Lạc ở Ấn Độ

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 11:27:25

Nhóm phóng viên của VTV - Thu Hằng và Thùy Linh - đã tranh thủ khám phá đất nước Ấn Độ trong chuyến đi công tác ngắn ngày của mình.

Sau dịch, các hoạt động du lịch đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Trong rất nhiều điểm đến ra nước ngoài, nhiều người đang phân vân có nên chọn Ấn Độ? Đây là một quốc gia có bản sắc văn hóa phong phú và có nhiều điều để khám phá, nhưng liệu đi du lịch Ấn Độ thời điểm này có an toàn? Nên đi đâu để trong 1 thời gian ngắn có thể cảm nhận đất nước và con người Ấn Độ?

Trong chuyến công tác ngắn ngày của mình, nhóm phóng viên của VTV - nhà báo Thu Hằng và Thùy Linh - đã tranh thủ khám phá đất nước kỳ diệu này và trong bài viết này, cả hai đã có những chia sẻ về những trải nghiệm của mình tại Ấn Độ với hy vọng ít nhiều những chia sẻ ấy có thể hữu ích cho bạn đọc.

Nhà báo Thu Hằng và Thùy Linh cùng những hình ảnh lưu niệm tại đất nước Ấn Độ.


LẠC Ở ẤN ĐỘ...


"Lost in India" (Lạc ở Ấn Độ) - có một quyển sách mang tựa đề như thế. Câu chuyện kể về việc một kiến trúc sư người Anh, cùng bạn đời đi du lịch vòng quanh Ấn Độ. Trong chuyến đi đó, họ đã khám phá đất nước, con người Ấn Độ và cuối cùng đã tìm ra chính bản thân mình, mình là ai, mình thuộc về đâu.

Công trình trữ nước Stepwell Baoli.

Với những người phương Tây, Ấn Độ là một đất nước vô cùng bí hiểm, là cái nôi của nền văn hóa phương Đông. Ngay cả với những người châu Á như chúng ta, Ấn Độ vừa gần gũi, lại vừa xa lạ, hấp dẫn những người thích khám phá.

Với riêng chúng tôi, trước khi sang Ấn Độ thì "lạc" trong 1 rừng thông tin không mấy tích cực, nhưng khi tới nơi thì nhiều điều không như tưởng tượng và cuối cùng thì lại "lạc" trong mảnh đất giàu có về văn hóa và phong tục tập quán này.


An ninh, an toàn ở xứ cà ri


Ở Ấn Độ đã từng có những vụ khủng bố, những vụ tấn công nhằm vào phụ nữ và những thông tin này quả thật đã tác động tới tâm lý của nhiều du khách. Nhưng bạn sẽ có cảm giác yên tâm hơn khi thấy an ninh được siết chặt, có lẽ bởi thời điểm này, Ấn Độ đang bước vào 1 trong những dịp lễ lớn trong năm, du khách thì cũng đang trở lại ngày một đông. Ở bất cứ địa điểm công cộng nào (sân bay, ga tàu điện ngầm, chợ ngoài trời, đền thờ…) đều có lực lượng an ninh soi chiếu, kiểm tra người và túi xách. Thậm chí ở đền thờ Akshardham, thủ đô New Delhi, bạn còn không được phép mang điện thoại và các loại thiết bị kỹ thuật số vào.


Đất nước hơn 1,4 tỷ dân khó tránh khỏi sự lộn xộn, đông đúc trên đường phố, nhất là ở những khu chợ hoặc khu du lịch.

Xe tuk tuk dàn hàng ngang, hoặc luồn lách trong những ngõ nhỏ. Xe buýt công cộng ra ngoại ô hoặc liên tỉnh chật kín người. Nhưng thú vị là tàu điện ngầm lại rất rộng rãi, sạch sẽ, tương đối vắng vẻ. Sự khác biệt cũng thể hiện rõ giữa khu phố cổ (old Delhi) và những khu vực mới hiện đại hơn (new Delhi).


Những người Ấn Độ bảo với chúng tôi: Đừng đặt mình vào tình thế nguy hiểm là được – tránh đi đêm, tránh đi một mình . Chỉ nên đi tuk tuk với cự ly gần hoặc tới những địa điểm ai cũng biết, vì nhiều lái xe tuk tuk không biết tiếng Anh, không đọc được bản đồ. Nên đặt xe uber hoặc taxi khách sạn nếu đi cự ly xa. Ở những khu vực đền thờ, tránh mua hàng rong, bởi bạn có thể bị bao vây bởi một đám đông những người bán hàng rong, mà để thoát ra được thì không dễ.


Đặt tour đi Ấn Độ


Để an toàn thì nhiều người quyết định đặt tour qua các công ty du lịch. Chúng tôi thì thuê một công ty của người Ấn, do một người bạn tin cậy giới thiệu. Điểm hạn chế khi bạn có 1 tour guide người Ấn là tiếng Anh của họ không dễ nghe, nhưng một khi đã quen thì bạn sẽ thấy rất có lợi: họ hiểu rất rõ về văn hóa, lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán địa phương, họ sẽ giúp bạn lên chương trình tour theo sở thích, chọn quán, chọn món ăn, hướng dẫn cách ứng xử phù hợp… Nhưng ngay từ đầu, hãy làm quen với cử chỉ lắc đầu của người Ấn. Lắc mà lại là gật. Người dẫn đường cho chúng tôi thì bảo: Lắc là "yes or no" – đồng ý nhưng vẫn còn hơi phân vân, hoặc đồng ý khi được yêu cầu làm điều gì đó…

Người dẫn tour cũng giải đáp cho chúng tôi thắc mắc: tiền thưởng (tip) bao nhiêu là đủ? Không có mức chuẩn tuyệt đối, nếu tip vừa đủ thì người Ấn hài lòng mà tip nhiều hơn thì họ rất vui. Nhưng về cơ bản, có thể ước chừng như thế này:

- Với lái xe taxi, tuk tuk - không cần tip; với lái xe thuê theo hợp đồng công ty - khoảng 6 USD/ 1/2 ngày hoặc 12 USD/ ngày

- Với người phục vụ trong nhà hàng: 5-10% hóa đơn, nhưng đã là nhà hàng trong khách sạn 5 sao thì không cần vì hóa đơn đã bao gồm tiền tip

- Với người phục vụ mang vác hành lý ở sân bay hoặc khách sạn - 2 USD

- Với hướng dẫn viên du lịch của công ty tổ chức tour - 10 USD

Nhà báo Thu Hằng và Thùy Linh cùng những hình ảnh lưu niệm tại đất nước Ấn Độ.


Đương nhiên sự hào phóng của bạn còn phụ thuộc vào việc bạn có hài lòng với dịch vụ của họ không. Mà người Ấn Độ thì nổi tiếng biết chiều khách hàng.


Một điều mà các hướng dẫn viên du lịch bản xứ hay dặn dò khách: ở các khu chợ, đừng mua hàng ngay mà hãy mặc cả giảm 40-50% giá trị hàng hoá, sau đó nâng lên dần


Đất nước của sự thống nhất trong đa dạng


Với 1 hướng dẫn viên bản xứ, bạn sẽ được chứng kiến cách ứng xử và hành lễ của họ khi vào các đền thờ.


Cũng ở các kiến trúc tôn giáo và lăng tẩm, có thể dễ dàng nhận thấy sự hòa trộn của các tôn giáo và các sắc tộc ở Ấn Độ.

Ở đất nước này, nếu như người Hindu (Ấn độ giáo) chiếm tới gần 80% thì người Hồi giáo chiếm khoảng 15%, số còn lại chia cho người theo Thiên chúa giáo, đạo Sikh, Jain, đạo Phật… Lịch sử Ấn Độ với những cuộc xâm lược, chiến tranh giành quyền kế vị dài đằng đẵng, kèm với đó là sự gây ảnh hưởng của các tôn giáo đã khiến ở nơi Phật giáo ra đời giờ đây chỉ có dưới 0,7% dân số theo đạo Phật.

Di sản Fatehpur Sikri là mình chứng cho sự chung sống của các tôn giáo.

Nhưng đến thăm Di sản Fatehpur Sikri, được UNESCO công nhận và bảo vệ, bạn sẽ thấy những tôn giáo này đều có chỗ đứng trong văn hóa và cuộc sống của người Ấn Độ. Di sản này được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 16, ở bang Utah Pradesh (cách đền thờ nổi tiếng Taj Mahal ở Agra chỉ 35 km) và được sử dụng như thủ đô chỉ trong 10 năm. Với mục đích dung hòa các tôn giáo, Akbar Đại đế của Đế quốc Mô-gun thời đó đã yêu cầu trên nhiều chi tiết của công trình đồ sộ bằng đá cát đỏ này phải thể hiện được những nét kiến trúc đặc trưng của đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Phật, đạo Thiên chúa, và kiến trúc Ba tư…

Ngày nay, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đất nước Ấn Độ vẫn còn tiếp tục phải giải quyết nhiều mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo nhưng chính bề dầy văn hoá, lịch sử, sự đa dạng và độc đáo trong phong tục tập quán, văn hóa ở đây là điều hấp dẫn du khách nước ngoài.

Trước dịch, chỉ riêng khu lăng mộ Taj Mahal đón 8-9 triệu khách/ năm. Với việc mở cửa hoàn toàn cho du lịch từ tháng 3 năm nay, Ấn Độ hứa hẹn sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn.

Chia sẻ Facebook