Lãi suất huy động nhích tăng
Trong nửa cuối tháng 3, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm đối với nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) vừa tăng nhẹ 0,1%/năm đối lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên 6,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên 6,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng cũng lên mức 6,1%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này không đổi, vẫn giữ ở mức 6,8%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi tiền kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với loạt kỳ hạn gửi tiền từ 6 tháng trở lên. Khách hàng gửi tiền từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tại OCB sẽ được hưởng lãi suất 5,4%/năm thay vì 5,2%/năm như trước đó; gửi từ 9 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất cũng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm.
Đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất huy động tại OCB dao động từ 6,1-6,35%/năm, tăng so với mức từ 5,9 - 6,15%/năm hồi tháng 2/2022.
Đối với sản phẩm tích lũy điện tử, OCB cũng niêm yết bảng lãi suất huy động dao động từ 4,9 - 6,3%/năm, tăng thêm 0,2%/năm so với trước đó. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 6,75%/năm dành cho khách hàng gửi online trên ứng dụng OCB OMNI kỳ hạn 36 tháng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3%/năm lên mức 5,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng cũng tăng 0,2%/năm lên mức 4%/năm.
Nhìn chung trong hệ thống ngân hàng, lãi suất huy động cao nhất đang là 7,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tiếp đó là 7,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và 7%/năm tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Một số ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất gần 7%/năm như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 6,99%/năm; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 6,9%/năm; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) 6,85%/năm...
Lãi suất huy động ghi nhận xu hướng tăng trở lại kể từ sau Tết Nguyên đán tại nhiều ngân hàng. Tuy vậy, với nhóm các ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất huy động vẫn giữ ổn định.
Lãi suất huy động cao nhất tại 4 ngân hàng này là 5,6%/năm áp dụng tại Vietcombank, VietinBank và 5,5%/năm tại Agribank, BIDV.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, tiền điện tử hay bất động sản diễn biến khó lường, lãi suất ngân hàng nhích tăng đang giúp kênh đầu tư này hấp dẫn dòng tiền trở lại. Điều này có thể nhận thấy qua số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 1 đã bật tăng khá mạnh lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng.
Như vậy, tiền gửi của người dân đã tăng vọt hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 1, tương đương tăng 1,95%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của tiền gửi dân cư trong 10 tháng trở lại đây.
Đánh giá xu hướng lãi suất trong năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lãi suất huy động năm nay có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ cục bộ. Tuy nhiên, áp lực tăng tại lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Mặc dù vậy, VCBS nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn.
Cùng chung quan điểm, Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm thêm từ 0,2 - 0,25%. Chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vì thế cũng sẽ được cải thiện.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN, HTX, hộ kinh doanh trong năm 2022 - 2023.