Lãi suất ngân hàng 'nhảy múa': Tuýt còi, hãm phanh lãi suất huy động

Chia sẻ Facebook
19/12/2022 07:45:18

Những ngày cuối cùng của năm 2022 cận kề, lãi suất huy động tăng. Trong khi đó, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán lại cấp thiết. PV Tiền Phong đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về diễn biến trên thị trường huy động và cho vay.

Lãi suất ngân hàng 'nhảy múa': Tuýt còi, hãm phanh lãi suất huy động

Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện nay trên thị trường?

Mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường huy động rất cao. Tính đến ngày 14/12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng dao động 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên). So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng tăng 3% - 4% ở kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Nhu cầu tín dụng ở mức cao trong khi hạn mức tín dụng vẫn bị kiểm soát nên gây áp lực lên lãi suất cho vay. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngày 6/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên 1,5 đến 2%. Đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Trước thực tế này, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất và 100% hội viên hiệp hội đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất 9,5% ở tất cả kỳ hạn và không được thưởng liên quan đến lãi suất. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng cũng đồng thuận giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị.

Lãi suất huy động liên tục “nhảy múa”, điều gì đang xảy ra trên thị trường tiền tệ, thưa ông?

Việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng. Điều này thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra. Lãi suất cho vay tăng tương ứng với lãi suất huy động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Niềm tin của thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng, niềm tin của người dân với hệ thống tài chính lung lay. Việc huy động tiền của hệ thống ngân hàng khó khăn bởi tiền của người dân đã nằm phần lớn vào trái phiếu doanh nghiệp. Giai đoạn chịu ảnh hưởng của COVID-19, lãi suất tiết kiệm xuống thấp, người dân rút tiền tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong đó 70% là tiền của người dân. Trong khi đó, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn vì vậy tiền của người dân nằm ở kênh trái phiếu.

Ngoài ra, đang có tình trạng, một số người dân thực sự nhiều tiền không dám gửi tiết kiệm ngân hàng do lòng tin suy giảm. Thậm chí, có xu hướng một số người giàu không gửi tiết kiệm ngân hàng.


2023 lãi suất sẽ hạ nhiệt

Ông nhận định như thế nào về lãi suất năm 2023 . Theo ông, cần có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng lãi suất liên tục tăng?

Hiện nay, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Thu nhập của người dân giảm sút, chỉ đủ chi tiêu, không còn tiền dư để gửi ngân hàng. Doanh nghiệp giảm đơn hàng, khó khăn, trong khi vốn đầu tư công giải ngân chậm. Thậm chí, xảy ra tình trạng các ngân hàng tăng lãi suất cạnh tranh nhau để giữ chân người gửi tiền. Giám đốc một ngân hàng từng chia sẻ với tôi, có trường hợp kỷ luật cán bộ ngân hàng vì để cho khách hàng rút tiền. Thậm chí, có nhân viên ngân hàng để đáp ứng chỉ tiêu, giữ vị trí việc làm cũng phải xoay đủ kiểu để đảm bảo số dư tiền gửi theo đúng chỉ tiêu.

Trong những ngày còn lại của năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao, trong khi nguồn tiền của doanh nghiệp rất hạn hẹp vì khó có thể huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Chỉ là vốn bổ sung cho nền kinh tế nhưng tại Việt Nam, vốn ngân hàng trở thành vốn chủ lực để doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh. Nhiều ngân hàng huy động vốn ngắn hạn để cho vay nguồn tiền dài hạn khiến thị trường vốn méo mó. Thị trường tiền tệ đang phải gồng mình gánh cho thị trường vốn.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc để xác định thực lực của ngân hàng, nhu cầu thật của doanh nghiệp “khỏe” và nới room tín dụng với trường hợp này.

Tôi cho rằng, bước sang đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt.

Khánh Huyền - Quỳnh Nga


Tiền phong

Chia sẻ Facebook