Lại rộ lên nạn đạo văn
Mấy hôm nay mạng xã hội facebook xôn xao mấy vụ đạo văn trắng trợn.
Đầu tiên là phó giáo sư, tiến sĩ nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh ở Thái Nguyên phát hiện mình bị một tài khoản facebook là Nguyễn Ngọc copy nguyên cái trường ca vừa viết, đang đăng từng phần trên Facebook của anh, đăng lên Facebook của mình và “Câu lạc bộ thi ca đất Tổ” do anh ta làm chủ nhiệm, tất nhiên ký tên Nguyễn Ngọc.
Và sau anh Hạnh thì té ra, một loạt người nữa phát hiện, rất nhiều những tác phẩm ký tên Nguyễn Ngọc là của họ, như các nhà thơ Nguyễn Thu Hà, Bùi Thanh Hà... Ông này, hoặc là cop nguyên văn, hoặc là buồn cười hơn, lấy của mỗi người một ít, cả của liệt sĩ, dán vào và trịnh trọng ký tên Nguyễn Ngọc. Ví dụ bài này: “CÂU XOAN GHẸO EM HÁT CHIỀU NAY
Anh lớn lên câu xoan ghẹo về đâu.?
Gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi
Đường đánh giặc chảy xuôi về bến bãi
Câu xoan ghẹo em hát đợi bên cầu
Hóa vô tận những điều mơ tưởng ấy
Bao câu hát ông cha mình gửi lại
Sao em thương câu xoan ghẹo thế này
Sao anh nghe đến lần nào cũng vậy
Sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
Chỉ riêng mình em hát với anh đây
Đêm Thậm Thình gió chao nghiêng hàng cây
Nghe vọng đâu đây nhịp chày thủa trước
Câu xoan ghẹo nối hai đầu đất nước
Vẫn ngọt ngào nghe em hát chiều nay..
Nguyễn Ngọc”.
Bài này chính là bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, bài “Lý ngựa ô ở hai vùng đất” được “thi sĩ” đổi vài chữ thành thơ mình.
“Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu
Gặp câu hát bền lòng giong ruổi mãi
Đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi
Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu
Hoá vô tận bao điều mơ tưởng ấy
Bao câu hát ông cha mình gởi lại
Sao em thương câu lý ngựa ô này
Sao anh nghe đến lần nào cũng vậy
Sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
Chỉ riêng mình em hát với anh đây.
Làng anh ở ven sông
Sắp vào tháng tư
Mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng
Mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bổng
Ai chẳng ngỡ mình đang đi trong mây
Ai chẳng tin mình đang rong ngựa sắt
Cả một vùng sông ai chẳng hát
Sao không nghe câu lý ngựa ô này”...
Nhà thơ Bùi Thanh Hà cung cấp, mình bị ông này đạo đến mấy bài thơ, có bài "Nhớ Thương Giang" được biến thành "Thương nhớ Lô Giang" và cứ Thương Giang thành Lô Giang là xong. Chỉ việc biến báo câu thơ đầu: "Đêm nghe tiếng gọi dòng Thương/ Thấy câu thơ hát vấn vương thuở nào" thành "Đêm nghe tiếng gọi Lô Giang/ Thấy câu thơ hát mênh mang thuở nào"... và chị cảm thán: Tài thế chứ lị! Tài đến thế là cùng...!!!
Tệ hơn, ông ta còn lấy một chút Tố Hữu, một chút Hữu Thỉnh, một chút Thanh Thảo... làm nên một bài thơ của mình. Nơi ông ta đăng là Facebook cá nhân và group nhóm “Câu lạc bộ thi ca đất Tổ”. Được biết ông này nguyên là sỹ quan quân đội, hiện đang sống ở Phú Thọ.
Chưa hết, hôm qua nhà văn Hoàng Đình Quang cũng “la làng” trên facebook của mình là có một ông là “tác giả” hẳn hoi, vì viết văn đã có giải thưởng, đạo nguyên cái truyện ngắn của mình đăng trên một tờ báo, truyện này ông Quang lấy làm tên tập sách của mình, là truyện “Phiên chợ tết cuối cùng”. Ông ăn cắp tên là Bùi Sỹ Căn, lại cũng ở... Phú Thọ.
Tôi lần vào Facebook của ông này, thấy khoe có cái truyện ngắn dự thi trên báo Văn Nghệ, và trớ trêu, cái bìa báo Văn Nghệ số ấy có ngay bài của tôi ở bìa, nên... duyên văn với bác này càng đậm, ít nhất là được cùng số với “đại tác giả” này. Trong Facebook bác này rất nhiều người vào comment hỏi bác ấy rằng hãy trung thực đi, bác ăn cắp truyện của bao nhiêu người, nhưng cũng giống như bác Nguyễn Ngọc ở trên, bác này cũng... kiên trì im lặng.
Và từ việc hai ông bị đạo Nguyễn Đức Hạnh và Hoàng Đình Quang đăng lên Facebook việc bị đạo này, nhiều nhà văn nhà thơ mới phát hiện, mình cũng bị đạo khá nhiều. Nhà thơ Lệ Thu viết: “Chia sẻ nỗi buồn với Hoàng Đình Quang và các bạn bị trộm. Tôi cũng "phát hiện" được một cụ ở NT lấy khá nhiều thơ của LT, có bài nguyên xi, có bài một nửa, có bài dớt (lấy) mấy câu hay nhất... rồi đem in sách, gửi TẶNG lại tác giả bị trộm hẳn hoi! Mình chẳng biết nói sao vì không còn lời nào để nói!”.
