Lại bàn sâu thêm về sự học – Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Trang Tử nói: “Đời sống ta có hạn mà sự học hỏi thì vô hạn...”. Đời bấy giờ mà ông còn nói thế, thì sống vào đời nay phải như thế nào?
A. Học vấn và thời gian
Trang Tử nói: “Đời sống ta có hạn mà sự học hỏi thì vô hạn…” . Đời bấy giờ mà ông còn nói thế, thì sống vào đời nay phải như thế nào? Khoa học đã đi đến trình độ cực kỳ phức tạp và sâu rộng, dẫu là bực thông minh đến đâu cũng không dám nói: Óc tôi có thể chứa được tất cả cái học hiện thời. Người như Trang Tử mà Tư Mã Thiên bảo là có một cái học thông kim bác cổ, vậy mà còn phải nói thế. Ta cứ nhìn kỹ chung quanh từng ngành học, sẽ thấy sự tăng gia của nó trong mấy năm gần đây mà ngợp. Dù cho ta có thể đầu thai mấy ngàn kiếp cũng không sao chứa được hết cái học của con người, ngay trong mỗi một ngành học nào cũng vậy.
Sự học càng ngày càng tăng, mà thời giờ con người càng ngày càng thâu hẹp. Đừng nói thời giờ rỗi rãi của ta ngày nay có nhiều… Lấy ngay một cái nghề giáo sư cũng đủ thấy ngày giờ của mình đã mất hết. Dù ta bỏ hết thời giờ của ta không sao có đủ để nghiên cứu học hỏi cho tinh chuyên. Nghề y sĩ, nghề kỹ sư… và bất luận là nghề nào, muốn học đến chỗ tinh vi của nó, đều phải mất thời giờ không ít. Thế là sự học càng tăng thì thời giờ để thu thập nó lại càng hẹp.
Thật là một sự mâu thuẫn đau đớn cho những người ham học như chúng ta. Trước vấn đề khó giải này ta phải đối phó cách nào?
Chắc chắn là chúng ta không nên giải quyết một cách tiêu cực như hạng “dốt kim thời” này: họ viện lẽ “bể học mênh mông mà thời giờ không có đủ…vậy tốt hơn việc nhà mình mình biết, ghé mắt vào việc nhà kẻ khác để làm gì? Học làm gì, rút cuộc cũng không hiểu biết gì hơn người không học… Socrate há không có nói: “Điều mà ta biết rõ nhất là ta không biết gì cả!” hay sao? ”
Hạng “dốt” này, may thay, chỉ là một phần tử rất ít trong xã hội ngày nay. Nói thế, đâu phải chỉ có đời nay mới có hạng người này mà thôi. Đời nào cũng có cả. Nhưng có điều là hạng “dốt kim thời” này họ dốt và biết biện hộ sự dốt nát của họ: họ viện đủ lẽ, nào là khoa học phá sản, nào là sức hiểu biết của trí não thì hữu hạn còn sự hiểu biết của loài người thì vô biên… Nói cho đúng, họ là hạng dốt, có “triết lý”. Họ lý sự lắm và tìm đủ cách để biện hộ sự khuất phục của họ trước vấn đề học hỏi.
Lại còn có một hạng người phản đối hạng trên. Họ nhất định không chịu khoanh tay chịu dốt… Nhưng cẩn thận hơn, họ quyết định chọn một vài sự hiểu biết nào mà họ thích nhất, rồi bám lấy, ngăn tường đắp luỹ, đem tất cả thời giờ và tâm trí họ để nghiên cứu một cách sâu xa triệt để hơn. Đấy là giải pháp của nhà chuyên môn. Hạng người này hiện thời rất đông. Bất cứ là đi vào giới trí thức nào ta luôn luôn đụng chạm với những nhà thông thái “trong tháp ngà” ấy. Một ông kỹ sư cầu cống không biết gì cả đến các phong trào văn nghệ trong nước, cũng không đủ sức hiểu biết một bài thơ hay. Một bác sĩ y khoa không bao giờ đọc sách triết học, hay văn chương. Một kịch gia suốt đời không đọc một quyển sách về khoa học thực dụng…
Ngoài các ngành chuyên môn của họ, họ không buồn biết đến việc gì ngoài chỗ sở trường của họ. Họ cũng là hạng người công nhận sự bất lực của trí não con người trước vấn đề mênh mông của sự học hỏi. Nhưng, thay vì như anh “dốt kim thời” trên đây bó tay chịu dốt, thì họ lại quyết định chọn con đường cô lập và chuyên môn. Tuy vậy, hạng người này đáng mến hơn hạng người trên đây, nhất là họ dễ thương hơn hạng người “ngụy trí thức” sau đây.
