Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm
Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên giao dịch 7/9 đã tăng mạnh lên 6,88%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 7/9, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng mạnh 1,17 điểm % lên 6,88%/năm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. Tương tự với kỳ hạn 1 tuần, lãi suất cũng tăng thêm 1,2 điểm % lên 6,83%/năm.
Mặc dù NHNN đã liên tục bơm tiền vào thị trường sau kỳ nghỉ lễ, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà tăng. Ngày 6/9, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng 0,5 điểm % so với phiên trước đó lên 5,71%/năm. Trong khi ngày 5/9, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn này đã tăng hơn 0,18 điểm % so với phiên 31/8. Xu hướng tăng cũng diễn ra tương tự với các kỳ hạn còn lại.
Trong kỳ nghỉ lễ dài, dự báo nhu cầu thanh khoản tăng mạnh, NHNN đã sử dụng kênh mua kỳ hạn nhằm cung cấp thanh khoản cho thị trường. Trong 3 ngày giao dịch (29/8 - 31/8), NHNN đã bơm ra khoảng gần 20.000 tỷ đồng thông qua kênh OMO với lãi suất tăng lên 4,5% cho kỳ hạn 7 ngày.
Ngoài ra, nhờ lượng tín phiếu đáo hạn tương đối lớn (35.000 tỷ đồng), NHNN đã bơm ròng khoảng 53.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở. Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 4,42% trong phiên giao dịch ngày 31/8.
Đầu tuần này, ngày 5/9 và 6/9, NHNN tiếp tục bơm thêm 15.000 tỷ đồng tại mỗi phiên giao dịch với lãi suất từ 4,5 - 4,6%/năm qua kênh OMO. Ngày 7/9, hơn 28.700 tỷ đồng cũng được bơm ra thị trường với số lượng thành viên tham gia và trúng thầu lên tới 16 thành viên.
Như vậy, không chỉ quy mô mà lượng thành viên tham gia "vay nóng" NHNN đang có xu hướng dày lên cho thấy số ngân hàng ''khát'' thanh khoản đang ngày càng tăng. Đồng thời, họ phải chịu lãi suất cao hơn trước rất nhiều so với giai đoạn trước với 4,5%/năm cho kỳ hạn 7 ngày và 4,65% cho kỳ hạn 14 ngày thay vì chỉ 2,5%/năm trước đây.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất VND liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh đến từ nhịp hút ròng mạnh trên 88.000 tỷ của NHNN vào trung tuần tháng 8 (lượng hút ròng theo tuần cao nhất kể từ năm 2019 tới nay). Ngoài ra, hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá của NHNN cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng trong những tuần gần đây.
Mặt khác, nhu cầu thanh khoản gia tăng đến từ việc NHNN chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng. Do đó, một số ngân hàng đã rục rịch cho mở lại hoạt động giải ngân vốn đã bị ùn ứ lâu nay. Điều này cũng lý giải cho diễn biến thanh khoản căng thẳng cục bộ vài ngày gần đây.
Ở một phương diện khác, lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao cũng được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của NHNN nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.
Theo báo cáo chiến lược mới đây của Công ty CP Chứng khoán SSI, NHNN đã linh hoạt sử dụng kênh OMO và tín phiếu nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường và duy trì một mức nền lãi suất liên ngân hàng VND nhằm tạo một khoảng cách an toàn đối với lãi suất USD và giảm tải áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp tục thực hiện bán một khối lượng lớn USD từ dự trữ ngoại hối nhằm hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường. Lãi suất tín phiếu và OMO cũng đã được điều chỉnh tăng so với tháng 7, cho thấy NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng hơn xuyên suốt tháng 8.
Công ty chứng khoán kỳ vọng thanh khoản hệ thống sẽ trở lại trạng thái bình thường trong thời gian tới và NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt sử dụng kênh hoạt động thị trường mở nhằm có thể cân bằng giữa áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.
Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng trở lại ngưỡng trung bình của năm 2021. Thay vào đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trung bình năm 2022 có thể cao hơn 1,2 - 1,5 điểm % so với trung bình năm 2021.
Lãi suất liên ngân hàng bật tăng Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên mức 0,87%/năm, tăng thêm 21 điểm cơ bản trong tuần trước.