Lãi ròng HAG giảm hơn 51 tỷ sau kiểm toán, bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Chia sẻ Facebook
03/04/2023 09:33:52

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán, lãi ròng 2022 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) giảm 51 tỷ đồng (tương đương 4%) so với báo cáo tự lập, còn 1,129 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, kiểm toán viên vẫn nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty do lỗ lũy kế hơn 3,341 tỷ đồng và vi phạm một số cam kết trong hợp đồng vay và trái phiếu.

Lãi ròng HAG giảm hơn 51 tỷ sau kiểm toán, bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục


Theo BCTC hợp nhất kiểm toán, lãi ròng 2022 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai ( HOSE : HAG ) giảm 51 tỷ đồng (tương đương 4%) so với báo cáo tự lập, còn 1,129 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, kiểm toán viên vẫn nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty do lỗ lũy kế hơn 3,341 tỷ đồng và vi phạm một số cam kết trong hợp đồng vay và trái phiếu.

Chênh lệch BCTC hợp nhất 2022 trước và sau kiểm toán của HAG

(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance


Cụ thể, sau kiểm toán, doanh thu thuần 2022 của HAG tăng hơn 29 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đạt gần 5,111 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuân gộp đạt 1,173 tỷ đồng, tăng thêm 8 tỷ đồng.

Dù chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 4%, song chi phí tài chính tăng thêm 14 tỷ đồng so với báo cáo tự lập lên mức 1,649 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng sau kiểm toán giảm hơn 51 tỷ đồng, tương đương giảm 4% so với báo cáo tự lập, xuống gần 1,129 tỷ đồng.


Nếu so với năm 2021, doanh thu thuần và lãi ròng của HAG vẫn tăng trưởng vượt bậc, lần lượt tăng 144% và 456%. Trong đó, lợi nhuận tăng chủ yếu do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.

Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Đáng lưu ý, trong BCTC hợp nhất 2022 đã được kiểm toán, kiểm toán viên tiếp tục nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế hơn 3,341 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn của Tập đoàn đã vượt quá tài sản ngắn hạn gần 1,180 tỷ đồng.


Ngoài ra, HAG cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.


Giải trình về vấn đề này, HAG cho biết năm 2022, doanh thu từ bán cây và heo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và đem lại nguồn tiền chính cho Tập đoàn. Tại ngày lập BCTC hợp nhất, HAG đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.


Đồng thời, HAG cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Theo đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban Giám đốc tiến hành lập BCTC hợp nhất trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Tính tới ngày 31/12/2022, nợ phải trả của HAG gần 14,604 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm; gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu, và chiếm gần 74% tổng tài sản.

Trong đó, vay nợ tài chính đạt gần 8,166 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Tuy vậy, vay nợ của Công ty có xu hướng chuyển dịch từ dài hạn sang ngắn hạn. Cụ thể, vay ngắn hạn tăng hơn 59% lên hơn 4 ngàn tỷ đồng. Vay dài hạn giảm gần 28%, còn hơn 4,165 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, đến cuối năm 2022, HAG chưa thanh toán khoản vay đến hạn 279 tỷ đồng theo lịch thanh toán đã cam kết với Ngân hàng Eximbank. Tại thời điểm này, dư nợ của Công ty với Eximbank gần 588 tỷ đồng.

Ngoài vay ngân hàng, HAG có gần 5,740 tỷ đồng vay trái phiếu, trong đó có hơn 2,058 tỷ đồng sẽ đến hạn trả trong năm nay.

Thế Mạnh

Chia sẻ Facebook