Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng lên
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sáng nay (4/10) tăng vọt, sau những hiện tượng trong ngày hôm qua (3/10).
Lãi suất trên các thị trường lại có đợt biến động mới, theo hướng tăng lên.
Trên thị trường 1, ngày 3/10 thị trường đón thông tin lãi suất huy động VND đã có mức cao tới 8,4%/năm áp dụng cho các món gửi nhỏ từ 10 triệu đồng. Đây là hình thức huy động theo chứng chỉ tiền gửi.
Ngay lập tức đã có thêm một số ngân hàng thương mại (NHTM) cũng thực hiện huy động qua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn, 8,5%/năm, cũng áp cho những khoản tiền gửi món nhỏ.
Điểm được chú ý, qua thông tin nhân viên ngân hàng chào chứng chỉ tiền gửi tới khách hàng, mặc dù kỳ hạn dài và được rút trước hạn nhưng đã có hình thức mời theo lãi suất bậc thang.
Ví dụ khách gửi kỳ hạn 18 tháng lãi suất 8,5%/năm, nhưng rút trước hạn với 6 tháng cộng 1 ngày thì lãi suất sau giảm trừ vẫn được nhận tới 6,7%, 12 tháng cộng 1 ngày vẫn được sau giảm trừ 7,2%/năm…
Trao đổi với phóng viên, một số cán bộ ngân hàng băn khoăn khi tiếp nhận thông tin chào gửi và mua chứng chỉ tiền gửi theo hướng bậc thang nói trên, bởi trong gửi tiết kiệm thông thường hiện không được áp dụng mức độ bậc thang như vậy trong trường hợp khách hàng rút tiền trước hạn, còn chứng chỉ tiền gửi như trên lại áp dụng?
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo NHTM cho biết, khi các ngân hàng khác nâng lãi suất huy động lên tầm 8,4-8,5%/năm thì ngân hàng mình cũng buộc phải nhập cuộc, không hẳn vấn đề thanh khoản và tăng cường huy động vốn bằng mọi giá mà là để giữ chân khách hàng cũ. Theo đó, cạnh tranh lãi suất huy động đã “nóng” dần lên.
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND sáng nay đã có biến động mạnh, tăng vọt ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất VND qua đêm có những giao dịch chào vay lên tới gần 8%/năm, đột biến so với quanh 5%/năm trong tuần qua; các kỳ hạn khác cũng đã giao dịch quanh 7,5%/năm.
Trước diễn biến này, hôm qua (3/10), trên thị trường mở (OMO) cũng đã cho tín hiệu về trạng thái căng dần lên của thanh khoản hệ thống. Ngân hàng Nhà nước vẫn phát hành tín phiếu để hút tiền về nhưng hoàn toàn không có khối lượng trúng thầu. Ngược lại, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ra hỗ trợ suýt soát 3.000 tỷ đồng và đáng chú ý là lãi suất đã lên tới 6,3%/năm.
Như vậy, tại thời điểm này, thị trường đang chứng kiến cùng lúc lãi suất VND tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng, cạnh tranh nóng lên trên thị trường 1 với huy động vốn dân cư và doanh nghiệp, trong khi tỷ giá USD/VND vẫn tăng lên theo hướng VND xuống giá.