Hạng người “ngụy bác học” hay “ngụy trí thức” lại cũng là nạn nhân của vấn đề nan giải trên đây: cái học thì vô cùng mà thời gian thì có hạn. Họ không chịu dốt, nhưng họ cũng không có đủ can đảm làm nhà chuyên môn. Họ là hạng người “dở dở ương ương” : cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì thực biết. Đấy cũng là lối học ở nhà trường đã đào tạo một hạng người “bác học nửa mùa”. Sách gì họ cũng đọc… nhưng mà họ chỉ đọc phớt qua như con bướm giỡn hoa… Họ bàn đến nguyên tử lực, họ nói chuyện Einstein và thuyết tương đối, họ bàn đến Vô Vi của Lão Tử, họ luận về tam giáo, sành chánh trị, kinh tế… không có câu chuyện gì là không thấy họ phê bình chỉ trích như một kẻ chuyên môn. Những nhà “bác học nửa mùa” này hiện thời đã chiếm gần hơn chín mươi phần trăm nhân loại. Chế độ dân chủ cho phép họ nghênh ngang múa mép trong khắp các ngành hoạt động xã hội. Những báo chí, những sách phổ thông viết một cách hối hả của những “học giả nửa mùa” là những “tội nhân” đã đào tạo ra hạng người này, nhất là cái học “bách khoa” của chương trình giáo dục hiện thời.
Hạng “ngụy trí thức” này thật là cả một tai vạ cho xã hội hiện thời. Đối với hạng dốt và hạng chuyên môn trên đây, họ là hạng người bêu xấu sự học, hạng người đáng ghét nhất. Dân chúng thiếu học thường bị bọn người này loè bịp. Kẻ nào múa môi lẻo mép nhất, thường được quần chúng hoan nghênh… Và chính họ là kẻ dẫn dân chúng vào những con đường phiêu lưu tăm tối của lịch sử sau này.
B. Cái học về bề rộng và cái học về bề sâu
Có hai thứ học vấn: học về bề sâu và học về bề rộng.
Có một thứ hiểu biết do bên ngoài đưa đến, có một thứ hiểu biết do bên trong mà phát huy ra được.
Cái học bao quát mà người xưa ở Đông Phương khuyên bảo: “thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự” là một cái học hết sức cần thiết để tìm biết được chân lý trong đời này. Thật vậy, mọi sự, mọi vật trên đời, rất liên quan mật thiết với nhau. Có biết được nguyên nhân mới hiểu rành lý sự. Nhưng cái nhân nầy sanh ra cái quả kia, rồi cái quả ấy lại là cái nhân cho cái quả khác, tiếp tục nhau mà đến. Sự việc vừa xảy ra trước mắt ta hôm nay, trước đây đã có một dọc nguyên nhân mà ta không biết và có biết được chăng, cũng chỉ biết được một vài nguyên nhân thiển cận nhãn tiền mà thôi, còn lại không biết bao nhiêu nguyên nhân khác nữa, hữu hình có, vô hình cũng có mà ta không làm sao biết hết được. Người trí sở dĩ khác được kẻ ngu chỉ ở điểm này: một đàng đã tìm thấy được nhiều nguyên nhân sâu xa và rộng rãi, còn một đàng chỉ không nhận thấy một nguyên nhân nào khác hơn là sự việc đã xảy ra mà thôi. Vì vậy người trí thức cần phải có một cái học rộng rãi để khỏi phải bị thiên kiến trong khi nhận xét và phê bình.
Nhưng cần nhất là phải có một cái học chuyên môn, một cái học về bề sâu. Victor Duruy nói: “Phải có một cái học tổng quát để phụng sự cho ngành chuyên môn của mình!”.
Câu chuyện sau đây chứng tỏ rằng cái học chuyên môn mà được tận tâm huấn luyện, bắt buộc ta phải đi đến cái học tổng quát.
Một nhà tiến sĩ văn chương cổ điển ngày kia đến viếng ông Kerschensteiner, bấy giờ đang làm hiệu trưởng các trường ở Munich, để xin một chân giáo học ở trường tiểu học của ông. Dĩ nhiên trong việc xin dạy đây, chắc chắn không phải vì vấn đề sinh nhai, mà chính vì ông ta muốn tự mình nghiên cứu sự tổ chức và phương pháp dạy dỗ ở cấp đại học mà ông sẽ có phận sự đảm nhiệm.
