Lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng chưa nhanh, NHNN nói gì?

Chia sẻ Facebook
05/07/2023 10:32:22

VietTimes – Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng từ đầu năm tới nay chỉ tăng 4,2%, trong khi hạn mức là khoảng 11%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (Ảnh: VGP)

Lãi suất giảm tích cực


Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, ông Đào Minh Tú , Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%.

Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng thương mại giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1-1,2%.

“Các ngân hàng thương mại đã chủ động đưa ra rất nhiều gói hạ lãi suất. Xu hướng chung là tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới”, ông Tú nói.

Đối với lãi suất điều hành của NHNN, ông Tú cho biết lãi suất cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở hiện chỉ ở mức 4%; lãi suất cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%.

Đại diện NHNN đánh giá, hiện nay, các ngân hàng thương mại đang thừa thanh khoản, không mặn mà với khoản cho vay của NHNN vì đây là khoản cho vay cuối cùng khi các ngân hàng cần để hưởng nguồn của NHNN.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay cũng ở mức rất thấp, lần lượt chỉ từ 0,4-1% đối với lãi suất qua đêm; 0,8-1,5% cho kỳ hạn một tuần và 3-3,2% cho kỳ hạn một tháng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm


Về tín dụng, ông Tú cho biết NHNN đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng khoảng 11% từ đầu năm, nhưng đến nay dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%. Như vậy, dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.

“Tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm. Đúng ra như các nước khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, lãi suất chúng ta đã hạ theo thông thường thì tín dụng tăng”, ông Tú nói.

Lý giải về vấn đề này, ông Tú đánh giá tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp nên cầu tín dụng không thể tăng cao.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định.

Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội, mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng, sẵn sàng đẩy mạnh cho vay những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.

Ngoài ra, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không đủ điều kiện; ngược lại, có doanh nghiệp được ngân hàng mời vay nhưng chưa có nhu cầu.

“Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh”, ông Tú nói.

Ông Tú kỳ vọng, cùng với đồng loạt các chính sách khác mà Chính phủ đang triển khai, ngành ngân hàng đặt ra yêu cầu phải quản lý tốt, tập trung tăng trưởng hơn nữa để lãi suất tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở các ngân hàng phải đảm bảo được an toàn tối thiểu cho mình và cắt giảm những chi phí cần thiết có điều kiện hạ lãi suất, cắt giảm các loại phí.

Vừa qua, NHNN đã sửa Thông 39 và 06, qua đó tháo gỡ rất nhiều nội dung, đặc biệt ứng dụng công nghệ số nên đã tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và ngân hàng tiếp cận tín dụng nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Ông Tú nhấn mạnh NHNN sẽ tiếp tục xem xét các đối tượng, lĩnh vực để cùng với các bộ, ngành có những chính sách đồng bộ; chính sách giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ sẽ tiếp tục được tăng cường. Đây là những chính sách rất trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay./.

Chia sẻ Facebook