NHNN đã bán khoảng 2,45 tỷ USD ra thị trường.
Công ty chứng khoán này cũng dự báo NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VNĐ ở vùng 5,0 – 5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỉ giá.
Tiếp theo đó, công ty chứng khoán ACB (ACBS) cũng tính toán rằng, cơ quan quản lý tiền tệ đã bán khoảng 20 tỷ USD từ đầu năm, qua đó rút về lượng lớn VNĐ. Việc NHNN phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thời gian qua cũng khiến nhu cầu VNĐ tăng lên trong hệ thống, từ đó đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao .