Lạc vào không gian xưa với những ngôi làng nhuốm màu thời gian trải dài khắp Việt Nam
Trải dài khắp mọi miền đất nước, nơi đâu cũng những làng quê đậm nét cổ kính và nên thơ.
Mang dấu ấn thời gian hàng trăm năm tuổi với nét kiến trúc cổ xưa cùng vẻ bình yên thơ mộng là những gì người ta nhớ mãi khi có dịp ghé thăm những ngôi làng cổ này ở Việt Nam. Có thể nói, thời gian và nét “nghệ thuật” ở nơi đây đã khiến cho những làng cổ đã trở thành một điểm nhấn khi du lịch đến thành phố đó. Những ngôi làng cực kỳ thích hợp để tản bộ hoặc đi xe đạp để có thể đi vào từng ngõ ngách của làng mà không phá vỡ sự tĩnh lặng, yên bình của những ngôi nhà cổ nơi đây.
Làng cổ Thiên Hương
Tại Hà Giang, có một ngôi làng cổ trăm năm tuổi nằm bên sườn núi tách biệt với thế giới bên ngoài với những cánh đồng thơ mộng, khiến du khách cứ như lạc với miền cổ tích ngày xưa. Làng cổ Thiên Hương cách trung tâm thị trấn tầm 7km, nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng, tuy nhiên không phải du khách nào cũng biết đến.
Địa hình đa phần núi dốc, những ngôi nhà trong làng cũng được xây dựng thành nhiều "bậc thang" cao thấp, tựa vào sườn núi, đó chính là lý do vì sao làng cổ Thiên Hương vẫn còn giữ nguyên vẹn được nét đẹp tự nhiên. Đường vào làng Thiên Hương cũng vô cùng độc đáo, một bên là vực thẳm, một bên lại là vách núi cheo leo với những mái nhà mộc mạc. Thời gian dường như bị dừng lại lại trước vẻ cồ kính và trầm mặc của ngôi làng này.
Làng cổ Đường Lâm
Không cần phải đi đâu xa, gần Hà Nội cũng có một ngôi làng cổ dường như tách biệt với thế bên ngoài. Chỉ cần đi qua cánh cửa làng, thì một vùng quê thanh tịnh như trong những phim cổ tích xưa với “cây đa, giếng nước, sân đình”. Cách Hà Nội 44km, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều ngôi nhà đậm chất làng quê Bắc Bộ với những con đường gạch, những bức tường đá ong.
Giữa thành phố hiện đại, làng cổ Đường Lâm hiện lên giữa sự đại hóa của thành phố lân cận như một cổ trấn đầy hoài niệm và yên bình. Đường Lâm có rất nhiều địa điểm tham quan gắn liền với kiến trúc, văn hóa làng quê xưa cũ mái đình, sân đình hay những ngôi nhà cổ. Mỗi địa điểm lại có những câu chuyện với sức hút khiến chúng ta phải nên đến tận nơi để tìm hiểu, lắng nghe và cảm nhận không khí nơi đây. Thế nên, ngày nay làng cổ Đường Lâm rất nổi tiếng và là địa điểm cực kỳ thu hút người dân và khách du lịch tới tham quan khám phá.
Làng Sấu
Làng Sấu thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được mệnh danh là “khói lam chiều trên ngôi làng cổ”. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do nhịp sống chậm rãi nơi đây, vô cùng yên bình trên đường quê rợp bóng tre, hòa cùng khói lam chiều trên ruộng.
Đường vào làng rợp bóng cây, dẫn vào ngôi làng có tuổi đời vài trăm năm, với khoảng 200 ngôi nhà, trong đó còn nhiều căn nhà cổ kính. Nhịp sống trong ngôi làng chậm rãi trôi đi, người dân quanh đây trồng nông nghiêp quanh năm trên các cánh đồng xen giữa các dải đồi, ven sông của mình. Có lẽ như thế nên ngôi làng vẫn bị tác động nhiều của đô thị hóa nên rất xứng đáng để du khách ghé thăm.
Hang Táu
Ngôi làng nhỏ nằm dưới triền núi còn được biết đến là “ngôi làng nguyên thuỷ" nằm ở bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây vốn là một khu canh tác, sản xuất nông nghiệp nên người dân chỉ dựng tạm vài căn nhà nhỏ để trông coi. Nhưng vô tình biến nơi đây thành một vùng thảo nguyên hoang sơ nhưng cũng đầy sự thơ mộng.
Là một ngôi làng nhỏ nằm sâu trong vùng núi, ít người biết đến nên vẫn giữ được nguyên sơ từ lối sống cho đến cảnh vật. Đến với Hang Táu như một chuyến hành trình “đi ngược thời gian”, trở về với “cuộc sống thời nguyên thủy”: không điện cũng chẳng có sóng di động. Nằm biệt lập trong thung lũng, tựa vào núi đá, một nơi vẫn còn giữa nguyên vẹn nếp sống truyền thống và bình yên giữa một đồng cỏ xanh mướt. Thung lũng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng tựa như dẫn lối vào một ngôi làng trong cổ tích.
Làng cổ Phước Tích
Nằm cách trung tâm cố đô khoảng 35 km, làng cổ Phước Tích nằm yên bình bên bờ sông Ô Lâu, giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Theo một số tài liệu lịch sử có ghi chép lại thì nơi đây được hình thành từ tận thế kỷ 15, thế nên toàn bộ khung cảnh ngôi làng cổ này mang đậm kiến trúc đặc trưng cổ xưa.
Ngôi làng vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên văn hoá làng nghề, với hệ thống đình, miếu, nhà rường cổ, điển hình của thôn quê. Làng còn giữ vững nghề truyền thống là nghề gốm nổi tiếng đã hơn 500 năm với kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm trứ danh. Hiện nay, làng cổ Phước Tích có nhiều loại hình du lịch như: tham quan nhà rường, lưu trú, xe đạp, quảng diễn nghề gốm… nên bạn có thể tha hồ tham quan và tìm hiểu về làng cổ.