Nhà văn Hoàng Đình Quang, cũng nhân việc này, cho biết thêm cũng từng có truyện "Cái roi" viết về thầy giáo, được một văn nhân Đồng Tháp chép dự thi và... được giải luôn.
Ông Nguyễn Ngọc khoe đã có 4 tập thơ và ông Bùi Sỹ Căn thì có truyện dự thi tứ tung, cả tờ báo văn chương rất sang là báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam, ai biết được trong số “Tác phẩm” các ông ấy khoe, bao nhiêu phần là đồ ăn cắp?
Truyện đạo văn nó có mấy lý do. Đầu tiên là háo danh và ngáo danh. Cả hai bác đạo văn nêu trên đều đã lớn tuổi, chắc không phải đạo để kiếm tiền, mà chắc là kiếm danh. Tiếp theo là kiếm tiền, trường hợp này ở một số bạn trẻ. Nữa là để... làm việc. Bị đặt vào ghế ấy, công việc ấy, chả viết được gì, anh em họ coi thường, thế là đạo, vân vân...
Bản thân tôi cũng từng bị đạo văn và cũng từng tham gia với báo Văn Nghệ, Văn Nghệ trẻ “chiến đấu” với mấy vụ đạo văn trắng trợn. Và điều lạ là, những người bị phát hiện bị tố đạo văn ấy, đa phần là... không xấu hổ. Thậm chí có người đạo văn bị tôi bóc mẽ giờ gặp lại vẫn coi như chưa từng có chuyện ấy, còn đòi chụp ảnh chung.
Một ông đạo thơ tôi ban đầu thì nhận, sau được một vài “thế lực” hậu thuẫn rằng cùng cảm xúc, cùng hoàn cảnh thì thơ giống nhau là thường, bèn rút lại lời xin lỗi và tiếp tục nghênh ngang, vẫn xưng mình là nhà thơ, vẫn sinh hoạt hội VHNT tỉnh và vẫn nộp bản thảo xin tài trợ của nhà nước để xuất bản. Thậm chí có cả bác giáo sư nổi tiếng cop nguyên bài báo của tôi, chỉ đổi... tên tác giả, đăng trên chuyên mục bác ấy giữ cho một tờ báo.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng từng nhắn tin cho tôi: “Bài Hương Thầm của chị mà cũng có người nhận của họ đấy, họ đưa sổ tay ra bảo làm năm 1973, mà không biết rằng, năm 1970 chị đã nhận giải thưởng cho bài thơ này. Và chị chọn cách... im lặng”.
Một nhà văn cũng từng bị đạo văn mail cho tôi: “Biết nó ăn cắp của mình nhưng mình phải... len lén như không biết anh ạ. Chứ không rồi bị cuốn vào tranh cãi mệt lắm. Mà đa phần những người ủng hộ thì họ không lên tiếng, còn bên kia, ở đâu ra mà đông thế, và em nghiệm ra, những người bảo vệ đạo văn nhất là những người cũng từng dính dáng?”. Và tôi, khi phát hiện ra kẻ đạo thơ mình thì cũng có một số nhảy vào bênh kẻ ăn cắp kiểu: “Gớm, thế truyện Kiều thì mượn tứ ai, ở đâu, khi nào? Văn học nghệ thuật ấy mà, thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh đều ảnh hưởng nhau từ đông sang tây từ ta sang tàu cả thôi và chứng minh cực khó nếu như không đăng ký bản quyền”. Rồi nữa: Bài này là họa bài kia, ai cấm họa thơ đâu?
Đa phần các thủ phạm đạo văn là ở hội VHNT tỉnh. Họ ỉ vào sự không tinh tường của đội ngũ lãnh đạo hội, vào sự cào bằng, vào nghĩ rằng tỉnh lẻ không ai biết (như chính tự thú của một người ăn cắp văn khai), và cả vào sự nghiệp dư của các tổ chức này, để ăn cắp và không bị xử lý.
Nhà thơ Bùi Thanh Hà khi biết tôi sẽ lên tiếng về vụ này, nhắn tin “Cố gắng giúp người "thấp cổ, bé họng" như em anh nhé! Cỡ này chui được vào Hội NVVN, sẽ kiện ngược bọn em đạo thơ cho coi. Tiền lệ có rồi mà anh! Em bị chặn Facebook nên chỉ kịp thấy ba bài bị đạo nguyên xi thôi. Trên các trang nhóm vẫn "hiên ngang" các bài đạo anh ạ”.
Một bạn đọc thân thiết sáng nay nhắn cho tôi: "Ấy thế mà Văn nghệ sĩ cứ dài cổ ra chửi quan tham, tham ô, tham nhũng. Mình cũng tham bỏ mẹ ra. Thấy chữ của người khác, cũng cầm lòng chả đặng". Đọc xong thấy nhục thay cho những người ăn cắp.
Thì bài này như một sự báo động về nạn đạo văn đang có cơ phát triển.