Lãi suất không kỳ hạn ở nhiều ngân hàng tăng “đụng” trần 1%/năm

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 06:47:06

Trước động thái giữ chân khách hàng bằng lãi suất, nhiều ngân hàng đã tăng đụng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức 1%/năm.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Ngân hàng VPBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên đụng trần 1%. Trước đó, các ngân hàng như: Techcombank, SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB,… cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn này.

Lãi suất không kỳ hạn của các ngân hàng tăng vọt lên mức trần 1%/năm. (Ảnh: Trí Thức VN)

Từ sau cuộc họp ngày 4/11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại về mặt bằng lãi suất và thanh khoản của hệ thống, mức lãi suất huy động trên 10% không còn xuất hiện công khai trên thị trường. Tuy nhiên, để giữ dòng tiền, nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất kịch trần ở nhiều kỳ hạn khác nhau.

Ngày 7/11, VPBank công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi trên tài khoản thanh toán – Casa) áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức trần là 1%/năm, áp dụng từ ngày 1/11/2022.

Theo đó, khách hàng có số dư tiền gửi dưới 100 triệu đồng, từ 100 – 500 triệu đồng và từ 500 triệu đồng trở lên sẽ hưởng các mức lãi suất không kỳ hạn lần lượt là 0,2%/năm; 0,5%/năm và 1%/năm.

Trong ngày 5/11, ngân hàng Techcombank thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,03%/năm lên 1%/năm, không giới hạn số tiền tối thiểu.

Bên cạnh đó, trong ngày 8/11, nhiều ngân hàng khác niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức trần như: SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB,…

Theo quan sát, ngoài động thái giữ khách bằng lãi suất cao, trên ứng dụng một số ngân hàng điện tử còn đưa thêm các thao tác được cho là gây thêm ít nhiều khó khăn cho việc chuyển tiền sang ngân hàng khác.Ví dụ như chuyển tiền liên ngân hàng sẽ bị giới hạn thời gian xử lý giao dịch, lựa chọn chuyển tiền nhanh liên ngân hàng khó khăn hơn,…

Tính đến ngày 8/11, mức lãi suất tiết kiệm mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 – 3 tháng được nâng lên trong khoảng 3,8 – 6%/năm, kỳ hạn 6 – 9 tháng nằm trong khoảng 6 – 8%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 6,6 – 8,8%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng quốc doanh gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ cuối tháng 10 với các mức lãi suất gần tương đồng nhau. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 – 2 tháng được tăng lên mức 4,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng tăng lên 5,4%/năm; kỳ hạn 6 – 11 tháng lên 6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên mức 7,4%/năm.

TP.HCM đề nghị ngân hàng SCB tổ chức đối thoại với người dân

UBND TP.HCM đề nghị Ngân hàng SCB cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp cùng các cơ quan liên quan, chủ động thu xếp địa điểm tiếp người dân mua trái phiếu.

Chỉ thị trên của chính quyền TP.HCM được đưa ra trước tình trạng thời gian gần đây các trụ sở và các chi nhánh của Ngân hàng SCB tại TP.HCM đông đúc người dân đến rút tiền trước hạn bởi một số người lo lắng tiền gửi của mình có thể bị ảnh hưởng sau khi xuất hiện các thông tin tiêu cực lan truyền, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Trước đó, ngân hàng SCB cho biết thời gian qua có hợp tác với một số công ty chứng khoán để thực hiện dịch vụ giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua, bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty chứng khoán.

Theo báo Vnexpress, nhiều người mua trái phiếu trong bối cảnh chung sau khi vừa tất toán sổ tiết kiệm, được nhân viên ngân hàng tư vấn chuyển qua loại sản phẩm mới. Họ cho biết không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ ký vào tờ uỷ nhiệm chi, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp đầy đủ.

Tại cuộc họp hôm 7/11, ông Hoàng Minh Hoàn – Phó tổng giám đốc thường trực SCB cho biết ngân hàng không chủ trương chỉ thị nhân viên tư vấn sai lệch cho khách hàng. Tuy vậy, ông Hoàn cho biết “ngân hàng không vô can trong vấn đề liên quan đến trái phiếu của khách hàng” và sẽ phối hợp với Chứng khoán Tân Việt làm việc với người mua trái phiếu.

Được biết, Công ty An Đông nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tính trong 2 năm (2018 và 2019) đã huy động trái phiếu từ nhà đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu của công ty này là khoảng 9.000 tỷ đồng. Vừa qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – bà Trương Mỹ Lan vừa bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tại Công ty An Đông thông qua việc phát hành trái phiếu.


Đức Minh

TP.HCM: Chính quyền đề nghị ngân hàng SCB tổ chức đối thoại với người mua trái phiếu

Nhiều người mua trái phiếu Công ty An Đông tố nhân viên ngân hàng SCB tư vấn sai lệch, dẫn đến thay vì tiết kiệm ngân hàng trở thành mua trái phiếu DN.

Chia sẻ Facebook