Lai Châu muốn xây sân bay 8.000 tỷ đồng, theo hình thức PPP
UBND tỉnh Lai Châu vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng sân bay nội địa công suất 0,5 triệu hành khách/năm theo hình thức PPP.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng vừa ký công văn đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Địa phương này cũng xin được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Theo công văn, cảng hàng không Lai Châu đã được xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không năm 2018.
Cụ thể, năm 2030 sẽ là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách/năm và diện tích sử dụng đất là 167 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên.
Còn theo đề án điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng, định hướng đến năm 2030, sân bay Lai Châu có công suất 500.000 hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117 ha, chi phí đầu tư theo quy hoạch ước khoảng 4.350 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP.
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La cũng đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
UBND tỉnh Sơn La cho biết theo quy hoạch, đến năm 2030 sân bay Nà Sản đạt công suất 1 triệu hành khách/năm. Trong đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công suất đến năm 2030 của sân bay này là 1 triệu khách/năm, tầm nhìn đến 2050 là 2 triệu khách/năm.
Hiện miền núi Tây Bắc có một sân bay Điện Biên. Theo đề xuất quy hoạch của Bộ GTVT, đến năm 2030, khu vực này có 4 sân bay nội địa là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La).
Lai Châu là tỉnh miền núi có 265 km đường biên giới giáp Trung Quốc, chưa có đường không và đường thủy, chỉ có đường bộ nối với miền xuôi là quốc lộ 32. Tuyến đường này hay sạt lở vào mùa mưa lũ, gây chia cắt nhiều khu vực.
Minh Long
Cục Hàng không đề xuất giao tỉnh Sơn La đầu tư xây sân bay Nà Sản 2.000 tỷ đồng Từ năm 2004, sân bay Nà Sản buộc phải đóng cửa do đường băng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác.