Lãi suất khắp nơi sẽ tăng nhanh hơn và đạt đỉnh?
Giới đầu tư đang đặt cược lãi suất sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng tới khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới quyết tâm giải quyết vấn đề lạm phát, nói cách khác là họ sẽ ưu tiên lạm phát hơn tăng trưởng kinh tế.
Một phân tích của Financial Times về phái sinh lãi suất, theo dõi kỳ vọng về lãi suất tại Mỹ, Anh và eurozone, cho thấy thị trường đang dự đoán chính sách tiền tệ trong quý IV năm nay sẽ bị thắt chặt với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hồi đầu năm.
Sự thay đổi tâm lý này diễn ra ngay trước một loạt cuộc họp chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương Anh (BOE), ngân hàng trung ương Na Uy, Thuỵ Điển và Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ trong tuần này. Đây cũng được cho là phản ứng hoàn toàn hợp lý sau báo cáo lạm phát tháng 8 tồi tệ của Mỹ và lời cảnh báo từ các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở hai bên bờ Đại Tây Dương rằng họ ngày càng lo ngại vấn đề lạm phát sẽ khó cải thiện nếu lãi suất không tăng đáng kể.
Thị trường ngày càng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, ngay cả khi nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái. Điều này khiến Ngân hàng Thế giới rất lo ngại. Tổ chức này tuần trước cảnh báo rằng giới hoạch định chính sách có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong năm 2023.
“Các ngân hàng trung ương sẽ hy sinh nền kinh tế của họ để đảm bảo lạm phát nhanh chóng trở lại mức mục tiêu. Họ hiểu rằng nếu không lạm như vậy và lạm phát trở nên cố hữu hơn, hậu quả cuối cùng sẽ là một thời kỳ suy thoái trầm trọng hơn”, Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho hay.
Kể từ tháng 6, 20 ngân hàng trung ương lớn của thế giới đã cùng nhau tăng lãi suất tổng 860 điểm cơ bản, theo nghiên cứu của Financial Times.
Tính đến ngày 16/9, thị trường đánh giá có 25% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 1% trong phiên họp chính sách tuần này. Lãi suất mục tiêu sẽ trên 4% vào đầu năm sau, cao hơn 1% so với dự đoán hồi đầu tháng 8.
Các thị trường cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng từ mức 0,75% hiện tại lên 2% vào cuối năm nay, cao hơn 1% so với những gì giới đầu tư dự đoán hồi đầu tháng trước.
Philip Lane, chuyên gia kinh tế trưởng của ECB, từng phát biểu rằng ông kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất vài lần nữa trong năm nay và đầu năm sau. Điều này có thể dẫn đến một số hậu quả như mất đà tăng trưởng kinh tế và việc làm, từ đó kéo giảm nhu cầu. Tuy nhiên, họ càng lo ngại hơn về việc áp lực lạm phát đang truyền từ lĩnh vực năng lượng và thực phẩm sang các sản phẩm và dịch vụ khác.
Kỳ vọng lãi suất vào cuối năm nay cũng cao hơn đối với ngân hàng trung ương Anh, khi các chuyên gia kinh tế chủ yếu tranh luận về hai mức tăng là 0,5% và 0,75% trong cuộc họp chính sách ngày 22/9. Ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ cũng được cho là sẽ tăng lãi suất 0,75 – 1% trong phiên họp cùng ngày, đánh dấu chấm hết cho “cuộc thí nghiệm” kéo dài 7 năm với lãi suất âm.
Paul Hollingsworth, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường châu Âu tại BNP Paribas, cho biết các ngân hàng trung ương đang có những động thái rào trước cho chu kỳ thắt chặt của họ, bất chấp nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang suy yếu.
Thị trường có sự thay đổi lớn trong kỳ vọng lãi suất sau khi các nhà hoạch định chính sách, như Chủ tịch Fed Jerome Powell và thành viên ban điều hành của ECB Isabel Schnabel, đều đưa ra các thông điệp “diều hâu” tại Hội nghị Jackson Hole hàng năm của Fed ở thành phố Kansas hồi cuối tháng 8.
Kể từ hội nghị lần đó, lạm phát tại Mỹ cho thấy tính nghiêm trọng hơn dự kiến, khi tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8. Tại eurozone, áp lực lạm phát được dự báo đạt 2 con số trong những tháng tới. Gói hỗ trợ năng lượng trị giá 150 tỷ bảng của chính phủ Anh sẽ giúp kéo lạm phát đi xuống trong ngắn hạn, song lại đẩy áp lực lạm phát tăng lên trong trung hạn vì nhu cầu được kích thích.
Những người đứng đầu các ngân hàng trung ương như Schnabel cho biết trong bối cảnh lạm phát sẽ vẫn sát mức kỷ lục ở tương lai gần, họ không còn sẵn sàng đặt niềm tin vào những mô hình kinh tế đang dự báo áp lực lạm phát sẽ giảm trong vài năm tới.
Mặc dù lạm phát ở châu Âu phần lớn là do giá năng lượng tăng, song ngày càng có nhiều dấu hiệu ở cả eurozone và Anh cho thấy áp lực lạm phát ngày càng lan rộng và cố hữu hơn.
Jennifer McKeown, người đứng đầu bộ phận kinh tế học toàn cầu tại Capital Economics, cho biết: “Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ xem việc mặt hàng dễ biến động (năng lượng, thực phẩm) tăng giá chỉ là diễn biến tạm thời. Nhưng trong bối cảnh mà lạm phát lõi đã cao và kỳ vọng lạm phát cũng như đàm phán tiền lương dường như có xu hướng theo chân giá năng lượng lên cao hơn, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ không thể chấp nhận rủi ro đó”.