Kerschensteiner, trước lòng tha thiết nhiệt thành ít có ấy, bằng lòng nhận cho ông ấy vào dạy học, nhưng cũng không quên nhắc ông rằng cái học chuyên khoa về ngôn ngữ học của ông e sẽ là một trở ngại to tát cho công việc dạy dỗ của ông đối với cấp sơ học. Ông này cho biết rằng sự chuyên học về tiếng La tinh và Hy lạp đầu tiên đã hướng ông vào công việc nghiên cứu về lịch sử thời cổ sơ. Và nghiên cứu về lịch sử cổ thời lại lôi kéo ông đi vào ngành nghiên cứu của thời tiền sử, và vì thế bắt ông phải đeo đuổi theo nhân loại học. Chính lúc ấy ông cảm thấy ông cần phải có một sự hiểu biết vững vàng về vạn vật học và ông bắt đầu nghiên cứu về thực vật học và động vật học. Nhân đó ông cảm thấy ông còn thiếu sót rất nhiều về vật lý học cũng như hoá học, bởi vậy ba năm sau khi thi đậu bằng tiến sĩ văn khoa, ông theo thọ giáo những nhà khoa học trứ danh Roentgen và Bayer.
Câu chuyện trên đây, đâu phải là một câu chuyện đặc biệt riêng tư gì của một người: các nhà học thức chân chánh nào cũng đi một con đường như ông tiến sĩ trên đây cả. Thật vậy, khi mình muốn đi thật sâu vào một vấn đề nào, thường thường lại phải cầu cứu đến các ngành học khác có liên lạc đến nó. Như cái học về vật lý bắt ta phải sành toán học, cái học về địa lý buộc ta phải có một cơ sở học vấn vững vàng về địa chất học.
Thành ra, chỉ đi sâu vào một ngành học nào, người ta rốt cuộc cũng tìm ra được cái học bao la tổng quát, vì sự vật trong đời chằng chịt dính líu nhau, không có một sự vật nào là cô đơn độc lập cả.
Rồi ra, cái học tổng quát có cái hại này, là cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì chuyên môn thực hiện được cả cho sự tiến bộ chung của nhân loại. Tuy vậy, nó có những cái lợi to tát này là nó đào tạo cho ta có được một cái nhìn bao quát, không thiên kiến, trí óc và tâm hồn rộng rãi, hiểu được người chung quanh, không có tinh thần quá khích. Đời sống tinh thần cũng dồi dào mà hưởng thụ sự sung sướng cũng rộng rãi. Thử tưởng tượng một người có óc thẩm mỹ, hiểu biết được cái hay của âm nhạc hay hội hoạ, bất kỳ là âm nhạc hay hội hoạ của nước nào. Người đó phải chăng là người có một nguồn hạnh phúc tinh thần vô tận không? Trái lại, những kẻ chỉ biết cái hay của Vọng cổ mà không biết thưởng thức cái đẹp của một bản nhạc Beethoven, biết cái hay của một tuồng hát bóng Âu Mỹ mà không thưởng thức nổi cái đẹp của một tuồng “hát bội” Á đông… thì dĩ nhiên nguồn cảm hứng mỹ thuật phải kém nhiều, vì bị hạn định.
Cái học chuyên môn thì có lợi nhiều cho xã hội, khiến cho công việc làm càng ngày càng trở nên tinh tiến, mau lẹ, nhưng nó có cái hại là thường hay biến con người thành bộ óc hẹp hòi, và bị sai ngoa vì nghề nghiệp. Có nhiều nhà chuyên môn họ làm thái quá đến như lố bịch… Như nhà y sĩ kia bị ám ảnh vì vi trùng, rồi thì dưới con mắt ông, cái gì cũng cắt nghĩa bằng vi trùng… Cho đến tình yêu, họ cũng cắt nghĩa là bị vi trùng “yêu”. Dưới mắt y sĩ, điên là một chứng bệnh, nhưng thiên tài đối với các ông cũng là một chứng bệnh. Thậm chí có nhà bác học nọ cho Đức Chúa Jésus cũng là một người điên, vì là một người “phi thường”. Lại nữa, nhà chuyên môn cũng thường bị mang chứng bệnh “sai ngoa về nghề nghiệp” nữa. Đó là một tai hại đáng lo ngại, cần phải tránh xa vì nó có tánh cách phản văn hóa.
Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Trích “Tôi Tự Học”
Tựa đề do tòa soạn đặt
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm cùng tác giả :
Mời xem video
SOS: “Dâm thư” nguy hiểm đang núp bóng sách dành cho trẻ em